Wednesday, November 5, 2014

“Việt Nam không ngại khổ nhưng sợ khó”

Báo Thị Trường Việt Nam, ngày 25/10/2014,    http://thitruongvietnam.com.vn/Xem-Dien-Dan-Xa-Hoi.php?Link=Viet-Nam-Khong-Ngai-Kho-Nhung-So-Kho-2014-10-25&database=diendan,         - Mô hình tăng trưởng không còn phù hợp với thời đại. Chúng ta đã duy trì quá lâu một quy trình tăng trưởng lối mòn. “Việt Nam không ngại khổ nhưng sợ khó” – Đó là nhận định của PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế 2014
“Việt Nam không ngại khổ nhưng sợ khó”
Đó là nhận định của PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế 2014 với nội dung: Tăng trưởng xanh và tái cơ cấu kinh tế Việt Nam diễn ra sáng 24/10 tại Hà Nội.
Chiến lược tăng trưởng xanh ở VN là chiến lược thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thông qua tăng cường đầu tư và đổi mới công nghệ, vốn tự nhiên, công cụ kinh tế. Từ đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Phó trưởng ban kinh tế TW cho biết: “Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững, do đó, lựa chọn tăng trưởng xanh là tất yếu”.

Theo ông Đông, nội dung cụ thể của tăng trưởng xăng bao gồm 4 vấn đề cơ bản: xây dựng thể chế quốc gia; giảm tỷ lệ khí thải; thực hiện xanh hóa sản xuất và thực hiện xanh hóa lối sống bền vững. Đó là yêu cầu tự thân của nền kinh tế, đòi hỏi gia tăng hàm lượng chất xám trong từng sản phẩm là điểm nhấn.

Trình bày tham luận đầu tiên tại diễn đàn, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện kinh tế VN khẳng định: “Tăng trưởng xanh không còn là điều phân vân, mà phải là lựa chọn đối với VN. Đương nhiên chúng ta sẽ gặp phải nhiều thách thức khi gắn tăng trưởng xanh với tái cơ cấu kinh tế. Tăng trưởng xanh sẽ tốt nhưng làm sao để làm được điều đó, nếu để chậm thì chúng ta sẽ phải trả giá quá đắt. Chiến lược phải đặt ra một cách sống còn thì mới thực hiện được”

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu của VN trong thời gian qua, ông Thiên cho rằng tái cơ cấu chưa lạc quan, hiệu quả còn chậm và chưa đi được vào những nút cơ bản mang tính chiến lược.

Tái cơ cấu yếu do phân bổ nguồn lực không hợp lý, sai khi phân bổ theo ngành, vùng. Vì vậy cần tái cơ cấu quyết liệt. Hiện tại VN đang định hướng vào các ngành khai thác tài nguyên, dệt may, da giày … là không ổn bởi đây không phải là những ngành thu được nguồn tiền lớn. Trong khi đó, một ngành công nghệ khá “hãnh diện” là ngành lắp ráp, đặc biệt là lắp ráp điện thoại di động vẫn chưa được ưu tiên hàng đầu.

PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, có ba vấn đề mấu chốt trong quá trình tái cơ cấu của VN.

Một là, mô hình tăng trưởng không còn phù hợp với thời đại. Chúng ta đã duy trì quá lâu một quy trình tăng trưởng lối mòn. “Việt Nam không ngại khổ nhưng sợ khó” – ông Thiên nói.

Hai là, cơ chế thị trường chưa được tập trung ưu tiên khuyến khích phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: Cạnh tranh của VN chưa phải là cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh yếu thì giá cả không mang tính thị trường, hệ thống phân bổ nguồn lực không tốt, tiền lương không hợp lý.

Ba là, vấn đề điều hành, quản trị nhà nước. Chúng ta đã nỗ lực nhiều nhưng cách thức phải thay đổi. Việc phân bổ đầu tư của nhà nước còn dàn trải, chia đều; các thành phần kinh tế chưa được đối xử công bằng.

Hiện nay, Việt Nam chưa làm tốt cả 3 yếu tố này, do đó quá trình tái cơ cấu còn chậm và chưa thực sự hiệu quả. Theo ông Thiên, tới thời điểm này VN phải nghĩ đến việc hành động để xoay chuyển tình thế, chứ không phải là khắc phục tình thế nữa.

Về công nghiệp: Công nghiệp VN cần gắn bó mật thiết với chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện nay chúng ta không định vị theo chuỗi nào hết. Chúng ta phải gắn với những chuỗi phát triển công nghiệp hỗ trợ với hàm lượng công nghệ cao, chứ không phải kiểu sản xuất xi măng, sắt thép.

Bên cạnh đó, công nghiệp cần tập trung nhiều đột phá vùng: khu kinh tế, khu công nghiệp... Chính phủ đã có nhiều cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng chưa ưu tiên các điều kiện thể chế. Ưu tiên về thuế, phí dịch vụ không nên là những ưu tiên hàng đầu. Ưu tiên cao nhất phải là ưu tiên về mặt thể chế, hạ tầng và kết cấu đô thị.

Về nông nghiệp: Sản phẩm nông nghiệp phải hướng tới giá trị gia tăng cao. Trong khi VN đang hướng tới sản lượng cao nhưng giá trị gia tăng thấp. Do đó, chúng ta cần thay đổi căn bản, đưa ra định hướng mới về phát triển nông nghiệp, giá trị gia tăng cao. Khi nào nông nghiệp dựa trên cái trục doanh nghiệp thì nông nghiệp mới phát triển được.

Về du lịch và dịch vụ: Du lịch VN hướng tới số lượng khách là không hiệu quả vì sẽ gây khan hiếm tài nguyên, nguồn nước.

Ông Thiên khẳng định, để phát triển, chúng ta chưa cần đột phá, chỉ cần động đậy một chút thôi, câu chuyện sẽ khác.

Nguyệt Quế

No comments:

Post a Comment