TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đã phân tích dưới góc nhìn của mình trước việc NHNN được giao nhiệm vụ nghiên cứu cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước.
PV: - Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Theo ông, đây có phải là một biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề cân đối ngân sách hay không và vì sao? Nếu để ngân sách được vay từ dự trữ ngoại hối của Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp đã than khó tiếp cận ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi nghĩ là biện pháp này vừa có mặt tích cực và cũng có cả tiêu cực.
Về mặt tích cực, dĩ nhiên ngân sách thâm hụt hoặc thiếu tiền thì NHNN có thể ứng trước cho ngân sách nhưng với điều kiện NHNN có lượng ngoại hối dồi dào có thể dùng tiền đó cho ngân sách vay.
Điều này tất cả các quốc gia đều làm khi ngân sách thiếu tiền.Tức là ngoài việc Chính phủ phát hành trái phiếu hay thu thuế là 2 nguồn chính, thì vay của ngân hàng trung ương cũng là một biện pháp.
Còn về mặt tiêu cực thì có thể thấy lượng ngoại hối của ngân hàng trung ương cần phải bảo đảm việc cân đối nhu cầu ngoại tệ.
Hiện tại chúng ta có một lượng ngoại hối đáng kể, có thể bảo đảm được 3 tháng nhập khẩu thế nhưng vẫn còn trong giới hạn rất mỏng manh. Tức là nó đủ nhưng chưa phải là dồi dào.
Nếu cho Chính phủ vay thì dĩ nhiên lượng ngoại hối đó sẽ giảm đi. Khi đó NHNN cần can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc thiếu hụt ngoại tệ do mức nhập khẩu tăng lên cao thì có thể gặp khó khăn.
Thứ hai là ngân sách đã thiếu hụt. Nay thấy cần, lại chạy đến NHNN và cơ quan này sẵn sàng đưa tiền ra cho Chính phủ vay thì vấn đề nợ công sẽ càng ngày càng nặng nề hơn.
Nhưng nếu không có sự bổ sung vốn từ NHNN thì chỉ có cách là Chính phủ chạy ra ngoài phát hành trái phiếu thêm. Nhưng cách này cũng không phải là không có giới hạn và làm cho lãi suất tiếp tục tăng thêm.
Tôi cho rằng những việc như thế này nên thông qua Quốc hội để Ủy ban tài chính ngân sách xem xét kỹ việc vay NHNN có ổn hay không. Nếu thấy rằng đây là biện pháp tốt thì nên xem với lộ trình cho vay và trả nợ như thế nào là hợp lý. Chính phủ cũng phải tuân thủ lộ trình trả nợ đó.
Còn việc ảnh hưởng tới doanh nghiệp thì tôi nghĩ là có. Tức là khả năng đáp ứng yêu cầu ngoại tệ của NHNN liên quan đến điểm này.
Một khi các doanh nghiệp nhập khẩu cần ngoại tệ để thanh toán, nếu nhà nước không có đủ ngoại tệ để cung ứng thì chắc chắn sẽ tạo ra một đợt sóng trên thị trường chợ đen. Khi đó sẽ ảnh hưởng tới chính sách tỉ giá, tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Thêm nữa, khi nợ công tăng lên chắc chắn vấn đề thuế má sẽ trở thành gánh nặng với doanh nghiệp trong khi việc làm ăn rất khó khăn. Những năm tới khi đi vào hội nhập thị trường rất cạnh tranh và có nhiều rủi ro.
Như vậy trăm ngàn mũi nhọn chĩa vào doanh nghiệp nên phải xem xét thật kỹ và Quốc hội thực sự cần cân nhắc điều này.
Nếu cho ngân sách vay ngoại hối khi NHNN cần can thiệp vào thị trường ngoại hối hoặc thiếu hụt ngoại tệ do mức nhập khẩu tăng lên cao thì có thể gặp khó khăn. |
PV: - Nhìn ở khía cạnh khác, lượng dự trữ ngoại hối của quốc gia còn có chức năng đảm bảo giá trị của đồng tiền. Nếu sẽ phải tính toán đến việc cho ngân sách vay dự trữ ngoại hối, vấn đề đảm bảo giá trị đồng tiền sẽ cần được cân nhắc ra sao, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Trong một nền kinh tế tân tiến giá trị của đồng tiền được bảo đảm bởi sức sản xuất của cả nền kinh tế.
Dĩ nhiên lượng ngoại hối càng lớn (dự trữ vàng, ngoại tệ trong đó cả tiền mặt ngoại tệ cũng như trái phiếu của các chính phủ) càng nhiều thì càng bảo đảm cho tính ổn định và giá trị của đồng Việt Nam.
Nếu Chính phủ cần một lượng ngoại tệ để bổ sung ngân sách mà điều đó thực sự quan trọng cho sản xuất kinh doanh, cho nền kinh tế thì việc này có thể bù trừ cho những bất lợi khi mà NHNN dùng ngoại tệ cho Chính phủ mượn.
Tức là nếu số ngoại hối này có thể quay vòng trở về sản xuất thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ vững lên. Khi đó sẽ làm tăng sản xuất, ngân sách sẽ tăng được khoản thu và bù trừ được cho việc hụt đi số ngoại hối của NHNN thì cũng chấp nhận được.
PV: - Có thể thấy, trong các biện pháp bù thu ngân sách mới được đưa ra gần đây: tăng thuế phí, để xuất ngân sách vay dự trữ ngoại hối, doanh nghiệp luôn bị đặt vào tình thế khó khăn hơn. Trong khi đó nếu doanh nghiệp gặp khó thì ngân sách cũng không có nguồn thu. Phải nhìn nhận thế nào cách giải quyết vấn đề nói trên? Nếu cứ tư duy chính sách theo cách như vậy, vòng luẩn quẩn cân đối ngân sách có thể giải quyết được không và vì sao?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Việc ngân sách càng ngày càng thiếu hụt chứng tỏ khả năng thu thuế ngày càng giảm đi. Chính phủ tăng thuế, phí bù cho ngân sách cũng không đủ và nay lại phải nhờ đến NHNN cho vay.
Việc thiếu hụt ngân sách như thế đã khiến phải giải quyết tình thế bằng cách giật gấu vá vai. Muốn giải quyết được việc NHNN có thể cân đối được nhu cầu về ngoại tệ và Chính phủ có thể tự lực cánh sinh được thì chỉ có cách là cơ cấu lại nền kinh tế.
Vấn đề hiện nay dường như việc chi càng ngày càng nhiều, năng lực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu chi của Chính phủ. Chính vì thế khả năng thu thuế của Chính phủ ngày càng tác động ngược.
Có nghĩa là nền kinh tế của mình có tăng trưởng, phát triển nhưng không ở trong một sự ổn định.
Vậy làm sao để đưa nền kinh tế vào sự ổn định là vấn đề cần. Năm nay là năm cuối cùng của Chương trình phát triển kinh tế 5 năm. Thế nhưng 3 lĩnh vực quan trọng là tái cơ cấu ngành ngân hàng, nợ công và DNNN đều chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Thành ra có thể sẽ phải có chương trình 3 hoặc 5 năm tiếp theo để hoạch định lại nền kinh tế vĩ mô, trong đó cơ cấu lại mô hình kinh tế của Việt Nam. Vấn đề sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng cần phải xem xét lại.
Phải tiếp tục cơ cấu ngân hàng, nợ công, và DNNN phải quyết liệt hơn nữa trong 3 đến 5 năm tới.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu |
PV: - Trong trường hợp cách thức duy nhất để cân đối ngân sách là cho vay dự trữ ngoại hối, theo ông, mức cho vay như thế nào là phù hợp? Việc kiểm soát khoản vay cũng như khả năng trả nợ sẽ phải được thực hiện như thế nào? Nếu không minh bạch, rõ ràng, sử dụng tiền vay hiệu quả (nghĩa là tạo ra nguồn thu), hậu quả sẽ là gì, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Vấn đề vay là do bội chi ngân sách và mức vay như thế nào để bù đắp thì phải có lộ trình trong vòng 3-5 năm tới.
Việc bội chi ngân sách đó phải được bù trừ phân bổ bằng nhiều nguồn vốn (thu thuế, phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính thế giới và NHNN).
Như vậy phải có lộ trình và phân bổ việc bổ sung ngân sách giữa các nguồn vốn đó như thế nào nhưng có lẽ việc vay không thể quá 1/4 cho mỗi nguồn vay. Có nghĩa là NHNN chỉ nên cho vay tối đa là 25%.
Một điều nữa nếu chấp nhận cho ngân sách vay NHNN phải luôn luôn bảo đảm được các thanh khoản của mình bằng ngoại tệ cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nếu từ nay đến cuối năm khi tăng trưởng kinh tế tăng dần lên tạo ra một nhu cầu mới về ngoại tệ.
Sở dĩ tôi nói rằng cần phải thông qua Quốc hội vì đây không phải là vấn đề của Chính phủ. Cho đến giờ này Chính phủ cần một định hướng. Vậy định hướng thế nào để nền kinh tế có thể phát triển bền vững, nợ công không tăng quá nhanh, và dùng nguồn lực hiện tại đang có hiệu quả?.
Quốc hội phải nắm bắt vấn đề này. Đây cũng không phải là sự thương lượng giữa Chính phủ và NHNN mà phải dưới sự chỉ đạo của Quốc hội – cơ quan tối cao của dân chúng để giám sát vấn đề tiền nong của Quốc gia.
Phải là một kế hoạch chung. Tức là phải chỉ rõ được sự thiếu hụt hiện nay là bao nhiêu và tiền đi vay sẽ được bù trừ vào những nguồn nào và phân bổ hợp lý chứ không phải cứ khi cần là lại nghĩ ra một sáng kiến vay.
Việc chắp vá như vậy sẽ không đi đến đâu và cuối cùng một ngày không đẹp trời nợ công sẽ là 100% GDP.
Một điểm nữa nếu vay bằng ngoại tệ Chính phủ phải cho biết nguồn thu ngoại tệ nào sẽ được sử dụng để trả lại cho NHNN. Còn nếu vay ngoại tệ mà trả bằng tiền đồng là không được.
NHNN cũng chỉ nên cho vay ngắn hạn, bởi nếu cho vay dài hạn NHNN sẽ mất nguồn ngoại tệ đó để can thiệp vào thị trường ngoại tệ, điều chỉnh tỉ giá. Đặc biệt lộ trình cho vay chỉ nên trong vòng 12 tháng.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi!
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment