Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ với Đất Việt trước vấn đề liên quan đến tốc độ gia tăng người siêu giàu VN nhanh nhất thế giới.
Không minh bạch thì người siêu giàu sẽ tăng nhanh
PV:- Vừa qua, Báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, từ 116 lên 300 người. Ông có bất ngờ trước thông tin này hay không? Theo ông, việc tăng nhanh số người siêu giàu có khiến VN được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục hay không? Vì sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Tôi hoàn toàn không bất ngờ trước con số này. Bởi vì, những quốc gia càng không minh bạch, càng nhiều rủi ro thì tốc độ tăng người siêu giàu cũng nhanh hơn ở một đất nước minh bạch. Càng xáo trộn bao nhiêu sẽ càng dễ làm giàu bấy nhiêu nên các cụ nhà ta mới có câu "đục nước béo cò".
Cũng giống như người Mỹ đi tìm vàng ở Washington, sau đó tràn qua miền biển Tây đi tìm vàng, những người đi tìm vàng là những người có máu giang hồ, có thể chết vì một lý do nào lãng xẹt nào đó.
Khi đất nước chúng ta bắt đầu mở cửa, rất nhiều Việt kiều, người nước ngoài tràn sang làm ăn, vì họ hy vọng rằng khi một đất nước mới mở cửa thì luật chưa hoàn thiện sẽ có nhiều điều không minh bạch, có nhiều điều bất ngờ, thì cơ hội làm giàu sẽ càng lớn.
Chúng ta không minh bạch, có nhiều rủi ro thay đổi, nên tốc độ những người làm giàu tăng lên cũng nhanh chóng. Đi kèm thêm đó là rất nhiều điều kiện, như thiên thời, cơ may, thay đổi luật lệ hay nhờ cậy vào một thế lực nào đó.
Hơn nữa, đối với một đất nước trình độ phát triển còn thấp thì chuyện lượng người siêu giàu tăng tốc gấp đôi, gấp 3 trong vòng bao nhiêu năm là điều dễ hiểu, trong khi người Mỹ có vài trăm nghìn người, thì không thể tăng 100%, còn VN chỉ có vài trăm người thì chuyện tăng 100% là điều dễ hiểu.
Nhưng tốc độ tăng nhanh, chưa hẳn đã làm bạn bè quốc tế nể phục, họ chỉ nể phục khi đất nước toàn dân giàu, xã hội ổn định, phát triển bền vững. Nếu như một số ít người giàu lên nhanh chóng vì nhiều lý do nào đó, có khi là những lý do không chính đáng, không minh bạch thì chưa chắc đã được người ta nể phục.
Đặc biệt, nếu như đất nước tăng số lượng người giàu, nhưng không giải quyết được phần đông người dân còn nghèo đói, công nhân không có nhà ở, phải ở lán trại, những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, làm không đủ ăn, huống gì nuôi con ăn học. Đó là xã hội phân hóa giai cấp nhiều hơn, một tín hiệu xấu cho xã hội nói chung.
Tốc độ tăng người siêu giàu của VN nhanh nhất thế giới
|
Phải làm sao để thu nhập cả đất nước quốc dân tăng, bởi vì, không phải đất nước nào có GDP lớn mà đã tốt, GDP tốt thì phải chia cho cả những người thu nhập thấp và thu nhập cao cùng hưởng, chứ không phải một vài trăm người có hàng trăm triệu USD trong khi hàng triệu người không có 1 USD nào, đó không phải đất nước đáng sống, đất nước hạnh phúc.
PV:- Trong khi đó, cũng theo một báo cáo mới đây, các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng rõ rệt. Nhiều người giàu hơn trong khi chênh lệch giàu nghèo càng tăng lên, điều này thể hiện điều gì, thưa ông? Đây là tín hiệu đáng mừng hay là đáng lo và vì sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Theo tôi điều này thể hiện: Thứ nhất, đó là sự phân hóa giàu nghèo đã ngày càng lớn dần, trung bình thu nhập của người VN hiện nay là 3 -5 triệu đồng/tháng, toàn bộ thu nhập đó chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt không còn tiền cho việc tích lũy, sống ngày nào hay ngày đó, chạy ăn từng bữa
Nhưng lại có một số bộ phận người thu nhập 100-200 triệu đồng/tháng thậm chí lên tới hàng tỷ đồng, chỉ có những người này mới tích lũy được, nhưng đó chỉ là con số ít, như vậy sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ rệt, cuối cùng tạo ra sự bất công.
Đối với đất nước nào cũng vậy, càng bất công nhiều thì đều dễ sinh ra mầm mống nổi loạn, phản kháng.
Nếu xã hội tạo ra những người siêu giàu càng ngày càng giàu, những người nghèo càng ngày càng nghèo, không có đường ra, thì xã hội đó chắc chắn không bền vững, mà mang mầm mống nổi loạn, dễ thay đổi.
Đây là tín hiệu đáng lo, bởi vì chừng nào cả nền kinh tế phát triển trên sự ấm no của toàn dân, sự sung túc của toàn dân mới là điều đáng mừng, còn sự giàu có của một số ít người, vài trăm người, trong khi có hàng chục triệu người khốn khó, thì chỉ mang đến mầm mống nổi loạn.
Lợi dụng chính sách để trục lợi
PV:- Đặc biệt, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã cơ bản khai thác xong tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Vậy thì sự gia tăng số người giàu trong thời điểm này phải được lý giải ra sao? Một số vô cùng ít người giàu lên, trong khi đời sống nói chung không được cải thiện, điều này biểu hiện điều gì?
Ông Nguyễn Văn Đực: -Nói thẳng ra, hiện nay, rất nhiều người lợi dụng chính sách, mua chính sách để trục lợi một cách nhanh chóng, trong khi đại đa số công chúng từ nông dân cho đến công nhân đều gặp quá nhiều khó khăn, do thể chế của chúng ta không nâng đỡ công nhân, nông dân, mà chỉ tạo điều kiện cho người giàu càng ngày càng tích lũy tài sản.
Đó là lỗi của thể chế, không có cách gì cân đối, không có cách hỗ trợ thiệt thòi cho nông dân, công nhân, cho nên sự phân hóa càng rõ rệt, bất công ngày càng lớn.
Thể chế không có cách điều tiết lại tài sản những người quá giàu, siêu giàu, giúp đỡ người nghèo.
Tóm lại như bên bất động sản cũng không có chính sách gì hỗ trợ người công nhân thuê nhà giá rẻ, không có cách gì hỗ trợ người dân mua nhà giá rẻ, cuối cùng người công nhân phải ở trong căn phòng 5-10m2, trong khi nhà giàu thì vẫn đàng hoàng mua nhà giá hời.
PV:- Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, giàu có không minh bạch hợp pháp... là điều đáng ngại. Quan điểm của ông ra sao?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Nếu như chúng ta có 100 người giàu, tôi không mừng, tôi không lo, tôi chỉ lo chục triệu người nghèo không lối thoát, sống ngày nào lo ngày đó, gạo đong từng bữa.
Tôi nói ngay đến chính sách nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chúng ta phát động hàng chục năm nay, điểm lại đã có gì thành công hay không?
Có nhà nào cho người nghèo thuê không, hay toàn phải đi thuê tư nhân với giá cao, tiền lương không đủ tiền thuê nhà.
PV:- Có ý kiến cho rằng, sự giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch sẽ tạo ra tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Xã hội Việt Nam đã gánh chịu những hậu quả của tâm lý này chưa, xin ông/bà phân tích cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Đực: - Đúng là chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá, kể cả làm hàng gian dối, mua chính sách để trục lợi, như BĐS người giàu luôn tìm mọi cách để đầu tư mua khu đất vàng, mua khu cảng, hết cảng biển đến cảng sông, lợi dụng khai thác hầm mỏ, tìm kiếm lợi nhuận.
Có thể thấy, chúng ta đã ngấm đòn từ lâu, nhà nhà đua nhau làm giàu, người người đua nhau làm quan, doanh nghiệp cũng làm giàu, không ai thực sự lo cho người lao động, người nghèo.
Từ đó cái nghèo đói, sinh ra bất ổn trong XH chém giết, cướp giật; sẵn sàng lợi dụng đốm lửa nào đó, thêm thùng xăng dự trữ đầy, dễ xảy ra đám cháy lớn, nguy hiểm cho an ninh, an sinh xã hội.
Mặt khác, hàm lượng chất xám trong sản phẩm của chúng ta hiện nay không cao mà hàm lượng thế lực, hàm lượng tài chính, mối quan hệ luôn luôn lớn hơn. Như trong ngành BĐS có nhiều siêu đại gia nhưng chất lượng công trình chưa phải là cao, cuộc sống chưa phải tốt nhất, nhưng chẳng qua thủ đắc vị trí tốt nhất.
Đáng lo ngại, là khi một đất nước không phát triển bằng hàm lượng chất xám nhiều thì làm sao phát triển lâu dài được.
Cứ cho là có đồng vốn cao lấn át người khác, nhưng chất xám trong sản phẩm không nhiều, bài toán phân biệt giàu nghèo ngày càng hiện rõ, không cần yếu tố con người mà cần yếu tố thế lực, tài chính, thì chắc chắn không được bền lâu.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!
- Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment