Trong phần lớn thời gian cầm quyền, Tổng thống Putin đã đem đến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự ổn định cho đất nước. Từ năm 1999, tỷ lệ nghèo ở Nga đã giảm từ mức hơn 25% dân số xuống còn khoảng 11%, trong khi GDP bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi.
So sánh thành tựu này với những năm tháng bất ổn kinh tế và chính trị ở Nga vào thập niên 1990, sẽ không thấy khó hiểu vì sao Putin vẫn giành được tỷ lệ ủng hộ lớn của người dân Nga.
VnEconomy dẫn bình luận của hãng tin tài chính Bloomberg cho rằng, có vẻ như Putin đang cược rằng, 15 năm thịnh vượng của nước Nga đã đem tới cho ông đủ sự tín nhiệm mà theo đó, người dân sẽ tiếp tục ủng hộ ông.
Dù vậy, những đòn trừng phạt mạnh nhất của Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga dồn dập suốt 6 tháng qua đã và đang chứng tỏ sức công phá cực mạnh của nó khi có sự cộng hưởng của đà lao dốc chóng mặt của giá dầu.
Ông Putin vẫn đang được người dân Nga yêu quý bất chấp kinh tế đất nước đang suy thoái |
Giá dầu đạt đỉnh chỉ chưa đầy một tháng trước khi đòn trừng phạt mạnh nhất được phương Tây công bố. Đến tháng 11, dầu thô mất giá mạnh và lệnh trừng phạt siết chặt đã khiến Nga “chảy máu” nhiều tỷ USD thu ngân sách, và gần như bị loại khỏi các thị trường vốn quy mô lớn của thế giới. Tháng 12, hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga phải xin một khoản vay do Ngân hàng Trung ương Nga hậu thuẫn để cầm cự.
Nền kinh tế Nga lún dần vào suy thoái khi dầu mất giá, còn đồng Rúp cũng mất giá tới 40% so với đồng đô la Mỹ.
Bộ Phát triển kinh tế Nga dự báo tỷ lệ lạm phát của Nga vào cuối năm 2015 là ít nhất 12%.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng 2/2015 bi quan hơn khi cho rằng, tỷ lệ lạm phát có thể vượt quá 15% trong quý II/2015, trước khi giảm xuống vào cuối năm.
Vào thời điểm này, Nga vẫn giữ quan điểm cứng rắn bất chấp những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nêu rõ mọi cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin hòng làm ông thay đổi lập trường đều hoàn toàn vô ích.
Trả lời cho câu hỏi liệu Nga có thay đổi lập trường của mình vì những biện pháp trừng phạt của phương Tây hay không, ông Peskov nhấn mạnh: "Ở những cấp độ khác nhau và không chỉ một lần, chúng tôi đã chỉ ra rằng mọi toan tính hòng gây áp lực lên ông Putin hoặc làm thay đổi lập trường dưới sức ép đều hoàn toàn vô vọng".
Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov cũng khẳng định rằng sức ép từ bên ngoài sẽ không thể buộc Moscow xem xét lại chính sách đối ngoại của mình. Dù vậy, ông Lavrov thừa nhận nước này hiện nay đã cảm nhận đầy đủ những hậu quả từ chính sách đơn phương của Mỹ và phương Tây.
Theo cuộc thăm dò mới nhất do Levada Center thực hiện trong tháng 2/2015, tỷ lệ người dân Nga ủng hộ các quyết định của Tổng thống Vladimir Putin đã tăng lên 86%. So với tháng 1/2015, tỷ lệ ủng hộ ông Putin tăng hơn 1%.
Tuy nhiên, rõ ràng sức ép lên Tổng thống Putin ngày càng nặng nề và khó có thể nói trước điều gì. “Bài kiểm tra” thực sự đối với quyền lực của Putin sẽ đến khi mỗi ngày, người dân Nga buộc phải dần từ bỏ cuộc sống mà họ đã quen suốt 15 năm qua. Sự kiên nhẫn của người dân Nga sẽ bị thử thách khi họ chứng kiến tiền lương giảm và tài sản bốc hơi trong bối cảnh lạm phát hai con số.
- An Nhiên (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment