Monday, January 5, 2015

Cải cách thể chế: nói và làm

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 04/01/2015,   http://www.thesaigontimes.vn/124799/Cai-cach-the-che-noi-va-lam.html,  - Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ giữa thể chế và phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại, Acemoglu và Robinson đã khẳng định một cách thuyết phục về vai trò của thể chế đối với sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia trên thế giới.


Đến nay Việt Nam vẫn chưa có thị trường phát điện cạnh tranh. Ảnh: UYÊN VIỄN
Kinh tế học thể chế và tăng trưởng kinh tế
Kinh tế học thể chế (institutional economics) là một mảng mới của kinh tế học (từ thập niên 1970). Nhưng những nghiên cứu về thể chế và mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế chỉ mới thực sự phổ biến từ những năm 1980 trở lại đây. Ở Việt Nam, cải cách thể chế cũng được nhắc đến nhiều trong thời gian năm năm trở lại đây, đặc biệt là sau báo cáo phát triển Việt Nam năm 2010 của Ngân hàng Thế giới, về “Các thể chế hiện đại”.
Khái niệm về thể chế cho đến nay vẫn chưa thật sự rõ ràng. Tuy vậy, thể chế nhìn chung được hiểu là những quy tắc tương tác của con người, những quy định chính thức và không chính thức ràng buộc mối quan hệ và hình thành nên cách ứng xử của con người. Khi đó, kinh tế học thể chế nghiên cứu về sự ảnh hưởng qua lại của các thể chế và nền kinh tế, tức sự tác động của thể chế đến sự phát triển kinh tế, và ngược lại các thể chế cũng thay đổi trong quá trình tương tác với đời sống kinh tế.
Thể chế bao gồm thể chế bên trong (internal institution) và thể chế bên ngoài (external institution). Thể chế bên trong là các tập tục, các quy chuẩn, các lề lối, các quy ước... được đúc kết từ xưa và trở thành các quy tắc xử sự trong xã hội. Việc vi phạm các quy tắc bất thành văn này sẽ chịu sự phán xét không chính thức (thái độ, nhìn nhận... của mọi người trong cộng đồng). Trong khi đó, thể chế bên ngoài là những quy định mang tính chính thức như các văn bản quy phạm pháp luật, và việc vi phạm các quy định này sẽ đi kèm với những chế tài được quy định cụ thể.
Ở Việt Nam, giới lãnh đạo cũng đã có nhiều cam kết về cải cách thể chế hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với giới nghiên cứu, cải cách thể chế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang trở thành “khẩu hiệu”, xem đó như là chìa khóa để đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn ì ạch kéo dài nhiều năm nay.
Cải cách thể chế bên ngoài ở Việt Nam
Trước tiên xin bàn về thể chế bên ngoài, bởi dù sao nó cũng có những quy định rõ ràng hơn so với những quy tắc bất thành văn.
Việc sửa đổi Hiến pháp được xem là cơ hội lịch sử của cải cách thể chế ở Việt Nam trong những năm gần đây. Sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong việc góp ý cho công cuộc sửa đổi Hiến pháp đã nói lên sự quan tâm mạnh mẽ của đại bộ phận dân chúng đối với sự kiện trọng đại này. Tuy vậy, có lẽ nhiều người cũng nhận thấy, từ khi Hiến pháp mới được thông qua, hiệu ứng xã hội của nó lại không bằng so với ở giai đoạn góp ý để chỉnh sửa, và tác động của Hiến pháp đến đời sống xã hội chưa thật sự rõ nét.
Trong nhiều lý do, có lý do là Hiến pháp được sửa đổi không có nhiều đột phá tích cực so với trước. Những vấn đề được tranh luận nhiều vẫn chưa thay đổi, chẳng hạn như quy định về vai trò của kinh tế nhà nước. “Các thành phần kinh tế bình đẳng” nhưng “kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo” (1). Ở phạm vi hẹp hơn, ngành ngân hàng trong đề án tái cơ cấu (số 254/QĐ-TTg năm 2012) của mình, Ngân hàng Nhà nước cũng giữ quan điểm phát triển hệ thống ngân hàng “đa dạng về sở hữu” nhưng “ngân hàng thương mại nhà nước thật sự là lực lượng chủ lực, chủ đạo”.
Cách nói nước đôi theo kiểu “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp...” trước đây đã một thời gây khó khăn cho phát triển, xem ra vẫn là suy nghĩ “chủ đạo” của những người làm chính sách ở Việt Nam.
Nhiều tổng kết đều cho thấy, các vụ khiếu kiện về đất đai luôn chiếm số lượng lớn nhất và thời gian giải quyết lâu nhất trong số các vụ khiếu kiện tại Việt Nam. Thực tế, nguyên tắc sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện quản lý đối với đất đai nhằm hạn chế tình trạng tư hữu, hạn chế giàu nghèo và bất công đã không thực hiện được. Những vụ tranh chấp đất đai và khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai vẫn tiếp tục kéo dài, những người nông dân tay trắng ngày càng nhiều hơn, thay vào những cánh đồng phì nhiêu là những khu đô thị xa hoa vẫn là một thực tế đang diễn ra hàng ngày trên đất nước này. Tuy vậy, vẫn chưa có những thay đổi cơ bản về quyền sở hữu đất đai cũng như quy định về thu hồi đất ở Hiến pháp mới và Luật Đất đai sửa đổi vừa qua.
Luật Doanh nghiệp 2014 vừa mới ban hành, với những thay đổi khá mạnh mẽ, một lần nữa được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt đối với nền kinh tế đất nước (như đã từng tạo được ở lần ban hành năm 2005). Tuy nhiên, khi luật chưa kịp thi hành thì “sự kiện taxi Uber” làm nóng lại cam kết về những điều mà doanh nghiệp (rộng hơn là người dân) có thể làm khi pháp luật không cấm. Trước đó, vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đưa đến một trường hợp “chết người” hơn, đó là dù luật đã cho phép nhưng chưa có hướng dẫn thì vẫn không được làm(2). Các bị cáo đã bị phạt nhiều năm tù vì làm điều luật cho phép mà chưa được hướng dẫn.
Và thể chế bên trong
Chuyện nhà công vụ vẫn chưa hết nóng. Cách xử sự của nhiều vị cán bộ là khá nhất quán, dẫn đến tình trạng 59/80 căn hộ (khu Hoàng Cầu) đã hết tiêu chuẩn mà chưa hoàn trả. Bổ sung vào cách xử sự của cán bộ là nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, từ việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ khi sắp nghỉ hưu cho đến việc vẫn xin nhà ở khi đã có biệt thự, tất cả cùng nhuộm đen cho khẩu hiệu “cải cách thể chế” mà nhiều người đang mong đợi.
Những thống kê về cải cách hành chính ở nhiều địa phương gần đây cho ra con số ấn tượng về sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công. Nhiều người hoài nghi vì thực tế, sự cải cách dù rất đáng ghi nhận ở nhiều cơ quan nhà nước, nhưng có thể còn lâu mới đem lại sự hài lòng thật sự cho người dân. Ở mức độ nào đó, giới cò (môi giới) mới là những người tận hưởng nhiều nhất dịch vụ công chứ không phải những người dân có nhu cầu. Cò hồ sơ (đặc biệt là nhà đất), cò giấy phép, cò dự án, cò bệnh viện... và đủ các loại cò khác xuất hiện, ăn nên làm ra là minh chứng thực tế cho điều này.
Một cô gái bị một tên lưu manh hành hung giữa đường nhưng không có ai giúp đỡ. Khi có một người đứng ra hỗ trợ và cô gái chạy ra cơ quan công an gần nhất để trình báo thì được cung cấp giấy và bút để... viết tường trình. Đó là nội dung một câu chuyện được cộng đồng mạng chia sẻ gần đây. Rất nhiều người thừa nhận rằng, đó là sự thật của xã hội hiện nay. Sự thật nằm ở hai chỗ, đó là sẽ không có nhiều người giúp đỡ khi ta gặp nạn và các anh công an sẽ làm đúng quy trình (như nhiều cái đúng quy trình khác).
Điều tương tự có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu và nếu không may, một ngày nào đó, nó có thể xảy ra với chính mình. Biết là như vậy, nhưng nếu bây giờ gặp một trường hợp tương tự, số đông vẫn đứng nhìn. Tất cả hình thành nên những nguyên tắc hành xử hiện nay giữa chúng ta, cách hành xử “bất lương” nhưng bình thường.
Chúng ta đã làm được rất nhiều trong mục tiêu cải cách thể chế nhằm đem lại sự phồn vinh cho đất nước. Tuy vậy, những vấn đề cần làm vẫn còn rất nhiều. Để hỗ trợ tăng trưởng thông qua cải cách thể chế, không chỉ cần có những quy định mang tính cách mạng, mà rất quan trọng là hình thành cách hành xử với nhau dựa trên những giá trị tốt đẹp được đúc kết và gìn giữ.

Thực tế là, chỉ cần tin nhau, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng. Chỉ cần người dân tự tin hưởng thụ các dịch vụ công dành cho mình, chỉ cần ít đi một tí “đúng quy trình” hay chỉ cần các anh cảnh sát giao thông đừng nhảy bổ ra từ những góc khuất để chặn xe người đi đường, có thể đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Lê Duy Khánh

No comments:

Post a Comment