Wednesday, March 25, 2015

World Bank chỉ ra một loạt yếu điểm về môi trường kinh doanh Việt Nam

Báo Bizlive, ngày 23/03/2015,        http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/world-bank-chi-ra-mot-loat-yeu-diem-ve-moi-truong-kinh-doanh-viet-nam-880696.html,      “Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều và rất quyết tâm, nhưng còn tồn tại lớn trong việc tạo dựng 1 sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, dẫn tới khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế rất kém”.

World Bank chỉ ra một loạt yếu điểm về môi trường kinh doanh Việt Nam
Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam đứng thứ 78 về môi trường kinh doanh, giảm 6 bậc so với năm 2014. Việt Nam bị tụt hạng 5/10 tiêu chí gồm Khởi nghiệp, Tiếp cận tín dụng, Bảo vệ nhà đầu tư, Nộp thuế và Thương mại xuyên biên giới.

“Điều này không có nghĩa là Việt Nam thụt lùi nhưng so với các quốc gia khác, mà Việt Nam không tiến nhanh bằng”, bà Victoria Kwawa - Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam - chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2015: Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh chiều 20/3.

Theo bà Victoria, Việt Nam đang tập trung nhiều vào yếu tố năng lực cạnh tranh quốc gia mà không để ý đến một số yếu tố của nền kinh tế cũng như môi trường kinh doanh.

Cầu yếu, cung thiếu đồng bộ

Nếu nhìn vào cung, bà Victoria cho rằng Việt Nam đã có hạ tầng cơ bản nhưng thiếu đồng bộ. Để có thể trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thành công hơn thì Việt Nam cần nâng cao năng lực hạ tầng, dù là giao thông hay viễn thông. Phát triển hạ tầng là yếu tố rất quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh về lâu dài.

Giáo dục Việt Nam đang phát triển nhưng thiếu nghiêm trọng các lao động có tay nghề. Các doanh nghiệp Việt Nam thường than không có đủ lao động có năng lực và kỹ năng cần thiết, dù nhiều lao động đã tốt nghiệp đại học.

Nền kinh tế Việt Nam cũng khá mở đối với đầu tư nước ngoài, thế nhưng cũng có những chính sách cạnh tranh còn yếu. Tôi thấy đây là 1 thách thức cơ bản đối với Việt Nam. Vai trò quản lý và sở hữu của Nhà nước chưa được tách bạch rõ ràng.

Liên quan đến công nhiệp phụ trợ và liên quan, các cụm sản xuất hình thành một cách tự nhiên nhưng tập trung vào một số ngành hẹp với sự hiện diện của doanh nghiệp trong nước còn yếu, đầu tư FDI còn thiếu chiều sâu.

Về điều kiện cầu, nhu cầu của thị trường bị giảm sút trong vài năm gần đây. Người tiêu dùng trong nước mức cầu còn thấp nhưng đang tăng lên.

Thông qua nhiều luật, nhưng chưa biết quá trình triển khai ra sao

Thừa nhận nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn như các nỗ lực trong việc giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính minh bạch và bình đăng hơn với một loạt văn bản quy phạm pháp luật như Nghị quyết 19, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đổi mới Luật Đấu thầu và quyết tâm cổ phần hóa 432 doanh nghiệp Nhà nước..., nhưng bà Victoria nhắc nhở: “Các bạn đã thông qua rất nhiều luật nhưng quan trọng là phải xem quá trình triển khai các luật này ra sao”.

“Chính phủ đã dành nhiều thời gian và công sức, rất quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh và cũng đã có chuyển biến tích cực về thủ tục đóng thuế, bảo hiểm xã hội, thủ tục hải quan, và nói nhiều về ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhưng, vẫn còn tồn tại lớn trong việc tạo dựng một sân chơi bình đẳng cho moi loại hình doanh nghiệp, dẫn tới khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế rất kém. Chúng ta cần phải có sức cạnh tranh cao mới tăng được năng suất và tính hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng những nguồn lực sẵn có”.

Giám đốc quốc gia World Bank đồng thời chia sẻ 5 khuyến nghị để Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó gồm:

1- Thực hiện nghiêm túc các khuôn khổ pháp lý;

2- Theo dõi việc triển khai các văn bản pháp lý nói trên đối với khu vực tư nhân và doanh nghiệp nói chung, xây dựng cơ chế lắng nghe những yêu cầu và ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp;

3- Phân tích hạn chế mà khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đối mặt, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ;

4- Tập trung đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô;

5- Chú ý đến các yếu tố thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia dài hạn gồm Nâng cao kỹ năng; Xây dựng hạ tầng; và Phát triển lĩnh vực tài chính.

“Việt Nam cũng đã triển khai mô hình công ty quản lý tài sản, tuy nhiên còn tồn tại những vấn đề của ngành ngân hàng và tài chính. Vì thế, phát triển khu vực tài chính là một vấn đề còn thách thức để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế” – bà Victoria Kwawa nhận định.

“Nhìn chung, kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng các bạn phải đi nhanh hơn. Tôi nghĩ năm nay là năm chúng ta triển khai rất nỗ lực, chúng ta đã thông qua nhiều luật nhưng phải xem quá trình triển khai các luật này ra sao”.


Số liệu các Bộ nêu lên rất hay, nhưng...

Tại Diễn đàn CEO 2015, Tổng cục Thuế cho rằng đến 1/1/2015, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam đã giảm được 370 giờ, giảm được 8 lần kê khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ kha thuế thu nhập doanh nghiệp. Về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho hay Bộ này đã giảm được 30 thủ tục hành chính đối với địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, giảm 9 thủ tục đối với địa phương chưa thành lập...

Tuy nhiên, trước chất vấn của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc về việc giảm một nửa thời gian làm thủ tục hành chính đất đai trên giấy tờ, thì có đảm bảo việc giảm này thực hiện được ở cấp độ địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết Bộ chưa đảm bảo được dù đã có chế tài.

Trước các con số trên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhận định: “Số liệu các Bộ nêu lên rất hay! Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra các doanh nghiệp và xác nhận thế nào”.

“Tôi đã gặp nhiều doanh nghiệp và các doanh nghiệp cho biết rằng, giữa luật ban hành và luật thực thi có khoảng cách khá xa. Nhiều doanh nghiệp nói rằng Các điều cải thiện ấy chưa thấy tới chúng em”. 
THANH THỦY Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment