Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ,
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính,
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Tại thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ giữa lãnh đạo cũ và mới, tình trạng hết tiền hoạt động, không có nguồn chi trả lương, bàn giao một số nợ xây dựng cơ bản lớn đang xảy ra tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu),TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) và một bệnh viện công ở tỉnh Đắk Lắk...Cũng vào đợt chuyển giao nhiệm kỳ, rộ lên chuyện đi “du hí” với danh nghĩa nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài ở một số địa phương như Tiền Giang, Bình Phước, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Nam...
Ở bình diện vĩ mô, việc khai thác, bán tài nguyên để tiêu xài trước mắt, vay nợ để nợ công chồng chất là tâm lý và cách hành xử thường trực của một bộ phận quan chức là chuyện có thật. Tư tưởng tranh thủ xài cho hết tiền trước khi rời ghế đã thành hội chứng.
Bản chất của việc nợ nần chồng chất là do mất cân đối ngân sách địa phương. Thẳng thừng ra là do cách thức điều hành ngân sách địa phương có vấn đề. Lẽ ra khi xây dựng dự toán, các địa phương phải xác định nguồn lực (thu từ địa phương, bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu...) để xác định nhiệm vụ chi. Về nguyên tắc, địa phương phải cân đối thu - chi. Đã không cân đối được lại cộng thêm tâm lý xài cho hết tất yếu dẫn đến thực trạng cực kỳ lãng phí ở các địa phương. Thực trạng trên càng đáng buồn hơn trong bối cảnh có đến 50/63 tỉnh, thành đang nhận trợ cấp từ Chính phủ mới đủ chi.
Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện tình trạng nhiều địa phương buông lỏng trong chấp hành kỷ luật ngân sách. Theo Bộ Tài chính, nguồn lực của địa phương có hạn, không được phân bổ ngân sách nhưng nhiều tỉnh vẫn quyết định đầu tư các công trình hoành tráng, như trung tâm hành chính, quảng trường, tượng đài... và hệ quả tất yếu là vượt quá khả năng chi trả.
Đi nước ngoài có lẽ ngốn nhiều ngân sách nhất. Theo ước tính, mỗi ngày cả nước có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách. Con số khủng khiếp kia cho thấy thực tế đi nước ngoài như đi chợ của các cán bộ nhưng kinh nghiệm chúng ta học hỏi, thu thập được là gì, không thấy triển khai, phổ biến và nhân rộng... Tâm lý “của công là của chùa” đã bám rễ trong suy nghĩ của không ít công chức.
Chỉ kêu gọi người dân tiết kiệm thì chưa đủ, mà quan trọng là tất cả đều phải tiết kiệm, nhất là các cơ quan nhà nước, các dự án ngàn tỉ đang gây bất bình trong dư luận. Không lý do gì bắt người dân phải thắt lưng buộc bụng, chăm chỉ tiết kiệm, đóng thuế cho ngân sách, còn cán bộ vẫn dung túng thói quen hoang phí.
Để xảy ra tình trạng trên, trước hết là tập thể, cá nhân, thủ trưởng đơn vị cơ quan sử dụng ngân sách; tiếp đến là cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính trực tiếp phụ trách đơn vị sử dụng ngân sách đó phải chịu trách nhiệm. Khi phát hiện sự hoang phí, cần được kiểm tra, xem xét, kết luận đúng nguyên nhân và quy định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể.
Lãng phí hiện đang gây những tổn thất lớn trong xã hội. Hai mặt phòng và chống lãng phí đều phải thực hiện song song. Cần đưa ra công luận một số vụ việc lãng phí điển hình tại một số địa phương và Chính phủ phải xử nghiêm để răn đe thói quen vung tay quá trán.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment