Tuesday, January 6, 2015

Doanh nhân Việt 30 năm đổi mới: “Cha mẹ sinh con, hoàn cảnh sinh tính cách”

Báo Bizlive, ngày 06/01/2015,   http://bizlive.vn/biztalk/doanh-nhan-viet-30-nam-doi-moi-cha-me-sinh-con-hoan-canh-sinh-tinh-cach-713639.html,   - Ba doanh nhân và một họa sĩ tiếp tục cuộc trò chuyện với BizLIVE, lần này với chủ đề: Tính cách doanh nhân Việt - như đã khắc họa trong loạt bài “Doanh nhân Việt 30 năm đổi mới” - đã nảy sinh từ những yếu tố nào?

Doanh nhân Việt 30 năm đổi mới: “Cha mẹ sinh con, hoàn cảnh sinh tính cách”
Từ trái sang, hàng trên: ông Trần Đức Cảnh, ông Nguyễn Văn Mỹ; hàng dưới: họa sĩ Lê Thiết Cương, TS. Alan Phan.

Ông Trần Đức Cảnh, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt Mỹ:
 
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã có sự cá biệt, không ai giống ai. Phương Tây khuyến khích và khai thác sự khác biệt của mỗi cá nhân như là một lợi thế. Sự sáng tạo làm cho xã hội trở nên phong phú và đa dạng hơn, là môi trường cho những phát minh khoa học, và tư tưởng lớn nảy sinh từ đó.

Dĩ nhiên là khung tổ chức xã hội của phương Tây phải đủ rộng để chứa sự đa dạng và khác biệt ấy, đồng thời đủ thông minh để biến nó thành sức mạnh của họ, thay vì nghi kỵ và triệt tiêu.

Vậy thì tính cách doanh nhân Việt do “trời sinh” hay phụ thuộc vào môi trường kinh doanh?

Đặc điểm chung của doanh nhân thường là người có cá tính, năng động và sáng tạo; đồng thời chấp nhận rủi ro… có tính toán. Nhưng doanh nhân cần có đất dụng võ, môi trường và điều kiện kinh doanh tại Việt Nam còn rất lủng củng, thiếu minh bạch và chật hẹp nên rất khó phát huy, chưa nói đến các yếu tố khác làm thui chột sự phát triển của doanh nghiệp trong nước trong nhiều thập niên qua.

Có hai khả năng cho phần “trời sinh” trong môi trường kinh doanh. Một, họ cho là không phù hợp và bỏ cuộc hoặc đợi thời cơ. Hai, là thức thời và có thể sẵn sàng thỏa hiệp để tồn tại. Cả hai đều không làm cho môi trường kinh doanh tốt hơn.

Tính “trời sinh” càng ngày càng thể hiện trong môi trường kinh tế - xã hội thông thoáng hơn, tuy nhiên cũng có những trường hợp “dị hợm”, phát sinh, cơ bản là từ nền tảng thiếu văn hóa và hiểu biết của một số giới trẻ.

Các thế hệ doanh nhân đã và đang qua thời “growing pain” (phát triển đau thương), hy vọng là giai đoạn này không còn quá lâu, làm thui chột tính năng động, sáng tạo, và chuyên cần của các thế hệ doanh nhân.

Cá tính “trời sinh” cũng cần phải có môi trường thông thoáng, chấp nhận sự dị biệt mới mong phát huy được.

Ở đời làm việc gì cũng phải “dọn mình”, càng sớm và có chất tố tự nhiên càng tốt. Ở Mỹ, không riêng gì doanh nhân hay các lãnh vực nghành nghề khác, phần lớn các nhà chính trị đã hun đúc từ nhỏ những giá trị đạo đức, ý chí tinh thần, năng lực và mục tiêu cuộc sống.Ở Đông Nam Á, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người mà tôi cho là được “dọn mình” kỹ lưỡng nhất cho chức vụ ông đang giữ, và ngay cả cho con trai ông sau này.

Cái khung “dọn mình” cho doanh nhân có thể rộng và đa dạng hơn, từ năng khiếu, đam mê, năng lực, kiến thức kinh doanh và những giá trị cơ bản đi kèm để có thể trở thành doanh nhân thành công trong điều kiện ổn định và lâu dài.

Trong môi trường kinh tế và xã hội khó khăn, dễ sinh ra loại doanh nhân bị “đẩy vào” thay vì bị “cuốn vào”. Cả hai bị đẩy và cuốn đều có lợi thế nhất định, nhưng lâu dài, những người bị cuốn vào sẽ làm tốt và bền vững hơn. Đề đất nước phát triển, không riêng gì doanh nhân phải tự dọn mình, mà cả xã hội cũng phải ý thức và tạo điều kiện cho các thế hệ sau này “đúng người, đúng việc”, mới mong tận dụng nguồi tài năng của đất nước.

Rất khó để có một định nghĩa chung, thế nào là một doanh nhân thành đạt! Vì nó rất trừu tượng. Theo tôi, “thành đạt” bao hàm cả ý nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Vật chất thì có thể cân, đo, đong, đếm được, còn giá trị tinh thần của mỗi người có khác nhau. Và doanh nhân không là ngoại lệ.

Có hai khung luật mà một doanh nghiệp phải tuân theo: luật xã hội và quy luật thị trường. Hai “luật” này là tác nhân chính cho môi trường phát triển kinh tế, xã hội ổn định và lâu dài. Nếu không nhanh chóng hoàn thiện hai luật này, thì vận hành của môi trường kinh doanh nói riêng, sẽ tiếp tục chông chênh, tạo ra nhiều bất cập.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty Lửa Việt:

 
Cha mẹ sinh con, hoàn cảnh sinh tính cách và năng lực. Khác nhau do môi trường kinh doanh.

Mỗi loại hình có mẫu số doanh nhân chung như nhà nước, tư nhân, liên doanh và nước ngoài. Chính môi trường làm việc quyết định tính cách doanh nhân. Cùng ra trường, sau 10 năm, tùy môi trường làm việc, năng lực cách xa một trời một vực.

Cũng như con người của hai miền Nam - Bắc. Nam bộ năng động, cởi mở, chất doanh nghiệp rõ nét. Miền Bắc căn cơ, bảo thủ, chém gió (nổ) nhiều hơn.

Để thành công trên thương trường, doanh nhân phải "dọn mình" thường xuyên, không chỉ cho mình mà cho cả nhân viên và doanh nghiệp để thích ứng với môi trường, linh hoạt với đối thủ, đáp ứng nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương:

 
Trong một xã hội gần như khép kín như năm 1986 trở về trước thì cái thuyết "trời sinh tính" tương đối đúng.

Nhưng khi đã đổi mới, khi đã mở cửa thì khác, những người làm kinh doanh được đi học ở nước ngoài, giao lưu, quan hệ rộng, tri thức, thông tin của thế giới mà họ học được, thu thập được sẽ giống họ tự thay đổi để phù hợp, để  theo kịp và đi cùng với thế giới bên ngoài thì các thiên tính cũng không có nhiều giá trị như giai đoạn trước.

Trước đây, tính cách doanh nhân giữa hai miền Nam - Bắc khác biệt khá lớn. Doanh nhân Nam nhanh nhạy, quyết đoán, tiên phong, “liều lĩnh” hơn, nhưng nay thì doanh nhân Bắc đã thay đổi. Để thành công trên thương trường, “dọn mình” là điều bắt buộc, chả cứ đối với doanh nhân.

Làm ăn buôn bán, đầu tư hay kinh doanh gì đi nữa cũng phải xuất phát từ ý tưởng người và kết thúc cũng là ở… ý tưởng người. Nói cách khác là ga khởi hành và ga đến đều là tinh thần nhân văn. Đồng tiền chỉ là phương tiện.

Nếu không thường xuyên răn mình, dậy mình, “dọn mình” thì đồng tiền vốn là phương tiện sẽ thành mục đích. Và như vậy thì sẽ phi nhân văn mà kinh doanh phi nhân văn thì cho dù kiếm được một núi tiền cũng vẫn vô giá trị, cũng vẫn nghèo.

TS. Alan Phan:

 
Theo tôi, tính cách doanh nhân Việt phần lớn không phải “trời sinh”, mà do cơ chế vận hành cùng hoàn cảnh đặc biệt đã tạo nên các cá tính này.

Trong một nền kinh tế chưa có định hướng và định hình, và trong khi các doanh nghiệp nhà nước chiếm lĩnh những nguồn lực thiết yếu, doanh nghiệp tư nhân phải bươn chải để “sống còn” nên khó tạo ra những sáng tạo đột phá hay chăm chú vào việc xây dựng kỹ năng và thương hiệu về lâu dài.

Mỗi cá nhân, mỗi xã hội đều có những định nghĩa khác nhau về chữ “thành đạt”, dù là doanh nhân, trí thức hay công nông nhân. Với cá nhân tôi, thành đạt gần như không thể hoàn toàn 100% mà phải có một thoả hiệp đổi chác nào đó trong các mục tiêu của đời sống.

Tôi vẫn nói về 6 yếu tố nội tại cần phát triển: sức khoẻ, tinh thần, tâm linh, trí tuệ, xã hội và tiền bạc. Trên hết là một con người “tự do” sống theo ý thích và chuẩn mực đạo đức của mình. Sự đóng góp chân thành của mình cho xã hội trong bất cứ 6 lĩnh vực nào nói trên đều là một “thành công”.

Chuyện làm giàu chánh đạo và bất chánh thì tôi xin miễn bàn. Đây là một đề tài nhạy cảm, có thể gây nhiều rắc rối cho mọi người liên quan nếu thực sự phân tích sâu rộng.
KIM YẾN

No comments:

Post a Comment