Nhiều ý kiến cho rằng gia nhập TPP giúp Việt Nam phân định lại cơ cấu thị trường. Nhưng cũng
có nhiều người lo lắng về sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: minh khuê
Với các nhà hoạch định chính sách, họ có lý do biện minh cho tiến trình hội nhập sâu rộng chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Song, ở góc độ của các nhà kinh tế, dù ủng hộ, họ thật sự lo lắng về hiện trạng yếu ớt của doanh nghiệp, của nền kinh tế.
Tôi thực sự lạc quan
“Tôi hoàn toàn lạc quan và tự tin. Không có lợi thì chúng ta đàm phán hội nhập làm gì!”, ông Khánh khẳng định khi bị chất vấn bởi những câu hỏi lo lắng về TPP trong lần trả lời Cổng thông tin điện tử Chính phủ hồi tháng 3 - lần xuất hiện hiếm hoi trên báo chí. Ngay tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân, ông Khánh được mời diễn thuyết tới hai lần trước các đại biểu Quốc hội và giới chuyên gia về TPP.
Không còn nghi ngờ gì nữa, gia nhập TPP giúp Việt Nam phân định lại cơ cấu thị trường, và ở mức rộng lớn hơn, là địa chính trị hiện tại. “Tham gia các FTA (hiệp định thương mại tự do), nhất là TPP, giúp chúng ta có cơ hội cơ cấu lại xuất nhập khẩu lành mạnh hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường”, ông Khánh nói tại buổi đối thoại do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
“Một thị trường”, như ông Khánh nêu một cách dè dặt dưới góc độ của một nhà ngoại giao, chẳng khó xác định là ai. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khẳng định, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trong suốt 14 năm qua với tốc độ ngày càng tăng.
Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam, ông Thiên cho biết, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới gần 29 tỉ đô la Mỹ năm 2014, cao hơn nhiều so với gần 24 tỉ đô la Mỹ năm 2013, hơn 16 tỉ đô la Mỹ năm 2012. Song, những con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Phần còn lại “kinh khủng hơn”, như lời ông cảnh báo.
Trích dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, ông Thiên khẳng định với các đại biểu tại diễn đàn, năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu trị giá tới 63,8 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, cao hơn gần 20 tỉ đô la Mỹ so với con số 43,9 tỉ đô la Mỹ mà Việt Nam công bố nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa nói đến những lĩnh vực khác như hợp đồng EPC trong các dự án hạ tầng quy mô lớn, chỉ riêng trao đổi thương mại cán cân đã lệch hẳn về đối tác Trung Quốc cho thấy rủi ro đến chừng nào.
Không nêu tên đích danh, ông Khánh cho biết, 70% giá trị nhập khẩu của Việt Nam là từ khu vực Đông Á và 50% xuất khẩu vào các thị trường này. “Vì thế, nếu có biến động sẽ tác động lớn đến ta, nên ta cần cân bằng lại thị trường”, ông nói tại Cổng thông tin Chính phủ.
Tinh thần này là nhất quán. Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước diễn đàn công khai, ông Khánh thuyết phục các vị đại biểu: “Có nhiều ý kiến lo lắng khi ta hội nhập sâu mà chưa chuẩn bị. Theo tôi, chúng ta không cần lo lắng quá, vì mọi kiến nghị, mong muốn của chúng ta đều trong TPP...”, ông nói.
Ông Khánh giải thích vắn tắt, tất cả những lo ngại hiện tại của Việt Nam như mua sắm chính phủ, chống tham nhũng, cải cách doanh nghiệp nhà nước,... đều được quy định rất rõ ràng trong TPP. Ngành nông nghiệp, nơi hai phần ba dân số đang sống dựa vào, cũng sẽ hưởng lợi khi thuế xuất khẩu về 0% ngay lập tức. “Tôi tin là đất nước ta có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, chúng ta sẽ không thua về nông nghiệp”.
Trưởng đoàn đàm phán hội nhập tỏ ra tự tin: “Vậy chúng ta có nên lo lắng về sức ép cạnh tranh hay không? Chúng tôi cho đó là lo lắng không hợp lý. Nếu không cạnh tranh nổi thì phải phá sản, đó là bản chất của nền kinh tế, và tôi không lo chuyện đó...”.
Lo sức khỏe quá yếu
Ngay sau phần ông Khánh phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “20 năm tham gia ASEAN, nhưng chúng ta vẫn nằm trong nhóm CVML (Campuchia, Việt Nam, Myanmar, Lào) - các nước phát triển thấp nhất khu vực - vẫn thích xin thêm các ưu đãi, hỗ trợ riêng. Điều đó cực kỳ vô lý với một đất nước có tiềm năng phát triển như Việt Nam. Với các nước ASEAN, chúng ta còn không chơi bình đẳng được thì làm sao trong TPP, FTA với EU, chúng ta có thể sòng phẳng với các nước lớn như Mỹ, EU...”.
Là người gắn bó với doanh nghiệp hơn ai hết, bà hiểu được tình cảnh khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. “Vấn đề đáng lo nhất là làm sao phải vực dậy khu vực doanh nghiệp trong nước, cả tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước cần phải làm cho hiệu quả, thì đến nay vẫn không làm được; doanh nghiệp tư nhân được coi là động lực phát triển, thì vẫn bị phân biệt đối xử”.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp tư nhân có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới gần 98% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm vỏn vẹn một phần tư tổng dư nợ của nền kinh tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân là nhất quán trong nhiều khảo sát khác. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết có tới 95% trong tổng số 2.500 doanh nghiệp khảo sát trên 10 tỉnh, thành năm 2011 là siêu nhỏ. Tỷ lệ này vẫn giữ nguyên năm 2014.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung tỏ ra lo lắng: “Trong khi tình hình doanh nghiệp ảm đạm như thế này thì hội nhập và áp lực cạnh tranh đã ập vào cửa. Liệu những cam kết hội nhập có tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa này không, hay chỉ tạo ra cơ hội cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?”.
Bất chấp những điều này, Thứ trưởng Khánh vẫn duy trì sự lạc quan. Ông cho biết hầu hết các doanh nghiệp ủng hộ ông, bên cạnh Chính phủ. Theo VCCI, có tới 66% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập TPP. Ông nói, ông vẫn hy vọng TPP kết thúc sớm trong năm nay.
Tư Hoàng
No comments:
Post a Comment