Friday, August 21, 2015

Cần lập hội đồng thẩm định số liệu thống kê

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 18/08/2015,       http://www.thesaigontimes.vn/134286/Can-lap-hoi-dong-tham-dinh-so-lieu-thong-ke.html,          Một điểm yếu ai cũng thừa nhận trong quy trình làm luật hiện nay, đó là cơ quan chủ trì soạn thảo lại cũng là cơ quan “quản lý nhà nước” trong lĩnh vực đó. Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi không phải là ngoại lệ khi nhóm chủ trì soạn thảo chính là… Tổng cục Thống kê.

Con số xuất khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam và nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc vênh nhau đến 20 tỉ đô la Mỹ và lời giải thích của Tổng cục Thống kê đưa ra sau đó vẫn không làm thỏa mãn giới chuyên gia kinh tế và người đứng đầu Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Không ai thực sự biết được bao nhiêu trong số 20 tỉ đô la Mỹ này đã thực sự thẩm lậu vào Việt Nam, và bao nhiêu là sai số do vấn đề kỹ thuật ghi chép của cơ quan hải quan (trong khi cơ quan thống kê cũng thiếu trách nhiệm trong việc thẩm tra).
Hệ quả đằng sau một con số - những vấn đề - như thế này rất lớn, bởi nó làm dấy lên những nghi vấn về bức tranh thực của nền kinh tế. Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, nếu hai phần ba trong số 20 tỉ đô la Mỹ thẩm thấu vào nền kinh tế Việt Nam thì GDP của Việt Nam năm 2014 không tăng mà giảm khoảng 5,6%. Nếu chỉ một nửa trong 20 tỉ đô la Mỹ thực sự vào Việt Nam thì tăng trưởng GDP giảm 2%.
Số liệu thống kê quan trọng là thế, tuy nhiên hoạt động chuyên môn (thống kê) của ngành này hiện nay lại chưa có cơ quan nào giám sát. Nếu như trong lĩnh vực tài chính, Kiểm toán Nhà nước là “người gác cổng” để phát hiện những sai phạm về tài chính, và Thanh tra Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm phát hiện các sai phạm của các cơ quan trong hệ thống hành chính khác, thì trong lĩnh vực thống kê, câu hỏi đặt ra là khi cơ quan thống kê làm sai, thì ai, cơ quan nào có đủ năng lực và thẩm quyền xử lý?
Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi tiếp tục bỏ ngỏ vấn đề quan trọng này. Theo như quy định tại điều 8 của dự thảo, cơ quan thống kê trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành thống kê trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dự thảo không có điều khoản nào đề cập đến chuyện giám sát và xử lý sai phạm của cơ quan này.
Thực tế, trong tất cả các trường hợp nghi vấn số liệu do Tổng cục Thống kê công bố từ trước đến nay, cơ quan chủ quản là Bộ Kế hoạch và Đầu tư lẫn Chính phủ chỉ biết quay lại yêu cầu chính nơi này giải trình, và rồi cuối cùng chấp nhận một câu trả lời vẫn chưa đáng tin cậy.
Vẫn theo chuyên gia Bùi Trinh, hầu hết các lãnh đạo ngành đều thừa nhận vấn đề hàng Trung Quốc vào Việt Nam mà không được ghi nhận bởi cơ quan hải quan và cơ quan thống kê là có, nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm tính toán lại các chỉ số vĩ mô như chênh lệch xuất nhập khẩu, tăng trưởng GDP. Trách nhiệm trực tiếp nhất, dĩ nhiên là Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, chưa bao giờ một lãnh đạo cơ quan này, hay chủ quản của nó - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phải chịu trách nhiệm (kỷ luật) về tính thiếu chính xác của số liệu, và rộng hơn là những yếu kém về nghiệp vụ của ngành thống kê.
Trong một hội thảo góp ý cho việc Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức mới đây, khi bị chất vấn về trách nhiệm giải trình, cũng như việc thanh tra xử lý vi phạm của cơ quan thống kê trung ương, một đại diện của tổ soạn thảo dự luật này giải thích rằng Quốc hội, với tư cách là cơ quan giám sát cao nhất, có trách nhiệm giám sát và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, người trong cuộc ai cũng hiểu rằng, với thiết chế như hiện nay, ngay cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng không đủ năng lực chuyên môn để đánh giá, thẩm định và đưa ra ý kiến chuyên môn cuối cùng về tính xác thực của những con số, để có thể kết luận có hay không có những sai phạm về chuyên môn của cơ quan thống kê trung ương.
Vậy giải pháp nên là gì? Đông đảo các chuyên gia kinh tế và thống kê cùng có chung một nhận định, đó là dự thảo luật mới cần đề xuất thiết lập một hội đồng chuyên môn độc lập, trực thuộc Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nắm vai trò cơ quan có thẩm quyền cao nhất về chuyên môn để giám sát và thẩm định số liệu của cơ quan thống kê trung ương. Hội đồng này sẽ là tập hợp của một nhóm chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thống kê - kinh tế, được Quốc hội bổ nhiệm; hoạt động với ngân sách do Quốc hội cấp và báo cáo trực tiếp cho Quốc hội. Trong mọi trường hợp xảy ra nghi vấn về tính chính xác của số liệu, hội đồng này sẽ là cơ quan tham vấn cho Quốc hội ra quyết định cao nhất và cuối cùng về vấn đề đó. Với thiết chế mới này, cơ quan thống kê trung ương sẽ khó mà “thoát tội” nếu để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Nguyễn Quang Đồng 
 

No comments:

Post a Comment