Thursday, February 18, 2016

Để đánh giá công chức chính xác

Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ, 
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính, 
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON


Báo Người Lao Động, ngày 18/02/2016,           http://thanhnien.vn/toi-viet/de-danh-gia-cong-chuc-chinh-xac-668609.html,          Phải thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với việc đánh giá còn quá nhiều cảm tính như hiện nay.   
Để đánh giá công chức chính xác

Dư luận cho rằng có 30% số cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, trong khi Bộ Nội vụ đưa ra con số 1% cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Sở dĩ có sự "vênh "về số liệu là do Bộ nội vụ tập hợp các báo cáo của các địa phương và bộ ngành gửi về với con số công chức hoàn thành nhiệm vụ luôn cao hơn 95-96%, nhiều nơi lên tới 100% (!?). Những con số này thật tình cũng chỉ là võ đoán, chưa dựa trên một tiêu chí thống nhất đánh giá một cách định lượng và được thống kê một cách khoa học.
Thông thường, việc đánh giá từng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được tiến hành theo phương thức cho điểm, bỏ phiếu của tập thể cơ quan, đơn vị. Anh bỏ phiếu tốt cho tôi, tôi bỏ tốt cho anh, cả cơ quan điều tốt cả. Điều này phù hợp với ý thủ trưởng muốn đơn vị tốt, hoàn thành nhiệm vụ thì phải có càng nhiều nhân viên tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Thế là hình thức cho điểm, bỏ phiếu đánh giá tưởng là khách quan, công bằng nhưng thực ra lại rất chủ quan, không gắn với trách nhiệm.
Không thể đánh giá theo kiểu "cải cách hành chính của tỉnh, thành phố năm nay tiến bộ thêm một bước", mà phải dựạ vào các chỉ số đánh giá có tính định lượng trên cơ sở điều tra xã hội học một cách khách quan của bên thứ ba.
Muốn có cơ sở đánh giá chính xác năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, phải thay đổi phương pháp đánh giá vốn đang còn nhiều hạn chế, chưa bám vào kết quả cụ thể thực hiện công việc. Các tiêu chí còn mang nặng định tính nên dễ đánh giá chung chung, bình quân, ai cũng tốt như nhau. Nên chăng, cần áp dụng các phương pháp khoa học khách quan để đánh giá, như đánh giá dựa theo hệ thống quản lý kết quả đầu ra (Performance Management System) - một phương thức mới đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng nhằm cải thiện việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, công chức và người đứng đầu.
Hoặc cũng có thể bổ sung “chế định sát hạch công chức”. Cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng. Phải thông qua sát hạch mới có thể có được sự đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của các công chức. Phải thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với việc đánh giá còn quá nhiều cảm tính như hiện nay.
Lâu nay người dân, công luận và kể cả cơ quan dân cử chỉ biết hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung thông qua các báo cáo 6 tháng, báo cáo hàng năm và báo cáo cuối nhiệm kỳ đọc trước cơ quan dân cử. Qua các báo cáo có thể rút ra những kết luận, các đánh giá hoạt động của cơ quan nhà nước trong năm, trong suốt nhiệm kỳ... Tuy nhiên, cách làm có tính thông lệ này dù sao cũng làm cho các đánh giá mang nặng cảm tính, có phần hình thức.
Bênh cạnh đó, thời gian qua, nhiều địa phương và nhiều ngành cũng đã bắt đầu quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân. Đã tiến hành lấy phiếu điều tra sự hài lòng của khách hàng (công dân) đối với hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan công quyền. Xem sự hài lòng của công dân là thước đo kết quả của cải cách hành chính. Tuy nhiên, do sự tổ chức lấy phiếu điều tra thiếu khoa học, phiến diện cho nên tỷ lệ "hài lòng" rất cao một cách khá phi lý như cấp phép xây dụng, giấy chủ quyền đất... thậm chí như ngành giao thông, đào đường, kẹt xe trầm trọng mà sự "hài lòng" của người dân vẫn trên 90% (?)
Giờ đây không thể đánh giá theo kiểu "cải cách hành chính của tỉnh, thành phố năm nay tiến bộ thêm một bước", mà phải dựạ vào các chỉ số đánh giá có tính định lượng trên cơ sở điều tra xã hội học một cách khách quan của bên thứ ba. Như chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và PCI (Provincial competitiveness Index) chỉ số nói về cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cả 2 chỉ số đều có mục tiêu đánh giá chính quyền cấp tỉnh dựa trên tính hiệu quả của quản trị và hành chính công nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh. Nếu xem xét tiêu chí thành phần của cả 2 chỉ số thì sẽ thấy ít nhiều có liên quan đến nội dung về cải cách hành chính.

Một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thông qua đánh giá chính xác, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công cộng, công chức buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác.
Ở một số nước, người ta đã luật hoá việc đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Để đánh giá, người ta cho phát hành tài liệu như “Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá hoạt động và hiệu quả của cơ quan nhà nước” để hướng dẫn việc thiết lập và hoàn thiện cơ chế đánh giá về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật. Từ đó, việc đánh giá hiệu quả các tổ chức đã từng bước được phổ cập hoá, quy phạm hoá, hệ thống hoá, khoa học hoá. Để đánh giá một cách chính xác, khoa học, người ta đưa ra các tiêu chí định lượng làm cơ sở đánh giá.
Đánh giá tính kinh tế: đây là sự đánh giá tính hợp lý về chi phí. Hình thức đánh giá tính kinh tế trong quản lý thường là: đánh giá tỷ lệ giữa chi phí và kết quả, tỷ lệ giữa chi phí hành chính và chi phí thực hiện nghiệp vụ, chi phí phục vụ tính theo đầu người thụ hưởng...
Đánh giá hiệu suất: đây là sự đánh giá tỷ lệ giữa chi phí đầu tư và kết quả thu được. Thí dụ, để đánh giá hiệu quả công tác của cảnh sát, người ta có thể sử dụng tiêu chí như: tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án hình sự, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ án bạo lực, tỷ lệ phá án trong tổng số các vụ trộm, số vụ án khám phá được tính bình quân cho mỗi nhân viên cảnh sát.
Đánh giá hiệu ích: nội dung đánh giá hiệu ích bao gồm đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu ích xã hội, mức độ hài lòng của công dân.
Một nhà nước của dân, do dân, vì dân, thông qua đánh giá, công chúng có thể có được sự lựa chọn chính xác, tạo ra sức ép đối với tổ chức công cộng, công chức buộc họ phải nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác. Việc đánh giá hiệu quả các tổ chức công cộng của chính quyền sẽ tạo ra sự so sánh theo chiều ngang - chiều dọc và không khí cạnh tranh, thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả công tác, thật sự chuyển từ chức năng cai trị sang chức năng phục vụ.
Diệp Văn Sơn
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một chuyên gia về cải cách hành chính.

No comments:

Post a Comment