Friday, October 3, 2014

Thủy điện Sông Tranh 2: Động đất và an toàn Đập – trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 26.09.2012, TS Nguyễn Bách Phúc đã trả lời Phóng viên báo Lao Động. Sau đây là nguyên văn các câu hỏi và các câu trả lời.


Là nhà khoa học, ông đã từng đến thủy điện Sông Tranh 2 ngay sau khi xảy ra sự kiện nước chảy ào ào ra mặt hạ lưu của thân đập, mà theo chủ đầu tư thì chỉ là “hiện tượng nước thấm qua khe nhiệt”. Ông đã chỉ ra 4 “nghi vấn”, cho dù  chủ đầu tư khẳng định là đã an toàn sau khi khắc phục. Ông lại càng không yên tâm khi tình trạng động đất đã liên tiếp xảy ra ở Bắc Trà My. Ông đánh giá thế nào về tình trạng động đất hiện nay?
 Trả lời: 
Trước “hiện tượng” Sông Tranh, dư luận có các luồng ý kiến: 

1-     Thủy điện Sông Tranh 2( TĐST2) đã được thiết kế và xây dựng trên địa điểm có nhiều mảng đứt gãy địa chất, nguy cơ động đất sẽ thường xuyên đe dọa con đập và hồ chứa, hậu quả tai hại khôn lường.
2-     TĐST2 đã được xây dựng với chất lượng rất thấp, mới vận hành  chưa đầy 1 năm đã xuất hiện những sự cố hết sức trầm trọng (mặc dù vẫn được Cơ quan Giám định chất lượng Nhà nước đánh giá là tốt), và trầm trọng hơn là vừa qua mới chỉ được sửa chữa qua quýt, mà vẫn được Cơ quan Giám định chất lượng Nhà nước công nhận là đã đảm bảo, từ đó dẫn đến nỗi lo lắng rằng nguy cơ vỡ đập là rất lớn dù chỉ có những trận động đất kích thích nhỏ.
3-     Gần đây, thực tế đã lại liên tục xảy ra động đất, động đất ngày càng mạnh, khiến người dân rơi vào tình cảnh bất an hoảng loạn như báo chí đã phản ảnh. Thế nhưng, một đoàn các nhà khoa học, cùng với Chủ đầu tư, với 2 tay không, bằng người trần mắt thịt, đi khảo sát mấy ngày trên mặt đất ở vùng Bắc Trà My, lại đã hùng hồn tuyên bố rằng động đất không có gì nguy hiểm, Đập vẫn an toàn và đủ điều kiện để tích nước trở lại. Dư luận buộc phải đặt câu hỏi đâu là sự thật về khả năng an toàn của con đập.
4-     Một câu hỏi hết sức bức xúc của dư luận, ai là người chịu trách nhiệm nếu con đập bị vỡ? trách nhiệm đến đâu và pháp luật sẽ xử lý thế nào?
 Đánh giá về động đất ở Bắc Trà My, quan điểm của tôi là phải có “cái nhìn” khoa học về sự kiện, không thể nhận định theo kiểu “thầy bói sờ chân voi”. Tôi không chuyên ngành về động đất nên không thể bàn sâu về các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề, chỉ có thể có vài ý kiến có màu sắc phương pháp luận khoa học mà thôi.
 Về luồng ý kiến thứ nhất: 
Cần thiết phải kiểm tra lại toàn bộ Phần tính toán thiết kế của Công trình Thủy điện sông Tranh 2, bao gồm Dự án đầu tư, Thiết kế kĩ thuật, Thiết kế thi công, trong đó có tính đến điều kiện địa chất sở tại không, có tính đến các đứt gãy địa chất của vùng Bắc Trà My không. Nếu từ đầu đã quan tâm tính toán đến vấn đề này, thì còn cần phải  kiểm tra lại tất cả các tính toán ban đầu có đúng và chính xác không.
Nếu kết quả kiểm tra cho thấy: từ đầu đã quan tâm đến điều kiện địa chất và mọi tính toán  đều đúng đắn và chính xác, (và thi công hoàn toàn đúng theo thiết kế), thì hoàn toàn có thề yên tâm rằng Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ không bị vỡ, dù có bao nhiêu động đất kích thích, mọi người khỏi phải lo lắng gì cả.
Còn nếu kết quả kiểm tra là ngược lại, thì phải có biện pháp xử lí ngay, kể cả biện pháp từ bỏ đập và hồ thủy điện này.
Về  luồng ý kiến thứ hai:
Nếu mối lo lắng thứ nhất được giải tỏa, cần thiết phải kiểm tra nghiêm túc, để xác định chính xácnhững sai phạm trong thi công xây dựng đập, những sai phạm trong xử lí sự cố vừa qua, từ đóxác định chính xác phương pháp sửa chữa đập và tiến hành sửa chữa nghiêm túc.
Nếu làm được điều này thì mọi người yên tâm, không sợ gì các đợt động đất kích thích, kể cả những trận động đất chưa vượt quá cấp độ cho phép theo thiết kế.
Còn nếu kết quả kiểm tra và kết quả sửa chữa là ngược lại, thì đập Sông Tranh 2 chắc chắn sẽ vỡ, dù có động đất hay không, dù động đất lớn hay nhỏ.
Về  luồng ý kiến thứ ba:
Theo chúng tôi nghĩ, đoàn các nhà khoa học nọ, cùng với Chủ đầu tưkhông có khả năng đưa ra kết luận, và nhất là họ không có thẩm quyền đưa ra kết luận về an toàn của Đập.
Nhưng tại sao họ lại đưa ra kết luận?
Theo các Nghị định của Chính phủ thì chức năng nhiệm vụ đó thuộc về cơ quan giám định chất lượng các công trình xây dựng của Nhà nước. Tiếc thay, Cục Giám định chất lượng nhà nước vẫn khăng khăng là Đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, bất chấp dư luận đã vạch ra những sai sót động trời, những nguy cơ hiển nhiên.
Nhưng tại sao họ lại khăng khăng như vậy?
Trong lúc chưa có những khảo sát và tính toán khoa học để đánh giá nghiêm túc, chính xác về động đất ở Bắc Trà My, xin đừng vội nói đến hai chứ “an toàn” hoặc đưa ra lời khuyên “dân hãy yên tâm sống”.
Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ đã quyết định chưa cho tích nước trở lại vào con Đập. Đó là một quyết định sáng suốt, mặc dù Chính phủ vẫn “chiều chuộng” Cục Giám định chất lượng Nhà nước và EVN mà nói rằng “Đập hoàn toàn an toàn”! Cũng may, phải nói thực chất Chính phủ cũng hiểu rằng Đập không an toàn, nên mới có quyết định sáng suốt như vậy.
Về  luồng ý kiến thứ tư:
Câu hỏi ấy có thể trả lời như sau: không có ai chịu trách nhiệm cả! không có ai bị xử lý cả! Nghĩa là nếu đập vỡ thì chỉ có dân Quảng Nam hàng vạn người chịu chết, còn tất cả, Chủ đầu tư, Nhà thầu xây dựng, Cục Giám định chất lượng, các cơ quan cấp trên như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng v.v… đều hoàn toàn phủi tay vô can, vì không có điều luật nào chế tài.
Có lẽ cũng vì thế mà tất cả các quan chức  liên quan đều sang sảng tuyên bố là đập an toàn, không một chút do dự nào.
Cũng vì thế mà chúng tôi cho rằng Quốc hội phải nhanh chóng thông qua Luật về đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng. Chúng tôi đang chuẩn bị kiến nghị gửi Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

No comments:

Post a Comment