Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề kiêm Giám đốc quốc gia dự án “tăng cường kỹ năng nghề” trình bày tại hội thảo sáng nay tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh
Bên lề hội nghị “tăng cường kỹ năng nghề” diễn ra hôm nay 21-8 tại Cần Thơ, bà Trần Liên Hương, Trưởng phòng Kế hoạch- Đầu tư thuộc Ban quản lý dự án này, cho biết do có sự khác nhau về cách tính thời gian giữa ADB và Việt Nam nên mới dẫn đến việc chậm trễ trong giải ngân vốn ODA của dự án. “Phía ADB tính kể từ ngày họ thông qua khoản vay (7-2010), trong khi đó, chúng ta lại tính kể từ ngày khoản vay có hiệu lực, tức từ tháng 2-2011”, bà Hương dẫn chứng.
Ngoài ra, theo bà Hương, vướng mắc về mức lương thuê chuyên gia tư vấn; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác thực hiện dự án; hay năng lực của một số trường có nhu cầu sử dụng vốn từ nguồn vay ODA hạn chế…, cũng là các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc giải ngân.
Thông tin từ Ban quản lý dự án này, cho biết tổng vốn đầu tư của dự án là 78 triệu đô la Mỹ (ban đầu đưa ra mốc thời gian thực hiện là từ 2011-2015- PV), trong đó vốn vay từ ADB tương đương 70 triệu đô la Mỹ và vốn đối ứng của Việt Nam là 8 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề kiêm Giám đốc quốc gia dự án “tăng cường kỹ năng nghề”, riêng phần vốn vay từ ADB được chia làm 2 khoản: khoản vay trị giá 50 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn vay ưu đãi (ADF) với thời hạn vay là 32 năm, trong đó có 8 năm được ân hạn, lãi suất áp dụng trong thời gian ân hạn là 1%/năm và 1,5% trong những năm tiếp theo; khoản vay trị giá 20 triệu đô la Mỹ từ nguồn vốn kém ưu đãi hơn (ADF Hard term) có lãi suất cố định 2,22%/năm trong suốt thời hạn vay là 32 năm.
Đứng trước tình hình trên, Ban quản lý dự án này đã làm thủ tục xin gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời gian giải ngân vốn thêm 1,5 năm,so với kế hoạch ban đầu đối với khoản vay ưu đãi (ADF).
Riêng đối với khoản vay ADF Hard term, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang làm thủ tục đề nghị ADB cho các trường được gia hạn thời gian làm thủ tục xin vay vốn ở gói 20 triệu đô la Mỹ thêm 1 năm, tức đến ngày 30-6-2015.
Theo ông Lân, mục tiêu của dự án nhằm giúp các trường cao đẳng, trung cấp nghề trang bị thêm cơ sở vật chất, thiết bị, kỹ năng…., giúp nâng cao khả năng đào tạo của trường hay nói cách khác nâng cao tay nghề cho học viên ở một số ngành, nghề như: công nghệ ô tô, hàn, cắt gọt kim loại, điện/điện tử công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp, điều khiển tàu biển, vận hành và sửa chữa thiết bị lạnh, quản trị/lập trình mạng máy tính, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị khách sạn….
Trung Chánh
No comments:
Post a Comment