Chênh lệch cán cân xuất – nhập
Mỗi năm công bố số liệu xuất nhập khẩu từ Trung Quốc là mỗi lần, cho thấy mức độ nhập siêu của Việt Nam ngày một lớn.
Năm 2014, con số được đưa ra là 28,9 tỷ USD. Năm 2013, con số là 23,7 tỷ USD, năm 2012 là 16,4 tỷ USD, năm 2010 là 12,4 tỷ USD... Tình trạng thậm hụt trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đã kéo dài 14 năm, kể từ năm 2001.
Tuy nhiên, nguồn thông tin từ Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, Việt Nam phải là nhập siêu tới 43,8 tỷ USD vào năm 2014, tăng thêm 20 tỷ USD so với số liệu chính thức của ta.
Đây là con số kỷ lục, bởi nó đã gấp 2,5 lần so với 2 năm trước, thay vì chỉ tăng thêm 77% theo công bố của Tổng Cục Thống kê Việt Nam.
Như vậy, nếu chúng ta đã nhập khẩu tới 63,8 tỷ USD như nước bạn cho biết thì năm qua, hàng hoá Trung Quốc đã chiếm tới 43% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, chứ không phải chỉ là 29% như số liệu chính thức, tăng 11%.
Việt Nam xuất sang Trung Quốc nông sản là chủ yếu
|
Trong khi đó, hiệu chỉnh lại số liệu theo nguồn thông tin nước bạn thì xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tăng thêm 3% so với dữ liệu chính thức.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế cho biết, gần 10 năm nay, số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước luôn luôn vênh như vậy. Con số Việt Nam đưa ra cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều thấp hơn rất nhiều so với thống kê của Trung Quốc. Nhưng chưa năm nào, độ vênh về nhập khẩu lại lớn như năm 2014.
Năm 2010, chúng ta lệch mất 4 tỷ USD, các năm trước nữa, đa phần chỉ lệch 1-2 tỷ USD.
Vậy, con số nào đáng tin hơn? Và 20 tỷ USD chênh lệch nếu có đi đâu?
Chia sẻ với PV Vietnamnet, GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài nói: "Mấy chục tỷ USD đó có thể do sự khác biệt về cách thức thông kê, nhưng chứng tỏ, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều!"
Chật vật cạnh tranh, chống nhập lậu
Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong một báo cáo về vấn đề này cho hay, Trung Quốc cũng chiếm tới 24% tổng thương mại của Hàn Quốc và 40% tổng thương mại của Đài Loan. Nhưng đây là hai nền kinh tế có năng lực cạnh tranh mạnh nên họ không quan ngại về chuyện phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc.
Biểu đồ chênh lệch số liệu thống kê xuất nhập khẩu của hai nước (Nguồn: Viện Kinh tế Việt Nam)
|
Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, nên chắc chắn, mức độ ảnh hưởng từ một thị trường chiếm tới 20% thương mại (theo con số chính thức) sẽ lớn hơn.
Trong, 14 năm qua, việc tìm cách giảm bớt mức độ nhập siêu từ Trung Quốc dường như bất khả thi.
Nhìn từ nội tại cơ cấu kinh tế hiện nay, sẽ thật khó mà cân đối thương mại với Trung Quốc khi chúng ta mang dưa hấu, thanh long, gạo, sắn, cao su để "đấu" với sắt thép, máy móc, công nghệ và nguyên phụ liệu cơ bản. Bao nhiêu năm nay, cơ cấu xuất nhập khẩu này không thay đổi.
Riêng về câu chuyện dôi dư nhập siêu, Trung tâm WTO khẳng định đó là dấu hiệu của tình trạng xuất nhập lậu ngày càng phổ biến, phức tạp.
Việt Nam có 62 cửa khẩu biên giới, trong đó, 29 cửa khẩu với Trung Quốc tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc. Ngoài ra, ta còn có trên 43 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở và 30% là giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc kiểm soát thương mai xuất nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu chính-phụ này là một thách thức lớn cho cơ quan quản lý.
Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế được Trung tâm WTO tham vấn đã thống nhất nhận định rằng, tình trạng buôn lậu như vậy đã công khai kéo dài, tạo điều kiện gia tăng thói quen tham nhũng vặt, trong khi việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam lại quá lỏng lẻo. Ngân sách thất thu thuế, sản xuất trong nước bị đổ vỡ, doanh nghiệp chân chính không thể cạnh tranh nổi.
Đó là lý do mà nhiệm vụ chống nhập lậu được Trung tâm WTO đưa ra như giải pháp cấp bách đầu tiên nhằm chống nhập siêu từ Trung Quốc.
Cùng đó, Trung tâm đề nghị Chính phủ cần xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu tiểu ngạch, tiến tới, xoá bỏ hoàn toàn để chỉ áp dụng cơ chế thông thường. Bởi lẽ, mục tiêu ban đầu là để tạo thuận lợi cho mua bán hàng hoá nhỏ giữa cư dân hai bên biên giới đã không đạt được mà bị biến tướng, lạm dụng thành cơ chế trốn thuế của thương nhân hai nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng phải kiểm soát các hoạt động nhà thầu Trung Quốc, đồng thời, thực hiện hiệu quả hơn hệ thống giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở 3 nhóm ngành đang phụ thuộc nhất là dệt may, nông sản, khoáng sản nguyên liệu thô.
Phạm Huyền
No comments:
Post a Comment