Tuesday, November 4, 2014

Tăng trưởng của Việt Nam sẽ tăng dần từ năm 2014 đến 2016

Báo VOV.VN, ngày 05/11/2014,    http://vov.vn/kinh-te/tang-truong-cua-viet-nam-se-tang-dan-tu-nam-2014-den-2016-362578.vov,      - Nhận định này được HSBC đưa ra trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, tháng 11/2014. 


Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2014, với nhận định rằng, nếu Việt Nam cố gắng kiềm chế tránh việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt, đặc biệt đối với các khu vực quốc doanh kém hiệu quả, và tập trung phát triển mạnh hơn nữa những lợi thế chiến lược của mình như thương mại và xu hướng chuyển đổi nhân khẩu học thuận lợi, tăng trưởng sẽ dần được cải thiện. HSBC dự đoán tăng trưởng sẽ tăng dần từ năm 2014 đến 2016.
Khoảng 60% nợ nước ngoài là vay viện trợ, có ưu đãi
Đưa ra nhận định trên vì HSBC tin tình hình kinh tế của Việt Nam đang đi theo hướng hồi phục chậm như “thường lệ” sau giai đoạn phát triển tín dụng nhanh. Điều khiến Việt Nam khác biệt là trạng thái phát triển của đất nước, xu hướng nhân khẩu học thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chi phí lao động thấp.

HSBC tin tình hình kinh tế của Việt Nam đang đi theo hướng hồi phục chậm (Ảnh minh họa: KT)
Dù lực cầu nội địa yếu, chỉ số nhà quản trị mua hàng HSBC tháng 10 của Việt Nam vẩn ở mức 51, mức tăng trưởng tháng thứ 14 liên tiếp. Đơn hàng xuất khẩu và chỉ số việc làm tăng trên mức 53. Trong trung hạn, nhiều khả năng Việt Nam sẽ củng cố lại vị thế tài chính của mình. Tuy nhiên trong năm nay, thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng do có chi ngân sách thì cao còn thu ngân sách thì chậm.
HSBC còn cho rằng, dù không quá lo ngại cho Việt Nam, nhưng sẽ tiếp tục quan sát kỹ tỉ lệ lệ thuộc vào tín dụng Việt Nam bởi các dòng tiền chi ra dễ dàng thường khó dẫn đến sự giàu mạnh bền vững.
Hơn nữa, theo quan sát của HSBC, một số biện pháp được trông chờ sẽ được trình tại phiên họp Quốc Hội hiện nay để giúp đa dạng hóa nguồn thu thuế của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào dầu và thắt chặt kiểm soát đối với chi tiêu của chính quyền địa phương.
Với bức tranh thương mại vẫn còn tốt và đầu tư đổ vào cao hơn, thu nhập ngân sách đã tăng trở lại trong năm nay, mặc dù xét về tỉ lệ đóng góp cho GDP thì các nguồn thu đang giảm dần. Việt Nam sẽ cần phải mở rộng  nguồn thu thuế để bù đắp sự sụt giảm tỉ lệ nguồn thu đóng góp cho GDP khi giảm thu thuế doanh nghiệp (dự định giảm thuế doanh nghiệp xuống còn 20% trong năm 2016 từ mức thuế hiện tại 22%).
Thâm hụt tài chính tăng trong những năm gần đây dẫn đến nợ công và nợ nước ngoài đều tăng lên. Tuy xét trong tương lai gần nhiều khả năng Việt Nam không phải đối mặt với vấn đề nợ kéo dài nhưng tỉ lệ đóng góp của các nguồn thu cho GDP lại đang giảm.
Và, mặc dù có tăng lại trong năm nay, tỉ lệ đóng góp thu ngân sách cho GDP chỉ khoảng 25% so với mức trung bình gần 30% vào những thập kỷ trước. Kết quả là, lượng nợ công, cả trong và ngoài nước, đều tăng. Điều tích cực liên quan đến nợ nước ngoài là phần lớn các khoản nợ này (khoảng 60%) là nợ vay viện trợ, có tính chất ưu đãi, và điều này cũng có nghĩa các khoản nợ này dễ được gia hạn hơn.
Đặc biệt, theo HSBC, lượng nợ sẽ chỉ đáng lo ngại nếu nền kinh tế ngưng phát triển và dòng chảy nợ tiếp tục chất chồng thêm. Về quan ngại đó, HSBC tin rằng năm nay và cả năm sau, vấn đề thâm hụt ngân sách vẫn sẽ tồn tại ở mức 5-6%, bởi đây là vấn đề mang trái ngược chu kỳ (nền kinh tế đang phát triển chậm lại nên các chính sách tài khóa của chính phủ sẽ được mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế).
Việt Nam sẽ phục hồi dần dần
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể và sẽ phát triển để thoát ra khỏi vấn đề hiện tại không? HSBC tin rằng điều này là có thể nhưng là sẽ là sự hồi phục dần dần. Nhìn vào các năm trước thì thấy, đầu tư giảm và nhu cầu nội địa yếu trong năm 2011 khi Việt Nam đang ở thời kỳ khủng hoảng tài chính lớn. Kể từ đó nền kinh tế dần hồi phục, nhưng khu vực nội địa vẫn không mấy sáng sủa. Phần lớn tăng trưởng trong cuối những năm 2000 là nhờ vào tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, điều này làm cho tỉ lệ phụ thuộc vào tính dụng càng trầm trọng hơn (tăng trưởng dư nợ trên tăng trưởng sản phẩm). Tỉ lệ phụ thuộc vào tín dụng càng cao thì năng suất của nền kinh tế càng thấp. Nguồn tiền dễ dàng tiếp cận thường có xu hướng dẫn đến những hành động chấp nhận rủi ro cao hơn. Năm 2009, tỉ lệ này tăng trên mức trung bình của quốc gia từ khoảng 1 đến trên 2.
Theo lịch sử và kinh nghiệm mà các quốc gia phát triển đã trải qua cho thấy, Việt Nam sẽ trải qua một quy trình hồi phục kéo dài, với tăng trưởng tín dụng chậm chạp, tiêu thụ tư nhân yếu, áp lực giảm phát kéo dài, và đầu tư thận trọng. Những gì thực sự đang hỗ trợ tỉ lệ tăng trưởng 5-6% của Việt Nam là dòng chảy vào của các nhà đầu tư nước ngoài, sức cạnh tranh cao của ngành sản xuất cần nhiều nhân công và sự chủ động trong nỗ lực tự do hóa thương mại thông qua những đàm phán như Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại Tự do khu vực châu Âu./.
Xuân Thân/VOV.VN

No comments:

Post a Comment