Sunday, January 25, 2015

Lầm lẫn tai hại về chạy chức

Báo Vietnamnet, ngày 26/01/2015,       http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/218521/lam-lan-tai-hai-ve-chay-chuc.html,         Anh có nhiều tiền thì mua được nhà đẹp, nhiều người cùng muốn mua một cái nhà đẹp thì cơ bản ai trả giá cao sẽ mua được. Nhưng nếu chức vụ mà đem đấu thầu công khai thì hệ thống hành chính chắc phải đổi là hệ thống hành chính tiền tệ.

Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường. Quá trình này đã buộc phải thay đổi nhiều trong tư duy. Nhà lãnh đạo chính trị cao cấp thể hiện sự thay đổi bằng các chủ trương, chính sách kinh tế theo cơ chế thị trường, người nông dân thay đổi bằng trồng cây gì, nuôi con gì cho lãi nhất.

chạy chức, tham nhũng
Minh họa: Vũ Toản / Dân Trí
Cho dù đất nước đang vận động như vậy, nhưng những gì chúng ta hiểu và trải nghiệm về cơ chế thị trường vẫn là quá ít. Điều may mắn là có cái của người đi trước mà nghiên cứu, thấy hay, phù hợp thì vận dụng, thấy những điểm dở thì cố mà tránh đi, cố tránh cho được những lầm lẫn tai hại trong nhận thức về cơ chế thị trường khi áp vào hành chính.
Một trong những lầm lẫn đó là về biện pháp chống chạy chức. Trả lời báo Đất Việt mới đây, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính quốc gia đề xuất "cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền", với lập luận "chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, Nhà nước quản lý được" và sẽ không có khoản ngầm chạy vào túi ai hết!
Phải thừa nhận một thực tế ở nước ta, đó là có chuyện chạy chức. Các vị đại biểu Quốc hội không ít lần chất vấn các đời Bộ trưởng Nội vụ về câu chuyện này. Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào chống lại được món này. Nếu có, chắc phải được thưởng cực lớn. Đùng một cái có ý kiến đề xuất trên đây.
Trước hết phải thừa nhận đây là một ý tưởng hoàn toàn mới và độc đáo. Mới và độc đáo vì chưa có ai ở Việt Nam nghĩ ra, các nước trên thế giới cũng vậy. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ thì thấy không ổn.
Trong hành chính công, đã có nhiều ví dụ về áp dụng các kết quả tốt, các giá trị của quản trị khu vực tư vào khu vực công như coi người dân là khách hàng của hành chính.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là mọi thứ của cơ chế thị trường đều có thể áp dụng vào hành chính công.
Ngoài thị trường, anh có nhiều tiền thì mua được nhà đẹp, nhiều người cùng muốn mua một cái nhà đẹp thì cơ bản là ai trả giá cao sẽ mua được. Nhưng trong hành chính, nếu chức vụ mà đem đấu thầu công khai, ai trả giá cao nhất rồi nhà nước chấp nhận thì sẽ mang đến bao nhiêu thứ tai hại ngang hoặc hơn cái tai hại do chạy chức kiểu như hiện nay kéo theo.
Mọi giá trị bị đảo lộn, đồng tiền là quyết định. Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, từ các bộ toàn những người tiền trên thiên hạ mới đấu thầu trúng được và rồi chủ tịch các tỉnh, huyện… Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.
Trong khi chưa có biện pháp nào chống chạy chức hay hơn được nghĩ ra thì có lẽ thi cạnh tranh giống như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bộ Giao thông - Vận tải …đã thí điểm là cái tốt nhất. Tất nhiên, để làm được cần phải có cơ sở pháp lý và rút kinh nghiệm của các nơi đã làm.
Lầm lẫn về dịch vụ công
Thời kinh tế bao cấp, chúng ta không biết đến khái niệm dịch vụ công. Bệnh viện, trường học, đương nhiên là bệnh viện, trường học nhà nước khám, chữa bệnh cho nhân dân, dạy dỗ con em chúng ta. Giờ sang kinh tế thị trường, cái mà bệnh viện, trường học này làm được gọi là dịch vụ công. Giấy khai sinh, sổ đỏ, giấy phép xây dựng nhà… cũng là dịch vụ công. Có không ít người quan niệm dịch vụ khám, chữa bệnh của các đơn vị y tế tư nhân, dịch vụ dạy học của các đơn vị giáo dục tư nhân cũng là dịch vụ công. Quan niệm sai lầm này có thể dẫn đến sai lầm về chính sách mà cuối cùng người dân vốn là người thụ hưởng dịch vụ công sẽ gánh chịu hậu quả.
Cần hiểu hai đặc trưng cơ bản của dịch vụ công, đó là nó là cam kết, trách nhiệm của nhà nước thực hiện, cung cấp cho xã hội và Nhà nước cung cấp dịch vụ công từ ngân sách nhà nước, không đặt vấn đề kiếm lời, thu lợi nhuận.
Chính vì ngộ nhận dịch vụ công giống dịch vụ tư, có thể áp dụng cơ chế thị trường vào cung cung cấp dịch vụ công mà Hà Nội vào các năm 2001, 2002 đã thí điểm Trung tâm hành chính công tại quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm bên cạnh bộ phận một cửa đã có sẵn tại hai đơn vị hành chính này. Cùng làm sổ đỏ, ai ít tiền thì vào một cửa, ai nhiều tiền, chịu được giá cao thì xin mời vào Trung tâm hành chính. Làm như vậy là quên mất cấp sổ đỏ là nghĩa vụ của cơ quan hành chính, cơ quan hành chính chỉ được phép thu phí theo quy định của pháp luật.
Nếu hành chính còn có tiêu cực trong cấp sổ đỏ như công chức nhũng nhiễu, đòi thêm tiền ngoài quy định thì phải tìm cách phòng chống, chứ không phải theo kiểu mở Trung tâm này là khắc phục tiêu cực dân dấm dúi đưa tiền dưới gầm bàn bằng cách đưa công khai trên bàn tại Trung tâm.

No comments:

Post a Comment