Tuesday, January 13, 2015

Quản lý tốt hoạt động đầu tư công, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ ngân sách

Báo Công An Nhân Dân, ngày 14/01/2015,       http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Quan-ly-tot-hoat-dong-dau-tu-cong-bao-dam-tiet-kiem-hieu-qua-nguon-luc-tu-ngan-sach-338120/,         Chia sẻ với báo chí về những thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp trong năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nền kinh tế vừa đi qua năm 2014 với nhiều thách thức, khó khăn nhưng cũng thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Bước vào năm 2015, dự báo nhiều khó khăn vẫn hiện diện trước các doanh nghịêp (DN) và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ mỗi đơn vị; với sự hỗ trợ, chủ động từ cơ quan chức năng. Phóng viên Báo Công an nhân dân đã phỏng vấn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh xung quanh vấn đề này…
PV: Năm 2015 được nhận định vẫn sẽ là một năm bận rộn, vất vả đối với với nền kinh tế, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về về nhận định này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2015, Bộ Kế hoạch& Đầu tư (Bộ KH&ĐT) sẽ cùng các cơ quan, ngành hữu quan và các địa phương là tốt công tác kế hoạch, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH. Tôi nhấn mạnh là phải quản lý tốt hoạt động đầu tư công, đúng dự án và dứt điểm; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ ngân sách. Thống nhất quan điểm đầu tư theo tầm nhìn trung hạn thay vì ngắn hạn. Ngoài ra, thực hiện tốt đầu tư công cũng là góp phần phòng, chống tham nhũng, tạo sự công bằng xã hội, gia tăng niềm tin đối với DN. Chúng tôi cũng sẽ tham gia và tập trung nghiên cứu nội dung Luật Quy hoạch, Luật Đặc khu kinh tế hoặc luật riêng về DN nhỏ và vừa…
Đối với cộng đồng DN, theo tôi năm 2015 vẫn sẽ phải đối diện nhiều thử thách, trong đó có áp lực từ việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và sẽ đẩy mức cạnh tranh lên mức cao hơn, bên cạnh việc Việt Nam cũng phải thực hiện nhữung cam kết hội nhập quốc tế khác. Tôi cũng thấy lo ngại về “sức khỏe” của DN vì nhiều đơn vị chưa hết khó khăn, nội lực hạn chế. Nhưng đây là vấn đề cần xác định phải vượt qua.
Về phía mình, Bộ sẽ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ DN, kết hợp với cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ DN xây dựng và quảng bá thương hiệu, trong đó đặc biệt quan tâm đến DN tư nhân. Năm 2015 phải xác định rõ, có dấu ấn trong việc tăng cường hỗ trợ DN một cách thiết thực. Mặt khác, DN nội cũng cần chủ động gắn kết, phát triển công nghiệp phụ trợ và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ DN nước ngoài. Tất cả nhằm hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả, là động lực phát triển kinh tế. Dự báo, số lượng DN phải ngừng hoạt động, phá sản sẽ thấp hơn năm 2014.
PV: Vậy, Bộ trưởng có lo ngại gì tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước vì gánh nặng sẽ dồn vào năm 2015?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo tôi, không nên đặt nặng vấn đề số lượng các DN đã cổ phần hoá (CPH) xong, mà là cần quan tâm thỏa đáng đến chất lượng của công tác này. Nếu sau khi CPH mà phần vốn của Nhà nước vẫn còn lớn thì không có nhiều ý nghĩa thiết thực và tác động đối với chính DN đó; nhất là nếu xét về khả năng cạnh tranh, sự tham gia của của cổ đông ngoài nhà nước, cơ hội được tham gia quản trị DN và sự thay đổi về sở hữu tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu thực tế là cần nhìn vào cốt lõi của vấn đề. Tất nhiên, năm nay, công tác này tiếp tục được quan tâm, Chính phủ cũng quyết tâm vào cuộc, đôn đốc các cơ sở, giao ban định kỳ, phát hiện và xử lý tồn tại và sẽ có nhiều biện pháp đồng bộ để thúc đẩy tốc độ CPH…
Đầu tư công năm 2015 sẽ được siết chặt quản lý.
PV: Thưa ông, tại sao vẫn chưa thấy sự ra đời của một nghị định về PPP như đã đề cập nhiều lần trong năm 2014 vừa qua?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phải nói đây là nỗi trăn trở của tôi và Bộ KH&ĐT. Vì nhiều lý do thôi chứ đáng lẽ nghị định này đã được ban hành rồi. Tất nhiên, nó sẽ sớm được ban hành để trợ giúp giới DN, tạo điều kiện thuận lợi và đầy đủ để họ tham gia đầu tư vào việc phát triển hệ thống kế cấu hạ tầng xã hội, phục vụ phát triển kinh tế. Rồi đây, khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào quá trình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu chung cũng như chia sẻ gánh nặng cho ngân sách vốn còn hạn chế của Việt Nam. Đây cũng là vấn đề kiến tạo sự bình đẳng về cơ hội đối với tất cả các thành phần kinh tế. Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan và hoàn thiện danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thông qua hình thức PPP để công bố công khai, đến từng DN và sẵn sàng tiếp nhận khi họ muốn tham gia. Đương nhiên, có rất nhiều lĩnh vực, mảng việc mà tư nhân có thể tham gia trên cơ sở công bằng, có lợi cho đất nước và bản thân chủ DN…
PV: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa ra đời trong năm 2014, nhận được nhiều sự đồng tình của cộng đồng DN. Xin Bộ trưởng cho biết tầm quan trọng của 2 luật này đối với nền kinh tế và cộng đồng DN?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Như đã biết, Luật Đầu tư và Doanh nghiệp năm 2005 là một bước thay đổi quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thành lập, phát triển kinh tế. Đã có hàng trăm ngàn DN ra đời dưới tác động tích cực của 2 luật này. Tuy nhiên, trước nhưng thay đổi nhanh chóng, nhất là đòi hỏi trong thời kỳ tăng tốc hội nhập kinh tế quốc tế thì cần có sự thay đổi mang tính đột phá, thật sự thông thoáng để đáp ứng yêu cầu tham gia kinh doanh của người dân. Bộ KH&ĐT đã soạn thảo, trình Chính phủ và được Quốc hội thông qua Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi, với tinh thần bảo đảm nguyên tắc tự do kinh doanh, mọi công dân đều được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Đây là nội dung quan trọng nhất, có tính chất đột phá để thúc đẩy, thu hút nguồn vốn trong xã hội. Cùng với những điều kiện khác, các cá nhân có thể thực hiện việc kinh doanh với chi phí rẻ nhất, thủ tục đơn giản nhất trên tinh thần bảo đảm sự minh bạch, công bằng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tôi cho rằng, thời gian tới, số DN ủng hộ và tham gia vào thị trường sẽ tăng hơn nhờ sự thuận lợi khi triển khai 2 luật nói trên.
PV: Bộ trưởng có thể cho biết về vấn đề đổi mới thể chế và kết quả của công tác này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc đổi mới thể chế kinh tế là yêu cầu liên tục, vì vậy không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta cũng cần nhận thức là Việt Nam đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các khung khổ pháp lý, trong đó tập trung vào nghiên cứu, ban hành các luật để bắt kịp xu hướng thời đại, phù hợp tập quán quốc tế; nhất là tạo điều kiện để DN hoạt động ổn định. Đổi mới thể chế bao giờ cũng vất vả nhưng có thể mang lại những kết quả to lớn. Đơn cử, nhờ thể chế mới, thay đổi cách quản lý mà Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thay vì thiếu lương thực trong nhiều năm trước. Việt Nam đang từng bước đổi mới thể chế, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và đương nhiên còn rất nhiều việc phải làm. Chúng ta đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang đứng trước bài toán khó là làm sao tránh được bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tìm được hướng đi mới sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn, thậm chí mất thời gian mà vẫn không thể bứt phá, tăng trưởng để trở thành nước phát triển.
Theo tôi, những năm qua, tuy nền kinh tế tăng trưởng khá nhanh, đạt nhiều thành tựu tích cực nhưng chủ yếu theo mô hình chiều rộng, tức là chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công rẻ và vốn đầu tư thuần túy. Từ nay cần tập trung mọi biện pháp, nguồn lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo mô hình mới, có chiều sâu và dựa trên nền tảng là sáng tạo, ứng dụng khoa học-kỹ thuật và năng suất lao động. Tất cả nhằm sản xuất ra những sản phẩm có giá trị cao nhưng chỉ sử dụng ít nguyên liệu đầu vào. Đây là sự lựa chọn hợp lý, tỉnh táo bởi đến nay nhiều điều kiện, nguồn lực đã được khai thác quá nhiều, đã tới hạn và không còn là điều kiện tốt, càng không là lợi thế trong phát triển kinh tế thời hội nhập. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có cơ chế, quy định khuyến khích hoạt động sáng tạo của toàn xã hội, tăng chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nghề và nghiên cứu khoa học để tôn vinh những loại hình lao động hiệu quả cao.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Lưu Hiệp (thực hiện

No comments:

Post a Comment