Cây gậy và củ cà rốt...
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ tiếp tục có những bước đi được đánh giá là không thể ngờ tới. Bởi chỉ mới trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra hồi tháng 10/2014, Tổng thống Obama còn khẳng định Mỹ sẽ không giúp đỡ Ukraine về tài chính hay quân sự.
Nhưng đến nay, họ đã gia tăng biện pháp trừng phạt lên kinh tế Nga, viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, và thêm một động thái cho những ngày cuối năm: Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ukraine về những vấn đề hỗ trợ tài chính.
Trên cổng thông tin điện tử của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã đưa tin ông và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm. Nội dung cuộc điện đàm chú trọng vào việc thảo luận các phương án để nhận các gói hỗ trợ tài chính từ Mỹ và có thể từ cả Liên minh châu Âu EU.
Phải nói rằng, với Kiev, Mỹ đã như một ông già Noel xuất hiện kịp thời, khen tặng những nỗ lực trở thành đứa trẻ ngoan của chính quyền Kiev. Mọi ước muốn của Ukraine: gia tăng sức ép lên Nga, vũ khí và tiền đều từng bước được Mỹ đáp ứng.
Những động thái gần đây của Mỹ, dù mới chỉ lời hứa, nhiệt thành với Ukraine đến mức người ta phải thừa nhận rằng, Washington đã chính thức tham dự vào cục diện cuộc khủng hoảng này, thay vì vẫy cờ cổ vũ từ xa như trước đây. Sự tham gia của Mỹ không phải ngẫu nhiên, nó là kết quả của một loạt diễn biến và thái độ của các bên liên quan trong thời gian qua, đặc biệt là tâm tư của châu Âu - những đồng minh già cỗi và tận tụy của Mỹ.
Cử chỉ thân mật của Joe Biden và Petro Poroshenko trong chuyến thăm Ukraine trước đây |
Khi dự luật hỗ trợ tự do cho Ukraine được Tổng thống Mỹ ký kết ngày 18/12/2014, đánh dấu việc Mỹ chính thức gia tăng các lệnh trừng phạt Nga, đặc biệt nhằm vào các lĩnh vực vũ khí, năng lượng, và trên hết là vốn đầu tư. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt này sẽ chỉ có hiệu quả với điều kiện EU cũng tham gia.
Nếu không có sự hưởng ứng của liên minh châu Âu, Mỹ chẳng khác gì đang làm một hành động vô nghĩa, bởi thực chất hợp tác thương mại giữa Mỹ và Nga gần như không đáng kể. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi trừng phạt của Mỹ hồi tháng 6, EU đã thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ USD, trong khi Mỹ vẫn sống khỏe và không hề bị tác động ngược.
Điều này đặt ra câu hỏi cho các nhà tư bản châu Âu rằng có nên hay không tiếp tục hi sinh lợi ích của mình để phục vụ lợi ích Mỹ, trong khi thứ duy nhất Mỹ mất là... nước bọt qua các lời cáo buộc, chỉ trích của ông Obama hay Ngoại trưởng John Kerry.
Thời điểm này là giai đoạn nhạy cảm để phép thử cho "tình cảm đồng minh" giữa nội bộ phương Tây, và Washington đã đủ hiểu không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc Tổng thống Obama đã từng phát biểu "sự đoàn kết của EU và Mỹ là vũ khí mạnh nhất khiến Nga sợ hãi."
Washington đang cố gắng chứng minh cho EU thấy sự quan tâm của mình trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Mỹ đang can dự sâu sắc vào cục diện này, đủ để cho EU thấy rằng họ sẽ không bị bỏ rơi. Một khi vai trò lãnh đạo, đi đầu của Mỹ nổi lên rõ ràng, EU sẽ vững tin mà đi theo hướng cây gậy chỉ đường của Mỹ. Đây vẫn là bài cũ, cây gậy và củ cà rốt mà Mỹ đã quen dùng từ thế kỷ 20.
Ngoài ra, sở dĩ Mỹ phải can dự vào Ukraine bởi họ hiểu rằng, cuộc chiến với Nga đã chính thức bắt đầu và không còn đường lùi. Với Moscow, Washington cũng đưa ra một phép thử, khi Ngoại trưởng John Kerry ở London hôm 19/12/2014 đã tuyên bố sẽ không có biện pháp trừng phạt nào nếu Nga thay đổi thái độ về vấn đề Ukraine.
Thì ngay ngày hôm sau, Tổng thống Putin ra một loạt sắc lệnh nhằm tổng động viên cứu nền kinh tế, đoàn kết dân tộc, ủng hộ chính phủ. Song song với đó, Nga tuyên bố đã khôi phục một loạt căn cứ quân sự tại Crimea.
Cả Nga và Mỹ đã không thể vãn hồi cuộc đối đầu của thế kỷ 21 này lại |
Mỹ hiểu rằng, để nước Nga thay đổi quan điểm là không thể. Đạn đã lên nòng cho cuộc Chiến tranh lạnh 2.0, và như tiền lệ, Mỹ cần có sự giúp đỡ của châu Âu để đạt mục đích hạ gục nước Nga một lần nữa.
Nga-Mỹ sẽ đối đầu trực diện?
Việc Mỹ viện trợ cả tài chính và vũ khí cho Ukraine đã khẳng định một điều: Không bao giờ Kiev thỏa hiệp với những người ly khai. Và tất nhiên, đó cũng không phải là mục đích của nước Mỹ.
Còn với Nga, họ hiểu rằng nếu thua trong cuộc đối đầu này, thể chế của Nga sẽ tan rã. Bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov, hay Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định: "Mục đích của Mỹ không phải ở Donbass, Ukraine, hay Crimea. Mục đích của họ là thay đổi thể chế của nước Nga."
Khi vào một trận chiến sinh tử, tất nhiên tinh thần, ý chí chiến đấu của chiến binh sẽ được phát huy đáng kể. Tuy nhiên, tinh thần là chưa đủ, Nga vẫn cần có những sự chuẩn bị cho riêng mình. Mỹ đang đi những bước đi đầu tiên nhằm đổ tiền, đổ vũ khí vào Ukraine. Và bước đi này để phục vụ mục đích củng cố lực lượng cho mình, mà đích ngắm là sự phục vụ, thần phục của châu Âu như trước đây.
Và Nga cũng cần tìm đồng minh cho mình. Tuy nhiên, đây là điểm yếu của nước Nga so với phương Tây. Ngày 22/12/2014, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố hùng hồn về việc Bắc Kinh sẵn sàng trợ giúp Moscow nếu được yêu cầu.
Mối quan hệ Nga - Trung Quốc chưa đủ điều kiện để trở thành đồng minh, Bắc Kinh vẫn toan tính và thiếu sự chân thành |
Lời tuyên bố trong lúc nước sôi lửa bỏng này có phải là tin vui với Nga, khi họ đã có một đồng minh khổng lồ? Nhưng có lẽ vẫn còn một chặng đường dài cho khái niệm đồng minh giữa Nga và Trung Quốc. Không cần nhiều dẫn chứng, trong lời nói của ông Vương Nghị cũng ẩn chứa đầy sự e dè:
"Nếu phía Nga cần, chúng tôi sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết trong khả năng của mình. Nhưng tôi tin Moscow có đủ tiềm lực để khắc phục các vấn đề kinh tế hiện nay, và họ cũng có "kinh nghiệm" đối phó với những tình huống tương tự."
Thực tế trong cục diện Ukraine hay cuộc đối đầu Nga - phương Tây, Trung Quốc sẽ chỉ giúp Nga với điều kiện họ sẽ có lợi ích tương xứng. Cuộc đấu này Nga buộc phải tự lo cho mình là chính.
Và thắng thua chắc chắn sẽ chỉ được định đoạt khi kết quả trên chiến trường Ukraine ngã ngũ. Ukraine sẽ là võ đài để vũ khí Nga đấu với vũ khí Mỹ, để tiền Nga đấu với tiền Mỹ.
Cuộc đối đầu giữa Nga - Mỹ tưởng chừng chỉ dừng ở cuộc chiến kinh tế không tiếng súng. Nhưng đến thời điểm này, máu sẽ bắt đầu đổ và họ sẽ đấu với nhau cho đến người Ukraine cuối cùng.
- Đỗ Minh Tú
No comments:
Post a Comment