Tuesday, January 6, 2015

Dân châu Âu lo “cá mập Mỹ” nuốt chửng kinh tế EU

Báo Đất Việt, ngày 05/01/2015,   http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/dan-chau-au-lo-ca-map-my-nuot-chung-kinh-te-eu-3223542/,   - Tờ Die Welt của Đức vừa có bài viết cho biết, đa số công dân Đức và người Áo không ủng hộ Hiệp định thương mại tự do với Mỹ (TTIP).

Người Đức phản đối Hiệp định thương mại tự do Mỹ-EU
Ở Đức - nước là đầu tàu kinh tế-chính trị của Liên minh châu Âu - số lượng những người phản đối Hiệp định thương mại với Mỹ nhiều hơn so với những người ủng hộ TTIP.
Tờ Die Welt đưa ra kết luận trên kèm trích dẫn nguồn kết quả cuộc khảo sát mang tên “Dư luận xã hội Liên minh châu Âu” về “Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương”, do Ủy ban EU tiến hành với sự tham gia của các công dân Đức và Áo.
Theo cuộc thăm dò này, 41 phần trăm người Đức phản đối việc ký kết thỏa thuận về thương mại và hợp tác đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Hoa Kỳ (TTIP). 39 phần trăm ủng hộ sáng kiến này, 20 phần trăm không có bất kỳ quan điểm nào về vấn đề trên.
Theo tạp chí, rõ ràng là người Đức, có thể coi là đại diện cho cư dân của Liên minh châu Âu, lo lắng rằng việc ký kết “Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương” sẽ gây nguy hiểm cho các tiêu chuẩn châu Âu và sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của các nước thuộc Liên minh EU.
Ví dụ như Ủy ban Chính sách kinh tế và xã hội (ECOS) cho rằng, hiện nay 85% hồ sơ dự thầu trong EU được mở cho các nhà cung cấp của Mỹ, trong khi chỉ 32% hồ sơ Mỹ dự thầu được mở cho các nhà cung cấp EU. Sự mất cân bằng này có thể trở nên trầm trọng hơn nữa bởi hệ thống “opt-in” của các tiểu bang của Mỹ.
Lệnh cấm vận Nga khiến EU chịu thiệt và là cơ hội cho Mỹ trục lợi
Lệnh cấm vận Nga khiến EU chịu thiệt và là cơ hội cho Mỹ trục lợi
Hay một nông dân nuôi bò sữa châu Âu đã nói "Châu Âu không có chính sách nông nghiệp dài hơi, mà chỉ thúc đẩy cạnh tranh theo nghĩa tiêu cực như giảm lương nhân công, khai thác triệt để gia súc, giảm chất lượng, cốt để có giá sữa càng thấp càng tốt. Nếu mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ, thì ngành  sản xuất sữa châu Âu khó mà trụ được”.
Được biết, điều này xảy ra bất chấp việc trước đó, Thủ tướng Liên bang Đức Angela Merkel đã đưa ra cam kết rằng, Hiệp định này không nói về bất cứ việc hạ bớt tiêu chuẩn nào của hàng hóa Mỹ đưa sang châu Âu.
Trong khi đó, tổ chức xã hội “Stop TTIP”, bao gồm hơn 320 các tổ chức xã hội dân sự từ khắp châu Âu đang tiếp tục thu thập chữ ký cho kiến nghị chống việc thành lập khu vực tự do thương mại của EU và Hoa Kỳ. Đến thời điểm này dưới bản kiến nghị đã có chữ ký của 1,2 triệu công dân châu Âu.
Hiện nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của châu Âu. Kinh tế Mỹ-EU hiện chiếm gần 50% tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ và 30% kim ngạch thương mại của toàn cầu. Bởi vậy, một khi được ký kết, Hiệp định thương mại tự do Mỹ-EU sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới.
Năm 2011, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Mỹ và châu Âu mới đạt 449 tỷ euro. Chỉ 1 năm sau, con số đó đã tăng lên 646 tỷ euro. Năm 2012 Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất của EU với 99 tỷ euro, chiếm 66% tổng vốn đầu tư của nước ngoài vào EU và dòng vốn trực tiếp nước ngoài giữa hai bờ Đại Tây Dương lên tới 1.000 tỷ USD.
Tổ chức xã hội “Stop TTIP” đã thu thập được 1,2 triệu chữ ký phản đối TTIP
Tổ chức xã hội “Stop TTIP” đã thu thập được 1,2 triệu chữ ký phản đối TTIP
Đánh giá về tầm quan trọng của TTIP, Tổng thống Mỹ Barack Obama lưu ý rằng quan hệ Mỹ - EU là mối quan hệ lớn nhất trên thế giới và khẳng định rằng, nếu được hoàn tất, TTIP sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm.
Do đó, sự hợp tác song phương sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ, trong đó có tăng cường xuất khẩu, giảm rào cản thương mại và đầu tư, trong chiến lược phát triển rộng lớn hơn của cả hai nền kinh tế và mở ra nhiều cơ hội việc làm ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Tuy nhiên trong thời gian qua, đã có nhiều nước châu Âu phản đối ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Nga, đồng thời bày tỏ lo lắng Washington sẽ lợi dụng cơ hội Brussels bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc đấu đã với Moscow để kiếm lợi cho mình bằng Hiệp định thương mại tự do Mỹ-EU (TTIP).
Mỹ phá hợp tác EU-Nga để trục lợi cho mình
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine mới bắt đầu diễn ra, Liên minh châu Âu đã “theo đuôi” Washington và tự dẫn mình vào ngõ cụt. Lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu tuy khiến Nga khốn đốn nhưng cũng khiến EU phải chịu nhiều thiệt hại, trong khi Mỹ hầu như không suy suyển gì.
Các nhà phân tích chính trị và kinh tế đến từ Moscow đã gọi các biện pháp trừng phạt về kinh tế, quân sự và chính trị của Mỹ và châu Âu đối với Nga vì cuộc nội chiến ở Ukraine là “trò tống tiền xuyên Đại Tây Dương”, dùng thủ đoạn chính trị để chi phối các hoạt động kinh tế, phá vỡ tất cả các quy luật vận động của kinh tế thị trường.
Dân châu Âu biểu tình phản đối TTIP
Dân châu Âu biểu tình phản đối TTIP
Nga đã đáp trả lại bằng lệnh cấm nhập khẩu nông sản của EU trong vòng 1 năm và có thể gia hạn thêm hay mở rộng cấm vận sang lĩnh vực hàng không, hóa chất, dược phẩm, máy móc, thiết bị xây dựng, ô tô…, đồng thời hỗ trợ chính sách đẩy mạnh sản xuất trong nước và cũng bắt tay với 1 số nước Á-Phi-Mỹ để thay thế những mặt hàng nhập khẩu từ EU.
EU ngày càng khó quyết định phải làm gì với các biện pháp trừng phạt Nga. Một mặt, Brussels bị Washington thúc ép đòi có những biện pháp mới chống Nga vì “tình hình Ukraine ngày càng xấu đi”. Mặt khác, các doanh nghiệp châu Âu không chịu tiếp tục ủng hộ động thái cấm vận vô lý đã khiến họ thiệt hại hàng tỷ USD.
Nhà Trắng chưa hề có ý từ bỏ chiến thuật phá vỡ quan hệ kinh tế Nga-EU, để chiếm lĩnh thị trường châu Âu rộng lớn của mình. Khác với Liên minh châu Âu, Washington không phải chịu tổn thất kinh tế từ các lệnh trừng phạt cũng như động thái phản ứng của Nga, thậm chí có thể còn được lợi rất lớn.
Bà Nina Dyulgerova, Giáo sư Đại học tổng hợp Sophia nêu ý kiến là ngay từ đầu trò trừng phạt phiêu lưu này, Washington đã theo đuổi mục tiêu là phá vỡ các quan hệ kinh tế giữa Nga và Liên minh châu Âu nhằm lôi kéo EU đứng về phía quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương mà Mỹ đang khởi xướng thành lập.
Hiện tại Hoa Kỳ gây áp lực vô cùng mạnh vào Liên minh châu Âu, thúc đẩy việc ký kết “Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương” (TTIP), có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Hoạt động kinh tế với Nga - thị trường lớn nhất của châu Âu bị phá vỡ sẽ khiến EU tiếp tục bị buộc chặt vào “cỗ xe tù” với Mỹ.
Mỹ bị cáo buộc phá quan hệ kinh tế Nga-EU để trục lợi
Mỹ bị cáo buộc phá quan hệ kinh tế Nga-EU để trục lợi
Việc EU đồng ý ký văn kiện này theo tuyên truyền của Mỹ là sẽ mở ra cơ hội cực kỳ sáng sủa cho “các sản phẩm thương mại xuyên Đại Tây Dương”, nhưng thực tế là sự lưu thông tự do hay nói cách khác là sự tràn ngập của hàng hóa mang xuất xứ Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ EU. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp của châu Âu sẽ bị “con cá mập Mỹ” nuốt chửng.
Giới kinh doanh EU không hài lòng với biện pháp trừng phạt và những hậu quả kéo theo và ngày càng có nhiều ông lớn kinh tế của châu Âu đòi đánh giá lại chính sách. Nhóm các công ty SMS của Đức đã “gợi ý” với Thủ tướng Angela Merkel là, nếu tình hình tiếp tục như vậy, họ sẽ ngừng tài trợ cho chính đảng của bà.
Nhà phân tích chính trị người Pháp Xavier Moreau nhận định, chính sách thương mại hiện hành của EU và Mỹ đều có xung đột trong các lĩnh vực như nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ thông tin... Hơn nữa hai bên cũng vướng vào nhiều tranh chấp thương mại tay đôi kéo dài nhiều năm. 
Ông Moreau nói: “Tôi nghĩ bên trong EU sẽ có các nước từ chối tiếp tục áp dụng biện pháp trừng phạt. Mỹ lợi dụng cấm vận để dựng lên bức tường giữa Nga và EU. Mục đích của Washington là chặn sự hình thành một châu Âu mới có chung cơ cấu kinh tế và an ninh với Nga”.
Nếu không tính toán cẩn thận, EU sẽ mất đi một thị trường Nga đầy tiềm năng để rồi phải phụ thuộc vào Mỹ và nhận hết những thiệt thòi về mình. Bởi vậy ý kiến phản đối của người dân là đúng và các nhà hoạch định chính sách của châu Âu sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn nữa về các điều khoản đàm phán trong hội nhập kinh tế với Mỹ.


Thiên Nam

No comments:

Post a Comment