Thursday, October 2, 2014

Việt Nam chưa thể tính chuyện tiến thẳng vào Kinh tế Tri thức?

(VietNamNet, 29/08/2004)
Ngay từ những "bản thảo" định nghĩa, khái niệm Thế nào là kinh tế tri thức? yếu tố phát triển kinh tế tri thức?... vẫn chưa được các nhà kinh tế học trong nước thống nhất với nhau tại Hội thảo "Việt Nam phát triển kinh tế tri thức như thế nào?".

KTTT - Chưa "thông" từ khái niệm!5.1.jpg


Là một trong những người quan tâm đến vấn đề kinh tế tri thức (KTTT), GS Đặng Hữu lo lắng: "Kinh tế VN vẫn còn thiên về đầu tư hữu hình theo kiểu toàn dân; trong khi đó, đầu tư vô hình, vốn trí tuệ chưa được quan tâm xây dựng và phát huy, cơ chế chính sách vẫn còn mang đậm những tàn dư của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp. Cách điều hành, quản lý của Nhà nước trên thực tế chưa có tác dụng tạo ra những nền móng cho những trụ cột cần thiết của KTTT".

Vậy, với những "chướng ngại vật" đó, phát triển KTTT sẽ phải dựa trên yếu tố nào?
Kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó tri thức đã vượt qua các nhân tố sản xuất truyền thống là đất đai, vốn, lao động... để trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất góp phần vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của mỗi quốc gia.
(Định nghĩa KTTT của PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới)
Giải pháp mà GS Đặng Hữu đưa ra là: tăng cường năng lực nội sinh của dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế; đổi mới từ nhận thức, tư duy đến chính sách. Sự đổi mới ở đây thể hiện qua các phương diện: kinh tế; doanh nghiệp; giáo dục đào tạo; KHCN; tổ chức quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho cái mới được nhanh chóng nảy sinh, trí sáng tạo phát triển, các nhân tố mới được khuyến khích và nhân rộng. Tiêu đề quan trọng nhất cho những đổi mới nói trên, theo khẳng định của GS Hữu, là đổi mới tư duy.
Cho rằng những ý kiến trên của GS Đặng Hữu còn quá "tham vọng", chưa sát với cốt lõi của phát triển KTTT, ông Trần Việt Phương, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ lên tiếng: Không thể "bê" tất cả những thành tựu về mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học... của các nước Âu Mỹ về áp dụng vào Việt Nam và xem đó là mục tiêu, giải pháp để phát triển KTTT ở ta đượcĐấy là chưa nói những thành tựu, những cái "hay ho" đó của các nước Âu Mỹ mới chỉ được biết qua lời của một số chính khách, nhà doanh nghiệp các nước đó. Trong khi thực tế, khoảng cách giữa nói và làm là vô cùng lớn. Các nước Âu Mỹ chưa chắc đã đạt được huống gì áp dụng ở một nước đang lạc hậu như Việt Nam?!.
Theo ý kiến của ông Phương, không nên mở quá rộng quan niệm về KTTT ở Việt Nam mà cần phải thu lại sao cho trọng tâm, cho trúng bản chất cốt lõi của KTTT. Vì nếu không xác định đúng cốt lõi của KTTT sẽ dẫn đến những chính sách, những giải pháp sai lầm trong phát triển KTTT sau này.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của PGS Võ Đại Lược: "GS Đặng Hữu đã nêu ra 6 đặc trưng chủ yếu của KTTT gồm tri thức là yếu tố quyết định nhất, sự chuyển đổi nhanh cơ cấu, CNTT và viễn thông được ứng dụng rộng rãi, hệ thống giáo dục học tập suốt đời và xã hội học tập, nền kinh tế có tính toàn cầu, sáng tạo để tồn tại và cạnh tranh. Tuy nhiên, 6 đặc trưng này hầu như là những đặc trưng thuộc về lực lượng sản xuất, thiếu vắng những đặc trưng về quan hệ sản xuất, về kinh tế... Chẳng hạn, quan hệ sở hữu, phân phối sẽ thế nào, có còn là nền kinh tế thị trường không, nó sẽ vận động theo những quy luật kinh tế nào...".
Ông Lược đề nghị: "Cần có một định nghĩa hợp lý về KTTT, sau đó mới nói đến nước ta có thể và phải làm gì".
Phải có một ban soạn thảo chiến lược phát triển KTTT!
So sánh một số chỉ tiêu cơ bản của Việt Nam với một số nước láng giềng và trong khu vực, theo nghiên cứu của một số tổ chức như WB, UNDP..., PGS.TS Lưu Ngọc Trịnh, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng: dù xét trên chỉ tiêu nào thì Việt Nam vẫn ở một điểm xuất phát rất thấp so với các nước khác trên con đường tiến tới nền KTTT, vẫn là một nước nghèo, lạc hậu. Do đó, hiện nay Việt Nam chưa thể sớm tính đến câu chuyện tiến thẳng vào nền KTTT!
Bởi theo phân tích của PGS Trịnh: Nếu cứ nhất mực đòi tiến vào nền KTTT, có thể Việt Nam sẽ lại gặp một số sai lầm, cụ thể, đó là nguy cơ tái diễn các sai lầm của chiến lược "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng" trước đây trong khi nước ta lại là một nước nông nghiệp nhưng lại chọn cách tiếp cận hẹp, tức là coi KTTT là nền kinh tế công nghệ cao, nền kinh tế thông tin rồi sau đó mới cố gắng thực hiện nó.
Trái ngược với quan điểm trên của PGS Trịnh, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo lại cho rằng: Tuy chúng ta có xuất phát điểm thấp, chưa có nhiều lợi thế nhưng vẫn phải tính đến việc phát triển nền KTTT vì đó là "xu thế tất yếu của sự phát triển và toàn cầu hoá".
GS Vũ Đình Cự có ý kiến: Một trong những điều cần đề xuất ngay với Đảng và Nhà nước để sớm thực hiện, đó là cho phép thành lập một tổ chức có tầm cỡ, quy mô quốc gia để vạch ra những chiến lược phát triển KTTT cho đúng đắn. Trên cơ sở đó, đặt ra lộ trình chuẩn bị và triển khai thực hiện.

Năm 1996, OECD đưa ra định nghĩa: "KTTT là những nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức thông tin.
Đến năm 2000, OECD và APEC đã điều chỉnh lại "KTTT là nền kinh tế trong đó có sự sản sinh ra, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của của, tạo việc làm trong tất cả các ngành kinh tế".
Chia sẻ quan điểm trên, GS Chu Hảo, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ KH & CN bổ sung thêm: Việc thành lập một tổ chức hay Ban soạn thảo có nhiệm vụ vạch ra chiến lược, lộ trình phát triển KTTT có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ban soạn thảo này sẽ phải thực hiện 3 nhiệm vụ: Thứ nhất, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế học của KTTT; thứ hai, vạch ra chiến lược thực hiện KTTT; thứ ba, đề ra một số biện pháp thực hiện trước mắt để tiến tới KTTT.

Bắt đầu từ "cải tạo giống nòi"?
Bốn kế sách" mà TS. Nguyễn Xuân Thu, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất nhằm tạo sự đột phá tăng cường tiềm lực phát triển KTTT, rút ngắn quá trình CNH - HĐH là: Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ đủ sức làm động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế / phát triển xã hội và bảo vệ môi trường / phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao / đổi mới phương thức đầu tư và các giải pháp về chính sách.
Riêng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, TS Thu đưa ra mục tiêu: từ nay đến 2010, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nước lên 40 - 50% (hiện nay mới khoảng 30%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ CĐ và ĐH trở lên đạt khoảng 10 - 15% (so với 8% hiện nay); đảm bảo có được đội ngũ giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH có chất lượng nhiều mặt ngang với chuẩn mực khu vực. Đặc biệt, phải đào tạo đội ngũ doanh nhân giỏi có trình độ cao để hội nhập quốc tế có hiệu quả. Cụ thể, từ nay đến 2010, mỗi năm đào tạo hàng nghìn doanh gia giỏi và khoảng 1 triệu lao động kỹ thuật lành nghề cho các ngành kinh tế quốc dân...
Cho rằng cần thiết phải cải tạo giống nòi vì đây là điều kiện tiên quyết để phát triển KTTT, PGS Ngô Doãn Vịnh đề nghị: Vấn đề cải tạo giống nòi phải được đặt ra cấp bách và phải được làm thật tốt. Việc cải tạo và phát triển nòi giống phải gắn liền với đổi mới tư duy về nhân đạo hiện đại. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải có quyết sách về việc cho ra đời những thai nhi thế nào có lợi nhất. Đồng thời, phải tổ chức cung cấp thông tin một cách đầy đủ kịp thời cho nhân dân mới có thể xây dựng thành công nền KTTT ở Việt Nam.
Nói thêm về sự cần thiết phải cải tạo giống nòi, PGS Vịnh dẫn kinh nghiệm trên thế giới, đặc biệt là một số nước trong khu vực châu Á có thể trạng tương tự người Việt Nam: "Người Nhật Bản sau 9 năm đã tăng chiều cao cho thanh niên của họ thêm 10cm và tăng trọng lượng thêm 4kg. Người Singapore sau 4 năm xây dựng được nguồn nhân lực có thể so sánh được với các nước phát triển. Ngay từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước, người Anh và người Nhật Bản đã không cho những thai nhi không bình thường ra đời và họ cho đó là nhân đạo hiện đại".
Ngoài giải pháp cải tạo giống nòi, PGS Vịnh còn đề xuất thêm một số giải pháp mà cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để có thể so sánh quốc tế; tạo khung khổ pháp lý đầy đủ có tính tới điều kiện hội nhập quốc tế. Trong đó, phải có cơ chế, chính sách về cải tạo và phát triển giống nòi, về tăng cường chất lượng giáo dục đào tạo, thu hút nhân tài từ bên ngoài và về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân cũng như cơ chế, chính sách hội nhập KTTT; tổ chức thực hiện chủ trương phát triển nền KTTT sao cho toàn xã hội phải có chương trình hành động cụ thể cho tất cả các ngành, các cấp. Trong chương trình hành động đó, phải nói rõ ai làm gì, bao giờ và làm như thế nào; đồng thời, phải có chế tài cụ thể đối với mọi chủ thể, tránh tình trạng coi việc phát triển KTTT chỉ là nhiệm vụ của một số người có trách nhiệm.
Quan trọng hơn cả, theo PGS Vịnh, là phải có chiến lược phát triển KTTT. "Đây là bộ phận không thể thiếu trong chiến lược CNH - HĐH của nước ta" - ông Vịnh khẳng định.

Nguyệt Minh

No comments:

Post a Comment