Friday, January 30, 2015

Khu vực đồng euro sau sự kiện Hy Lạp: Khó có Grexit

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 30/01/2015,        http://www.thesaigontimes.vn/125992/Khu-vuc-dong-euro-sau-su-kien-Hy-Lap-Kho-co-Grexit.html,         Ngay sau chiến thắng của đảng Syriza trong cuộc bầu cử lập pháp tại Hy Lạp, đồng euro đã tụt xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ 12 năm qua, ở mức 1 euro đổi được 1,1098 đô la Mỹ. So với đồng yen Nhật (JPY), giá trị của euro cũng sụt giảm xuống mức 1 euro đổi được 130,14 yen, thấp nhất từ tháng 9-2013, một dấu hiệu cho thấy khu vực đồng euro có thể sẽ rơi vào một vùng xoáy khủng hoảng mới trầm trọng hơn.

Alexis Tsipras, 40 tuổi, nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau thắng lợi của đảng cánh hữu Syriza. Ảnh Internet

Nhưng, chiến thắng của Syriza là điều đã được dự đoán trước. Các kịch bản hậu bầu cử, vì thế, cũng đã được lên khung. Trong đó, một kịch bản Grexit (Hy Lạp rút khỏi khu vực đồng euro) khó có khả năng diễn ra.
Ba cuộc chiến
Câu hỏi lớn nhất đặt ra ngay sau chiến thắng của Syriza là liệu đảng này có quyết tâm thực thi những gì họ đã tuyên bố khi tranh cử hay không? Có ba điểm chính mà Syriza muốn thay đổi ngay lập tức: nâng lương tối thiểu thêm 10%, giảm tuổi nghỉ hưu từ 67 xuống 62 tuổi và quan trọng nhất, tái cơ cấu nợ công, hay nói cách khác là đàm phán lại với nhóm Troika (bộ ba gồm Liên hiệp châu Âu - EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF) về các điều kiện cho vay nợ.
Cho đến lúc này, EU, IMF và ECB chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào sẽ nhượng bộ Athens. Tất cả đều khẳng định Hy Lạp phải có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện những cải cách đã cam kết trước đó, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Trước sự cứng rắn đó, Syriza nhiều khả năng phải lùi bước trước hai vấn đề cải cách liên quan đến lương tối thiểu và tuổi nghỉ hưu. Nhưng tái cơ cấu nợ sẽ là cuộc chiến mà đảng này quyết không bỏ cuộc.
“Điều này là khó tránh bởi hiện nợ công Hy Lạp đã vượt mức 175% GDP và nhóm Troika thừa hiểu Hy Lạp sẽ không thể nào tăng trưởng nếu khoản nợ này không được giảm nhẹ, bằng cách này hay cách khác” - Jesus Castillo, chuyên gia của Natixis, nhận định.
Vấn đề là bằng cách nào? Trong 321,7 tỉ euro nợ công của Hy Lạp, khoảng 70,5% là nợ các nhà tài trợ quốc tế (IMF 32 tỉ, các nước châu Âu 53 tỉ, Quỹ bình ổn tài chính châu Âu 141,8 tỉ) vì thế trên lý thuyết, có hai kịch bản để nới lỏng các khoản nợ cho Hy Lạp. Kịch bản thứ nhất là giãn nợ và giảm lãi suất cho vay (hiện ở mức gần 9%), giúp Hy Lạp đỡ gánh nặng trả nợ hàng năm, dù nhiều khả năng biện pháp này chưa đủ mạnh. Kịch bản thứ hai là xóa nợ từng phần. Đây là một kịch bản rủi ro về chính trị bởi nếu Hy Lạp được xóa nợ, các nước như Bồ Đào Nha hay Ireland, nơi nợ công cũng đã vượt mức 120% GDP, sẽ có quyền đòi hỏi một ưu đãi tương tự. Khi đó, đáp ứng là việc bất khả thi.
Trong trường hợp tệ nhất, khi các kịch bản trên đều thất bại, liệu Grexit có thể trở thành hiện thực?
Châu Âu không ngại Syriza
Với cả Hy Lạp lẫn châu Âu, đây là điều khó xảy ra, chính xác hơn là khó được phép xảy ra. Nếu từ bỏ đồng euro, Hy Lạp sẽ trở về với một đồng nội tệ yếu hơn và có thể lấy lại chút ít tính cạnh tranh. Nhưng cũng ngay lập tức, đất nước này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn tài chính. Các khoản nợ của Hy Lạp đều tính bằng euro nên nếu quay lại với đồng nội tệ, nợ công sẽ vượt lên trên 200% GDP, theo tính toán của Oxford Economics.
Khi đó, vỡ nợ là điều không thể tránh. Vì thế, bất chấp những tuyên bố của Syriza, các đảng phái khác và người dân Hy Lạp vẫn ý thức được nguy cơ của Grexit. Một cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 73% người dân Hy Lạp tuyên bố vẫn muốn nước này ở lại trong khu vực đồng euro.
Với châu Âu, nỗi lo về việc Hy Lạp rời khu vực đồng euro cũng không lớn như đang bị thổi phồng. Tạp chí Spiegel của Đức hồi đầu tháng tiết lộ Chính phủ Đức đã lên một kịch bản “Grexit”, trong đó nữ Thủ tướng Angela Merkel nhận định việc Hy Lạp rời bỏ khu vực đồng euro, nếu xảy ra, cũng sẽ không tác động quá lớn đến cả khối. Sự tự tin này không chỉ xuất hiện ở Berlin mà còn ở Brussels, nơi các quan chức châu Âu tin rằng khối này hiện đã được trang bị những “vũ khí” hữu hiệu hơn nhiều so với giai đoạn đầu khủng hoảng.
Cơ chế bình ổn châu Âu (EMS) đã hoạt động như một IMF của khu vực trong khi Liên minh Ngân hàng cũng đã gần như hoàn tất. Grexit, nếu có xảy ra, cũng sẽ khó lây nhiễm sang các nước thành viên đang khủng hoảng khác, như Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Quyết định mới đây của ECB về việc chi hơn 1.000 tỉ euro mua lại nợ xấu của các nước thành viên cũng giảm thiểu nguy cơ lây lan này.
Tất nhiên, không thể loại trừ 100% rằng Grexit sẽ không diễn ra. Ben May, chuyên gia của Oxford Economics, tính toán khả năng này là 18%, chủ yếu đến từ sức ép chính trị trong nước Đức. Việc AfD, đảng cánh hữu có đường lối bi quan về châu Âu, thăng tiến mạnh trong thời gian qua có thể tạo áp lực khiến bà Angela Merkel cứng rắn hơn nữa với Hy Lạp trong các cuộc đàm phán. Khi đó, mọi việc có thể đi chệch đường ray.
Quang Dũng

No comments:

Post a Comment