Tuesday, January 27, 2015

Doanh nghiệp Việt Nam cần phải có tầm nhìn dài hạn

Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp, ngày 26/01/2015,        http://dddn.com.vn/lang-kinh/doanh-nghiep-viet-nam-can-phai-co-tam-nhin-dai-han-20150114020449776.htm,        Air Mekong – hãng hàng không tư nhân được cho là thành lập bài bải và tổ chức hoạt động khá chuyên nghiệp đã chính thức phải chia tay với thị trường. Quyết định rút Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đối với Air Mekong vừa được Bộ GTVT đưa ra đã chấm dứt chuyến “phưu lưu” của những chú “Sếu đầu đỏ”, sau hai năm bay liệng trên bầu trời.

Air Mekong đã dừng hoạt động từ tháng 3/2013
Mặc dù, hầu hết mọi người không mấy bất ngờ với quyết định trên, bởi vì trên thực tế, các máy bay của Air Mekong đã dừng hoạt động từ tháng 3/2013. Tuy nhiên, sự tiếc nuối đối với những người thường xuyên sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không chắc sẽ vẫn còn in đậm trong một thời gian dài nữa. Vẫn biết, quy luật cạnh tranh và đào thải của thị trường, đặc biệt trong lĩnh vực vận chuyển hàng không rất khốc liệt. Nhưng việc Air Mekong không thể trở lại, ngoài nỗi đau của nhà đầu tư, hành khách sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều khi thị trường hàng không bớt một đối thủ cạnh tranh được đánh giá là khá chuyên nghiệp.
Air Mekong, với thương hiệu Sếu đầu đỏ đã được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Cty CP hàng không Mê Kông từ ngày 30/10/2008, tổ chức khai thác các chuyến bay thương mại từ tháng 10/2010. Air Mekong thuê bốn chiếc máy bay Bombardier CRJ 900 từ hãng hàng không SkyWest Airlines, mỗi chiếc được trang bị 90 chỗ ngồi bao gồm cả hạng thương gia và tiết kiệm. Chỉ riêng trong năm 2011, Air Mekong đã thực hiện 10.750 chuyến bay và chuyên chở khoảng 710 ngàn hành khách.
Một số chuyên gia nhận xét, Air Mekong có sự chuẩn bị khá bài bản, chuyên nghiệp từ việc thuê tàu bay còn rất mới cũng như tổ bay của nhà khai thác đường bay thuộc loại giỏi, nổi tiếng thế giới - Sky West… đến phát triển hệ thống đại lý trên khắp cả nước. Tuy nhiên, cùng với việc ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, máy bay Bombardier CRJ900 cũng được xếp vào loại không còn ưu thế cạnh tranh về mặt chi phí.
Bên cạnh đó, Air Mekong cũng đã bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá vé với các đối thủ, đặc biệt là trong năm 2012. Có những thời điểm, giá vé khuyến mại của Air Mekong từ Hà Nội tới TP HCM, Phú Quốc chỉ khoảng 900.000 đồng/lượt, thấp khá xa so với chi phí vốn. Theo một nguồn tin không chính thức, chỉ trong trong hai năm hoạt động, Air Mekongđã ngốn khoảng 800 - 1.000 tỉ đồng,vượt quá sức chịu đựng của BIM - Cty mẹ của Air Mekong. Cho dù, Cty mẹ đã lên kế hoạch “lỗ” trong vòng 3 năm đầu hoạt động.
Theo ông Lương Hoài Nam - cựu Giám đốc điều hành Air Mekong, kinh doanh  hàng không giá rẻ ở Việt Nam không dễ kiếm lãi mặc dù thị trường có tiềm năng. Giá xăng dầu máy bay ở Việt Nam cao hơn, giá phục vụ mặt đất cao hơn, các phí sân bay cao hơn, thuế thu nhập cá nhân đối với phi công và kỹ sư nước ngoài cao hơn… Các hãng hàng không muốn bay phải chuẩn bị phương án lỗ kéo dài, có vốn rất lớn mới có thể chịu lỗ trong vài năm kinh doanh. Lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ, là tình hình phổ biến của ngành hàng không thế giới. Các hãng hàng không Mỹ hết năm này sang năm khác bị phá sản, sáp nhập. Ở Ấn Độ, hãng hàng không Kingfisher Airlines lớn nhanh như thổi lên quy mô 70-80 máy bay, rồi “sập đánh rầm”. Kinh doanh vận tải hàng không là lĩnh vực rất nhiều thách thức.
Tỷ phú người Anh - ông Richard Branson (chủ của các hãng hàng không Virgin Atlantic, Virgin Blue, Virgin America) đã từng ví von, “hàng không có thể biến những tỷ phú nhanh chóng trở thành triệu phú”. Như vậy, Air Mekong là hãng hàng không tư nhân thứ ba của Việt Nam bị rút giấy phép, sau Indochina Airlines và Trãi Thiên. Mặc dù, Air MeKong được cho là có Cty mẹ BIM khá khỏe và đã kinh doanh thành công trong rất nhiều lĩnh vực “chống lưng”. Nhưng người Việt Nam có câu “buôn tài không bằng dài vốn”. Việc ra đi của 3 hãng hàng không tư nhân của Việt Nam  không chỉ là sự mất mát lớn đối với các  doanh nghiệp Việt Nam - đang nỗ lực trong hành trình sải cánh vươn ra thế giới, mà còn là sự mất mát đối với thị trường hàng không, thiệt thòi cho người tiêu dùng - đang trông đợi một thị trường hàng không giá rẻ ngày càng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, tham gia vào thị trường hàng không vốn đầy may rủi, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có tầm nhìn dài hạn, hoạch định lộ trình cụ thể để không dẫn đến tình trạng “hạ cánh” giữa chừng, vừa mất chi phí đầu tư, vừa mất chi phí cơ hội... 
Bá Tú

No comments:

Post a Comment