Nói lời chia tay với Hy Lạp
Bài báo của tờ tuần báo Đức Der Spiegel được đưa ra trong thời điểm chỉ còn 3 tuần nữa người dân Hy Lạp sẽ bỏ phiếu để chọn ra người lãnh đạo nước này.
Der Spiegel dẫn nguồn tin thân cận từ chính phủ Đức cho biết bà Merkel và bộ trưởng tài chính Wolfgang Schaeuble đang chuẩn bị cho việc Hy Lạp sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
“Chính phủ Đức đang cho rằng việc (Hy Lạp) rời khỏi eurozone là không thể tránh khỏi nếu lãnh đạo Alexis Tsipras (đảng khuynh tả Syriza) đứng đầu chính phủ sau kỳ bầu cử và hủy bỏ các quy định về ngân sách đồng thời không trả khối nợ của đất nước”, tờ Der Spiegel cho biết.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẽ loại bỏ Hy Lạp khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu nếu ông Alexis Tsipras (đảng khuynh tả Syriza) đắc cử |
Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy là đảng Syriza, chủ trương chống chính sách khắc khổ của Liên minh châu Âu (EU), chiếm ưu thế so với đảng Dân chủ mới của đương kim Thủ tướng Antonis Samaras.
Cuối tháng 12/2014, Quốc hội Hy Lạp đã phải giải tán sau khi bác bỏ sự lựa chọn của Thủ tướng Antonis Samaras cho một vị tổng thống mới. Cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 25/1.
Một Eurozone yết ớt
Việc EU không thể tiếp tục cưu mang Hy Lạp nếu họ không biết "thắt lưng buộc bụng" đã cho thấy liên minh châu Âu không còn phóng khoáng và lãng mạn như trước. Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, lãi suất trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian dài.
Trong phiên giao dịch sáng 2/1, tỷ giá hối đoái của đồng euro so với đồng USD tiếp tục giảm mạnh, mất giá tới 0,6% và đứng ở mức 1,2033 USD/euro, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010.
Nguyên nhân đồng euro mất giá so với đồng USD là do chính sách lãi suất của châu Âu và Mỹ. Chính sách này của ECB và Fed cũng như những bất ổn trên thế giới khiến các nhà đầu tư tìm đến đến với đồng USD.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế |
Theo các chuyên gia phân tích, trong năm 2015, đồng euro sẽ còn tiếp tục xuống giá hơn nữa so với đồng USD. Các ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley thậm chí dự đoán trong năm 2015, tỷ giá trao đổi giữa đồng euro và USD xuống tới 1,15 USD/euro.
Cùng ngày, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Handelsblatt, Chủ tịch ECB M.Draghi đã cảnh báo về những nguy cơ liên quan tới sự ổn định giá cả trong khu vực Eurozone, đồng thời hối thúc các nước thành viên đẩy mạnh cải cách.
Lạm phát trong khu vực Eurozone gồm 19 nước thành viên giảm xuống 0,3% trong tháng 11/2014, mức thấp báo động so với mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát khoảng 2% của ECB.
Người đứng đầu ECB cũng cho biết ngân hàng này chuẩn bị các yếu tố kỹ thuật để điều chỉnh quy mô, tốc độ và thành phần trong các biện pháp của mình vào đầu năm 2015 để chống lại giai đoạn lạm phát thấp kéo dài.
Đối thủ của EU thêm mạnh
Dù EU còn nhiều khó khăn, tuy nhiên những quốc gia ở châu Âu nếu muốn mở rộng liên kết thì buộc phải lựa chọn hai khu vực: hoặc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), hoặc gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU - do Nga dẫn đầu).
Đây là câu chuyện của những nước Đông Âu hiện tại. Armenia đã chính thức gia nhập vào EEU ngày 2/1/2014 vừa qua, chỉ sau một ngày khi người láng giềng Lithuania từ bỏ đồng Lita để làm thành viên thứ 19 của eurozone.
EEU là tổ chức có 3 thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan. Theo dự kiến, Kyrgyzstan cũng sẽ gia nhập EEU trong tháng 1 này.
Tổng thống Nga Putin (phải) sẽ dùng EEU đấu với EU? |
Bản thân tờ báo Nga The Moscow Times cũng thừa nhận EEU do Nga dẫn đầu đặt mục tiêu làm đối trọng với EU. Và như vậy, cách Lithuania “đánh nước cờ cuối” gia nhập liên minh châu Âu (EU) cũng cho thấy Nga thực sự mất mát.
The New York Times của Mỹ hôm 30/12/2014 cho rằng để chuyển đổi sang đồng euro, Lithuania sẽ tốn khoảng 600 triệu euro.
Số tiền này là khoản đóng góp cho ngân sách EU đến năm 2020 – một gánh nặng. Nhưng như đã nói, Lithuania cho rằng việc “thoát khỏi” Nga mới là ưu tiên về mặt an toàn chính trị.
The Moscow Times ngày 29/3/2014 có bài viết khẳng định rằng, trong mắt Nga, EEU là “chính trị” chứ không hẳn là “kinh tế” đơn thuần.
Điều này phù hợp với việc Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt của EU sau vụ sáp nhập Crimea, bị cáo buộc gây bất ổn tại Ukraine. The Moscow Times cũng nói rằng trong lúc Ukraine đang “chạy về phía Tây”, Nga làm mọi cách để bứt khỏi ảnh hưởng của EU bằng việc hướng về phía đông.
Trong cuộc chơi EEU – EU, Nga đã thành công khi kết nạp được Armenia và sau đó sẽ là Kyrgyzstan. Từng có cơ hội vào EU, nhưng Armenia quay lưng sau khi Nga đề nghị gói cung cấp chỉ từ 170 đến 180 USD cho mỗi 1.000 mét khối nhập khẩu khí đốt tự nhiên, vốn hết sức quan trọng với Armenia.
Hai sự kiện trong khu vực châu Âu vào đầu năm đã vẽ ra một khung cảnh mới cho năm 2015 hứa hẹn nhiều biến động.
Việt Dũng
No comments:
Post a Comment