Tổng thống Putin. Ảnh: FT
|
CNN cho rằng mỗi quyết sách và động thái của người đứng đầu nước Nga đều khiến thế giới phải chú ý.
Đặt NGO vào tầm ngắm
Hôm 24/5, ông Putin ký thông qua điều luật cho phép chính phủ truy tố các tổ chức phi chính phủ (NGO). Những người làm việc trong các NGO có thể ngồi tù đến 6 năm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc điều luật này là một công cụ để điện Kremlin nhắm vào các đối thủ chính trị.
Ra lệnh tập trận đột xuất
Moscow đã triển khai 12.000 binh sĩ, 250 máy bay chiến đấu và trực thăng, cùng gần 700 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự khác nhau ở tây bắc trong cuộc tập trận quân sự bất ngờ hôm 25/5. Một trong những nội dung diễn tập là các tên lửa hành trình tiêu diệt một kẻ thù giả tưởng.
Đây có thể một cách Nga thị uy sức mạnh để đáp lại cuộc diễn tập của chiến đấu cơ châu Âu do Na Uy dẫn đầu mang tên Thử thách Bắc cực. Cuộc tập trận của Nga có lượng binh sĩ tham gia vượt trội hơn hẳn so với 4.000 binh sĩ của NATO.
Những cuộc tập trận lớn của Nga khiến NATO lo ngại. Liên minh quân sự này cáo buộc những cuộc diễn tập trước đây là nhằm triển khai quân sáp nhập bán đảo Crimea và hỗ trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine, điều Nga luôn bác bỏ.
NATO cũng không hài lòng khi Nga tập trận mà không thông báo trước.
Hôm 27/5, Nhà Trắng chỉ trích ông Putin gay gắt về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết Mỹ đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí và trang thiết bị cho quân đội Ukraine chống lại lực lượng ly khai.Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nước này Martin Dempsey đều bày tỏ ủng hộ đối với việc điều thêm vũ khí đến Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đến nay vẫn lưỡng lự trong việc cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương, do những quan ngại từ các đồng minh châu Âu.
Lên tiếng về vụ bê bối của FIFA
Hôm 27/5, loạt quan chức cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA bị bắt với cáo buộc tham nhũng mà Mỹ là bên dẫn đầu cuộc điều tra. Các công tố viên cho biết một số cá nhân bị nghi ngờ quản lý yếu kém và rửa tiền, liên quan đến việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Tổng thống Putin ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 13/7/2014. Ảnh: Reuters
|
Vụ việc diễn ra chỉ vài ngày trước khi ông Sepp Blatter tái đắc cử chức chủ tịch FIFA.
Ngay lập tức, ông Putin lên tiếng. "Mỹ rõ ràng không liên quan gì đến tổ chức này", tổng thống Nga nói về FIFA. "Đây là một nỗ lực trắng trợn nữa nhằm mở rộng thẩm quyền của họ đến các nước khác".
Việc Nga giành quyền đăng cai World Cup 2018 có thể là một trong những sự kiện nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của ông Putin. World Cup, một trong những giải đấu danh tiếng nhất thế giới, là dịp để Nga nâng cao uy tín, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư khi đang gặp khó khăn về kinh tế.
Có nhiều áp lực ngăn ông Blatter trao quyền đăng cai giải đấu này cho Nga, và ông Putin cho rằng Mỹ là một trong những lý do. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái, phương Tây đã kêu gọi tẩy chay giải đấu hoặc đề nghị FIFA xem xét lại việc lựa chọn Nga là nước đăng cai sự kiện.
Giữ bí mật thương vong của quân đội
Suốt nhiều năm, số lượng binh sĩ Nga thiệt mạng trong chiến tranh là một bí mật quốc gia. Hôm 28/5, ông Putin ký sắc lệnh tuyên bố chính phủ cũng sẽ không tiết lộ số thương vong của quân đội trong thời bình, nhất là trong các hoạt động đặc biệt.
Phát ngôn viên điện Kremlin bác bỏ động thái này liên quan đến tình hình Ukraine và cho biết quyết định chỉ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia nói chung.
Anh Ngọc
No comments:
Post a Comment