Monday, August 24, 2015

Nay, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam là gì?

Báo Vietnamnet, ngày 22/08/2015,     http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/257818/nay--hanh-phuc-cua-dan-toc-viet-nam-la-gi-.html,          Nay, hạnh phúc của dân tộc VN là gì? Nếu không phải là dân chủ, giàu mạnh, công bằng và văn minh. Hạnh phúc là được sống trong một XH lành mạnh, không tham nhũng, quản lý công khai, minh bạch gắn với những thang giá trị làm người, những thang giá trị văn hóa đích thực.

Trong tuần này, có một sự kiện lớn và hướng tới có một sự kiện lớn quan trọng không kém, thức tỉnh trong lòng người dân Việt biết bao suy ngẫm. Về quá khứ và hiện tại. Về hiện tại và tương lai.
Có cả sự bồi hồi và day dứt. Tưởng nhớ và âu lo. Khẳng định và đặt câu hỏi.
Đất nước- hai chữ thiêng liêng
Đó là kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể thế thệ trẻ VN ngày nay sinh ra trong hòa bình chưa cảm nhận hết sự thiêng liêng của bốn chữ độc lập- tự do. Nhưng các thế hệ cha anh, trải qua thân phận nô lệ, của nghìn năm Bắc thuộc, của một thời cuộc đầy giông bão chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ quá thấm thía nỗi đau này. Và vì thế, bao thế hệ người Việt Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành đã phải dấn thân, hy sinh xương máu của mình để đất nước có chủ quyền, dân tộc có độc lập tự do.
Độc lập tự do, là… bốn chữ ngọt ngào, là hạnh phúc của một dân tộc và của mỗi người dân khi đó.
đất nước, đổi mới, cách mạng, phát triển, Quốc khánh, dân giàu, nước mạnh, Vũ Minh Giang, Đổi mới, Kim Ngọc
Đất nước - hai chữ thiêng liêng
Không phải tình cờ mà chủ đề về 70 năm CM tháng Tám, khai sinh nước VNDCCH lại có cuộc tọa đàm trực tuyến Cái giá phải trả để được sống trong độc lập, tự do. Cái giá đó rất khắc nghiệt, không chỉ là xương máu của hàng triệu người lính, người dân VN đã đổ xuống, mà còn bởi một đặc thù như số phận dân tộc. Theo GS Vũ Minh Giang (ĐHQGHN): Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu có thể do vị trí địa-chính trị, giao thoa văn hóa hoặc cũng có thể do ta sinh cơ lập địa ở cạnh một đế chế nhiều tham vọng chăng, mà trong suốt chiều dài lịch sử không mấy khi chúng ta được sống trong bình yên.
Một câu hỏi mang tính khẳng định, nhưng trước đó, cả lịch sử dân tộc dài hàng nghìn năm đã giãi bày, bằng máu và nước mắt.
Số phận khắc nghiệt đến mức, Gs Trần Ngọc Vương (ĐH QGHN) cũng trong cuộc tọa đàm, đã nhân xét thẳng thắn: Cho đến hôm nay, vấn đề độc lập dân tộc vẫn còn phải tiếp tục, nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và gìn giữ độc lập vẫn nên triển khai một cách quyết liệt. Bởi vì sẽ còn rất gian nan. Nếu chúng ta quên đi đều đó, vẫn cứ nghĩ rằng chúng ta đã có độc lập rồi thì thật là tai hoạ.
Giành lại chủ quyền, độc lập tự do dân tộc đã khó. Giữ gìn, phát triển và hội nhập với thước đo văn hóa của nhân loại văn minh còn khó hơn.
Đó cũng chính là lý do, 11 năm sau thống nhất đất nước, là những thăng trầm, gieo neo của cả dân tộc, bởi những khiếm khuyết của cơ chế quan liêu bao cấp, dẫn đến có không ít những sai lầm trong phát triển khiến đời sống XH cực khổ.  Để cuối cùng, một quyết định mang tính đột phá ra đời- sau những day dứt, dằn vặt, tranh cãi - Đổi mới! Để từ cơ chế quản lý, từ quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Câu khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết” thật linh nghiệm với những năm tháng gian khổ khó quên. Với một thời cuộc đầy mưa nắng ấm lạnh của lịch sử.
Để từ đó, diện mạo cả một XH thay đổi. Từ cơ chế đến chất lượng cuộc sống vật chất cả XH cho tới tận mỗi gia đình. Từ sự đổi mới chung đến sự đổi mới riêng các ngành, các lĩnh vực. Từ kinh tế đến giáo dục, văn hóa, y tế… Sự đổi mới về quan niệm còn dẫn đến sự đổi mới những thang bậc giá trị.
Nhưng ai là người làm nên Đổi mới?
Cố GS kinh tế Đặng Phong, tác giả của hàng chục đầu sách nghiên cứu lịch sử kinh tế VN rất nổi tiếng, khi còn sống, trong cuộc trò chuyện với người viết bài này, đã có một nhận xét rất đáng chú ý, có thể nói khá bản chất về công cuộc đổi mới: Sự đổi mới diễn ra trong xã hội VN, không phải là công lao của một cá nhân, một cha đẻ, hay lãnh tụ đổi mới nào. Mà mỗi người lãnh đạo VN có một vai trò khác nhau. Nói cách khác, chính trào lưu đổi mới này mới là “anh hùng” tạo nên thời thế- thời của nền kinh tế mới mang cái tên xưa kia người ta rất dị ứng- kinh tế thị trường (Tuần Việt Nam, ngày 06/9/2010).
Đó là cố GS Đặng Phong nói về bộ máy lãnh đạo, có trách nhiệm lớn lao gánh vác sứ mệnh dân tộc vào thời khắc quyết định sinh tử nhất.
đất nước, đổi mới, cách mạng, phát triển, Quốc khánh, dân giàu, nước mạnh, Vũ Minh Giang, Đổi mới, Kim Ngọc
Đất nước giàu mạnh là niềm mong mỏi của mọi công dân. Ảnh minh họa, nguồn: Zing.vn
Còn trong thực tiễn cuộc đời, nơi mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi xanh tươi, vẫn có một con người, một quan chức chính quyền địa phương, nguyên là một người nông dân đã rất can đảm thay đổi, từ tư duy, nhận thức đến hành động, và cuối cùng, góp phần tạo ra sự chuyển biến thần kỳ trong nông nghiệp, một trong những ngành cốt tử nhất của đất nước. Trước hết là mảnh đất Vĩnh Phú trung du của ông, rồi lan nhanh sang các địa phương khác.
Như một làn gió lạ, rồi chuyển thành luồng gió mát lành. Cho đồng lúa nở hoa. Và gương mặt người nông dân nở nụ cười, dù dấu vết khắc khổ vẫn hằn sâu theo năm tháng.
Đó là Kim Ngọc- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ), người mà Ts Tô Văn Trường, trong bài viết trên Tuần Việt Nam, ngày 19/8, đã gọi ông là cái Kim bằng Ngọc, dám châm thẳng vào 'huyệt' cơ chế bảo thủ, tạo nên một “hiện tượng”- hiện tượng Kim Ngọc!
Đã có biết bao bài báo, thậm chí cả một bộ phim truyền hình dài nhiều tập- Bí thư Tỉnh ủy- để nói về ông. Cũng là để vinh danh ông, một quan chức nông dân đi mở con đường “khoán hộ”.
Có lẽ ở ông, có cả ba điều mà người đời xưa cho chí đời nay đều ngưỡng mộ khi nói về một nhân cách:
Có trí, để nhìn ra những vấn đề mà nhiều người đương thời, vì nhiều lý do đã không thể nhìn ra.
Có dũng, để dám biến nhận thức mới đó thành hành động thực tiễn.
Có gan, để dám làm dám chịu trách nhiệm. Và có đủ niềm tin vào hành động thực tiễn của mình.
Như một quy luật XH, những người có tầm nhìn, đi trước thời đại, bao giờ cũng phải chịu hy sinh.
Nhưng Trời không phụ ông. Và người viết tin rằng, Đời rồi sẽ không thể phụ ông.
Còn trong con mắt những người nông dân chân đất, ông vẫn là ngườianh hùng áo vải cờ đào dựng nên “khoán hộ” no ấm.
Hạnh phúc- không duy nhất và bất biến
Ba mươi năm Đổi mới, với những thành tựu phát triển không thể phủ nhận, về diện mạo XH, chất lượng vật chất trong cuộc sống mỗi gia đình. Vậy nhưng trước những thách thức của thời cuộc- hội nhập hiện đại, với những thang giá trị văn minh, VN đang phải đối mặt với nguy cơ không thoát được “bẫy trung bình”.
Đó là nhận xét của GS Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, người có 20 năm nghiên cứu VN. Cũng theo GS Kenichi Ohno có nhiều dấu hiệu để khẳng định điều đó. Thứ nhất, tăng trưởng GDP của VN chậm lại. Thứ hai, năng suất lao động kém. Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu ở VN chỉ mang tính hình thức. Thứ tư là VN đã bị trì trệ trong các bảng xếp hạng toàn cầu. Thứ năm là VN đã gặp các vấn đề nảy nảy sinh do tăng trưởng như ô nhiễm, tham nhũng, bong bóng bất động sản, chênh lệch giàu nghèo (Tuổi trẻ, ngày 15/4/2014).
Rõ ràng, ở thời cuộc nhân loại đang gấp gáp phát triển, VN vẫn đang … lận đận. Vì sao?
Ở góc độ kinh tế, hành trình hội nhập khiến nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào cũng phải tạo nên được nội lực mạnh mẽ của chính mình. Quá trình tự thân vận động đó, tạo nên sức phát triển, và tạo ra khả năng hội nhập thế giới hiện đại. Nhưng sự tự thân vận động của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào ba yếu tố mang tính quyết định: Thể chế kinh tế văn minh; Môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh; Và công nghệ mới.
Về hiện tượng, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, rất đáng lo là năng lực cạnh tranh của VN cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN 6.Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng VN vẫn còn nằm trong nhóm 04 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm VN, Lào, Campuchia và Myanmar). Mặc dù, năm 2014, TTCP đã quyết định năm 2015 là “Năm Doanh nghiệp”, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh của kinh tế VN. Kèm đó, là mục tiêu “nhích” từng bước- năm 2014, môi trường kinh doanh sao cho ngang bằng với ASEAN 6. Năm 2015, phải cạnh tranh được với ASEAN 4 (04 nước tiên tiến nhất trong ASEAN). Bởi nếu không đua được với ASEAN 4 thì sao ra được biển lớn, đua được với các quốc gia mạnh như Mỹ, khối EU .v…v…
đất nước, đổi mới, cách mạng, phát triển, Quốc khánh, dân giàu, nước mạnh, Vũ Minh Giang, Đổi mới, Kim Ngọc
Nay, hạnh phúc của dân tộc VN là gì? Ảnh minh họa, nguồn: Zing.vn
Hiện tượng đó có những căn nguyên hạn chế sự phát triển của nền kinh tế- XH, nói rộng ra, của một quốc gia? Chắc chắn là có.
Đó là về thể chế kinh tế. Mặc dù có những thay đổi- xóa bỏ cơ chế bao cấp, nhưng phải nói thẳng rằng, cơ chế quản trị khối các DNNN, chiếm phần lớn đầu tư, tài sản vật lực quốc gia, thực chất vẫn là cơ chế xin- cho, nặng tính lợi ích nhóm, môi trường màu mỡ cho tham nhũng đục khoét, cho lối “đi đêm” với hoa hồng, lại quả, với thành ngữ được ưa chuộng ông rút chân giò, bà thò chai rượu.
Đến mức, cũng theo Infonet, trong xếp hạng về thể chế, VN xếp ở mức rất kém trong các chỉ số chi phí “bôi trơn” so với nhiều nước khác. Một điều tra cho thấy, trung bình cứ 01 đồng lợi nhuận DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của DN. Số liệu điều tra của Phòng Thương mại – Công nghiệp VN cho thấy, so với 10 năm trước đây quy mô của DN Việt Nam hiện chỉ còn bằng… một nửa.
Một điều đáng lưu tâm, mới đây, Ngân hàng Bank of America vừa công bố, nợ công của Việt Nam đứng thứ 12 trong nhóm rủi ro cao nhất thế giới. Thế nhưng, mặc dù nợ công cao, các DNNN vẫn xếp hàng xin CP bảo lãnh các khoản vay thưng mại tới hàng tỷ USD, còn Bộ Tài chính đã ứng ra hơn 01 tỷ USD để trả nợ thay cho các DN vì thua lỗ, khó khăn. Đối tượng được trả nợ thay hầu hết là DNNN triển khai dự án thua lỗ, như Tổng Công ty Cơ khí xây dựng, Tổng Công ty Giấy VN, Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp VN, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty xi măng VN (VietNamNet, ngày 06/6).
Nghĩa là toàn ông lớn, nhưng hiệu quả làm ăn rất… bé.
Thể chế kinh tế thiếu lành mạnh, tất yếu dẫn đến môi trường kinh doanh không công bằng, sòng phẳng. Mặc dù mới đây, theo Luật Đầu tư mới, bắt đầu từ tháng 7/2015, sẽ có tới 3.299 điều kiện kinh doanh vô lối (thực chất là những điều kiện gây khó dễ, đòi các DN vừa và nhỏ phải chung chi, ăn chia….) sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ vươn lên tùy theo sức của mình.
Thế nhưng đến thời điểm tháng 6/2015, theo báo cáo của CIEM (Trung tâm thông tin tư liệu- Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ) vẫn còn tới 14 bộ, cơ quan; 55 tỉnh chưa có kế hoạch này (Dân Việt, ngày 06/6). Đủ biết lợi ích đã khiến cho ngay cả các cơ quan, các ngành chức năng cứ dùng dằng kiểu em cứ hẹn nhưng em đừng làm nhé, ra sao.
Đã thế, cũng theo Infonet, ngày 10/8, trong các nước tham gia TPP, VN xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ, dù đây là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo ra những bước ngoặt quyết định về năng lực cạnh tranh, và thuộc về trách nhiệm vĩ mô của nhà nước. Trong thực tế,  rất nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích về công nghệ của nhà nước. Bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn… lớn hơn cả mức được ưu đãi.
Thực chất, toàn bộ những điều kiện mang tính chất quyết định tới sự phát triển nói trên, lại bị sự lũng đoạn của những hành vi tham nhũng. Đó mới là điều đáng nói.
Và như vậy, sự phát triển của VN không thể nhẹ nhàng…. cất cánh, nếu như nước Việt không diệt trừ được tham nhũng, các nhóm lợi ích, thông qua cải cách thể chế kinh tế. Và cùng với những giải pháp cốt tử khác.
Chợt nhớ tới đất nước 70 năm trước đây, phải chống giặc ngoại xâm, giành chính quyền. Vậy mà, như nhận xét của GS Trần Ngọc Vương, một nhà nghiên cứu thì lịch sử cho thấy, có rất nhiều người trong chính phủ của nhóm Trần Trọng Kim, rồi Vua Bảo Đại đã ngả theo và họ dần trở thành những yếu nhân của chính quyền mới (Việt minh). Rõ ràng họ là những người biết đặt lợi ích của việc ra đời một nhà nước độc lập lên trên lợi ích cá nhân. Và như Vua Bảo Đại đã có tuyên ngôn nổi tiếng “Tôi thà làm công dân của một nước tự do còn hơn làm vua của một nước nô lệ”.
Vậy mà 70 năm sau, đất nước đã yên bình, thì “giặc nội xâm” lại trở thành vật cản tinh vi và lớn nhất cho sự phát triển của đất nước?
Hạnh phúc là khái niệm, là nội hàm mỗi đời người thường mơ ước
Nhưng hạnh phúc không có duy nhất và bất biến. Với mỗi con người đã vậy. Với cả dân tộc- càng vậy.
Xưa, hạnh phúc của dân tộc VN là chủ quyền độc lập, dân tộc, là tự do, cơm no áo ấm.
Nay, hạnh phúc của dân tộc VN là gì? Nếu không phải là dân chủ, giàu mạnh, công bằng và văn minh. Hạnh phúc là được sống trong một XH lành mạnh, không tham nhũng, quản lý công khai, minh bạch gắn với những thang giá trị làm người, những thang giá trị văn hóa đích thực.
Nhưng đất nước cứ lận đận, có nguy cơ không ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, thì hạnh phúc con người… có phát triển không?
Kỳ Duyên   

No comments:

Post a Comment