Thursday, October 2, 2014

Thu hút FDI: Việt Nam nên học bài Trung Quốc?

Báo Đất việt, Thứ Tư, 13/08/2014 14:09     http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/thu-hut-fdi-viet-nam-nen-hoc-bai-trung-quoc-3052065/     Thu hút FDI, Trung Quốc có nguyên lý rõ ràng: “Tôi tạo cho anh ưu đãi, nhưng anh cũng phải có lợi cho tôi”.
Nhưng họ ứng xử rất tài tình để nhà đầu tư thấy cái lợi mà ham, nhưng cái mất lớn thì ngẫm lâu mới thấy, PGS.TS. Tạ Văn Lợi – Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế - Khoa Thương mại và Kinh tế Quốc tế phân tích.PV:- Thưa ông, mới đây Bộ Tài chính đã đồng tình với đề xuất ưu đãi thuế cho dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) của tập đoàn PTT (Thái Lan). Trong bối cảnh doanh nghiệp FDI đang được ưu đãi quá nhiều, như dự án Formosa, các dự án FDI Trung Quốc (mang cả lao động phổ thông sang Việt Nam)... theo ông phải hiểu cái lý ưu đãi thật nhiều nhưng chưa biết nhận lại gì này thế nào và vì ai, thưa ông?TS. Tạ Văn Lợi: - Câu hỏi này bao hàm quá nhiều vấn đề, tôi xin tách ra như sau.Một là: Thu hút FDI là nhiệm vụ không phải của riêng Bộ Tài chính quyết định, việc ưu đãi trên phải dựa trên các quy định của pháp luật liên quan, các Bộ ban ngành phải căn cứ vào đó để nghiên cứu các ưu đãi.Thứ hai: Đã gọi là ưu đãi thì đương nhiên đương sự được hưởng lợi nhưng vấn đề ở đây là bản thân các dự án này có vị trí quan trọng đến mức nào để có được các ưu đãi tương xứng.Mỗi dự án là một sự hợp tác, đồng thời cũng là một cuộc đấu trí giữa bên đầu tư và nhận đầu tư, cho nhiều ưu đãi, thậm chí biệt đãi mà lợi ích đem lại không như kỳ vọng là thất bại của nước nhận đầu tư. Vì vậy, mục tiêu của ưu đãi không phải cho riêng ai, cho riêng bên nào mà phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên mới đảm bảo tính bền vững. Còn từng tình huống cụ thể từng dự án tôi không có thông tin và dữ liệu để khẳng định nên không đưa ra bình luận gì.
Biểu đồ miêu tả chuyển giao công nghệ tại các dự án FDI
Biểu đồ miêu tả chuyển giao công nghệ tại các dự án FDI
PV:- Trên thực tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước của các dự án FDI hạn chế do những ưu đãi về thuế, việc chuyển giao công nghệ gần như không được thực hiện (do những hạn chế về trình độ của lao động VN và thiếu ràng buộc pháp lý) hay nói cách khác, Việt Nam chỉ tham gia gia công sản phẩm. Điều này phần nào được thể hiện qua đóng góp của khu vực FDI trong GDP. Tuy giá trị xuất khẩu rất lớn nhưng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP chỉ khoảng 18% (theo số liệu của TCTK), thưa ông?TS Tạ Văn Lợi: - Tôi cho rằng, việc khẳng định đóng góp cho ngân sách của các dự án FDI hạn chế do ưu đãi về thuế là một cách nhìn cảm quan. Đúng ra có thể hiểu chính xác khái niệm “thuế hữu dụng” khác với thuế thu được từ chính dự án đó.Các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới thuế hữu dụng khi ra quyết định đầu tư. Ví dụ: Một dự án đầu tư xi măng tại Việt Nam được ưu đãi thuế TNDN 10% nhưng khi sản xuất tại Việt Nam phải dùng các nguồn đầu vào như điện, nước, … mà các đầu vào này đã phải đóng thuế các khâu trước đó nên làm cho giá thành sản xuất ở môi trường Việt Nam cao hơn ở Thái Lan mặc dù chỉnh phủ Thái Lan không cho ưu đãi thuế TNDN khi đầu tư vào ngành công nghiệp xi măng.Tổng các khoản thuế của tất cả các khâu trong chuỗi được coi là khoản thuế hữu dụng sẽ phản ánh trình độ môi trường kinh doanh có hấp dẫn hay không. Chẳng dại gì mà nhà đầu tư chọn nơi có ưu đãi thuế cao nhưng chi phí sản xuất vẫn cao để thực hiện dự án.Còn về chuyển giao công nghệ thì FDI cũng chỉ là một kênh chứ không phải là duy nhất để kỳ vọng. Hãy xem cách thức Trung Quốc tiếp cận tháp công nghệ thế giới và bài học Thâm Quyến để thấy rõ cách tiếp nhận công nghệ thế giới. Nên tôi xin phép chỉ coi đây là sự băn khoăn của người hỏi hơn là câu hỏi.PV:- Theo ông, cách nhìn nhận và ứng xử với đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay đang như thế nào mà lại xảy ra tình trạng chỉ cho mà chưa đòi nhận như trên?TS Tạ Văn Lợi: - Đây cũng là câu hỏi đã có sự khẳng định nên tôi cũng xin đưa ra bình luận cá nhân về cả hai khía cạnh: Cách nhìn nhận và ứng xử đối với “nhà đầu tư nước ngoài”. Tôi xin phép thêm từ “nhà” vì đang nói tới thái độ ứng xử.Việt Nam có cách nhìn nhận đúng và cách ứng xử thời gian qua là tương đối phù hợp. Tính quy luật là FDI chuyển giao từ nước có vốn sang nước không có và Việt Nam phải làm vậy là đúng. Tuy nhiên, sự khéo léo và tài tình khi nhận ra sự chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác và ứng xử đúng mực với các nhà đầu tư quốc tế Việt Nam còn yếu một số khâu:Một là: Chiến lược phát triển kinh tế nói chung và chiến lược cho thu hút FDI còn yếu. Chẳng hạn: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam phải thay đổi từ tư duy tham vọng sản xuất được cả chiếc ô tô hoàn chỉnh sang tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu bằng việc liên kết với các nhà sản xuất lốp ô tô nổi tiếng như Michelin, Bridgestone, Goodyear… để sản xuất được chiếc lốp ô tô tốt nhất có thể sử dụng tại đường đua công thức 1 là sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam) thay vì xuất mủ cao su sang Trung Quốc và nhập khẩu lốp về tiêu dùng như hiện nay.Khi tham gia vào chuỗi ô tô toàn cầu sẽ chấp nhận bước đầu được chia 1%-2% giá trị chuỗi nhưng sẽ phấn đấu gia tăng lên 20%-30% giá trị chuỗi bằng cách tham gia sản xuất thêm các linh kiện khác, chi tiết khác khi trình độ sản xuất các ngành cơ khí, nhựa… được nâng lên.Nếu tham vọng sản xuất được một chiếc ô tô hoàn chỉnh bằng thương hiệu ô tô Việt Nam vô hình trung ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tự coi mình là đối thủ cạnh tranh với các thương hiệu ô tô lớn như TOYOTA, MAZDA, AUDI… và chịu “đòn hội đồng” từ chính các đối thủ này sẽ không thể thành công như bài học thất bại của thương hiệu ô tô Malaysia là PROTON. Thậm chí, khi phát huy chuỗi giá trị mới về chế phẩm cao su thiên nhiên sẽ liên kết với cả Lào và Cambodia là nơi đang phát triển trồng cây cao su thiên nhiên.Hai là: Thiếu tính chủ động mà vẫn ngồi đợi các quyết định của các nhà đầu tư quốc tế đến, nên tất yếu hay đáp ứng nhiều yêu sách của họ hơn là hợp tác phát huy lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Ví dụ trên cho thấy Việt Nam tự đánh mất lợi thế cạnh tranh về cao su thiên nhiên và để lệ thuộc xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc tăng mua thì giá cao nếu giảm mua là giá hạ làm điêu đứng ngành cao su Việt nam.Ba là: Thiếu lộ trình và bước đi cụ thể. Hiện nay, Việt Nam đã qua giai đoạn thu hút ồ ạt FDI mà đã có chọn lọc. Tuy nhiên bước đi như vậy là quá chậm và chưa đủ liều lượng làm lan tỏa FDI cho nhiều ngành nghề. Cho ưu đãi nhưng chưa gắn nhiều với lợi ích của FDI đem lại.Cách nhìn nhận của Trung Quốc và ứng xử của Trung Quốc với các nhà đầu tư khá rõ ràng theo nguyên lý “Tôi tạo cho anh ưu đãi nhưng anh cũng phải có lợi cho tôi”. Nhưng họ ứng xử rất tài tình để nhà đầu tư thấy cái lợi mà ham, nhưng cái mất lớn ngẫm lâu mới thấy.PV:- Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo, việc ưu đãi tối đa cho các doanh nghiệp FDI ở tất cả các lĩnh vực sẽ ép chết những ngành sản xuất tương tự trong nước (đồng nghĩa ép chết doanh nghiệp trong nước). Tới thời điểm này, cảnh báo đó đúng ở mức độ nào? Xin ông phân tích kỹ một vài trường hợp cụ thể?.TS Tạ Văn Lợi:- Theo tôi việc các doanh nghiệp trong nước bị yếu do nhiều nguyên nhân chứ không phải do ưu đãi các doanh nghiệp FDI. Tôi chỉ có thể chỉ ra bất hợp lý về ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nếu không xuất khẩu thì không có lợi, còn nếu doanh nghiệp FDI đầu tư vốn vào Việt Nam nhằm xuất khẩu sang thị trường khác thì đương nhiên phải ưu đãi, thậm chí biệt đãi vì ngoài ưu điểm tạo thêm việc làm, tăng thu ngân sách … các doanh nghiệp này còn chia sẻ lợi nhuận cho người Việt Nam, Nhà nước Việt Nam.Chỉ nên hạn chế ưu đãi với các doanh nghiệp FDI vào nhằm khai thác thị trường nội địa như Cocacola, Unilever… vì cần cân nhắc giữa lợi ích về tạo việc làm, tăng thu thuế, chuyển giao công nghệ… với việc lợi nhuận hằng năm doanh nghiệp FDI chuyển về nước họ. Trong trường hợp này thì doanh nghiệp trong nước mới bị yếu thế chứ không khẳng định là “ép chết” doanh nghiệp trong nước.Theo tôi, doanh nghiệp trong nước bị chết liên quan nhiều đến năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, thiếu chiến lược kinh doanh vv…. là cơ bản.Hãy xem lại 25 năm đổi mới doanh nghiệp Việt Nam đã có doanh nghiệp nào, có sản phẩm nào mang tầm cỡ quốc tế. Nguồn lực quốc gia dồn vào những lĩnh vực chứng khoán và bất động sản là các lĩnh vực không tạo ra của cải vật chất và của cải cho XH, khi siết chặt tín dụng sẽ mất cân đối tài chính, nảy sinh “tín dụng đen” hoành hành, và tất yếu sẽ xảy ra vỡ nợ hàng loạt … trong khi đó sản xuất của nước ta không còn mạnh và có nhiều sản phẩm mới có sức cạnh tranh quốc tế.Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chỉ cần có các nghiệp vụ quản trị tài chính như chuyển vốn từ vùng lãi suất thấp (Mỹ cho vay 2%/năm) sang vùng có lãi suất cao (Việt Nam vay 10-12%/năm) thì tất yếu doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu không có những lợi thế cạnh tranh, lợi thế địa điểm bù lại.PV:- Không thể phủ nhận, dòng vốn đầu tư trực tiếp rất quan trọng đối với những nước đang phát triển như Việt Nam. Liệu ông có thể dẫn ra vài ví dụ về việc ứng xử với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của các nước có điều kiện tương tự như Viêt Nam? Họ đã giải bài toán trao đổi lợi ích như thế nào để người dân của họ được nhiều nhất từ việc đầu tư trực tiếp từ nước ngoài?TS Tạ Văn Lợi:-Câu hỏi này đã được tôi giải thích ở câu hỏi trên, bài học có thể học hỏi ngay từ nước láng giềng Trung Quốc. Giai đoạn đầu thu hút đầu tư Trung Quốc đã tận dụng cơ hội tiếp cận với khách hàng thế giới thông qua việc xây dựng thương hiệu quốc gia trước. Các hàng hóa của những hẵng nổi tiếng như Philip, Sony,… nhưng được “Made in China” trong giai đoạn 1 của chiến lược thu hút FDI thành công sẽ chuyển sang giai đoạn 2 là FDI tạo ra những đối thủ tiềm tàng tại chính Trung Quốc.Giai đoạn này Trung Quốc đã bắt chước và sao chép có cải tiến rất nhiều các sản phẩm từ các nhà đầu tư quốc tế. Giai đoạn 3 là giai đoạn xây dựng và phát triển thương hiệu 100% China. Đã xuất hiện những tập đoàn quốc tế Trung quốc tung ra các sản phẩm 100% thương hiệu Trung quốc như Lenovo, Media… bằng cả cách tăng cường cạnh tranh quốc tế lẫn thôn tính đối thủ khác. Vì vậy, xu thế chuyển dịch đầu tư ra nước khác là tất yếu xuất phát cả từ phía Trung Quốc và các tập đoàn quốc tế khác đang đẩy mạnh cạnh tranh lẫn nhau.Mặt khác, Trung Quốc đã tiếp cận công nghệ quốc tế thông qua cơ chế thu hút FDI của Thâm Quyến thường được biết đến là bài học “Thâm Quyến”. Chính các lao động đã tham gia làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia đã học hỏi được công nghệ và kinh nghiệm quản lý khi quay trở về Trung Quốc lục địa trở thành các chủ cơ sở sản xuất linh kiện cung cấp cho các tập đoàn đó.Những ông chủ này hiểu rất rõ yêu cầu về chất lượng, giá cả… của những linh kiện do các Tập đoàn quốc tế đó. Điều này khác hẳn với thực trạng các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam phàn nàn về ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của họ. Tuy nhiên, khi áp dụng các bài học này cần phải có sáng tạo và mềm dẻo, đặc biệt là phải có cái tâm và có tầm mới đảm bảo xử lý hài hòa bài toán lợi ích này.PV:- Với việc thu hút FDI các nhà quản lý kỳ vọng làm tăng GDP. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng minh chúng ta đang có sự ngộ nhận về GDP và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam. Nguyên nhân của thực trạng cho mà chưa cần nhận này là do chính sách hay do con người, thưa ông? Tới thời điểm này, thay đổi có còn kịp không? Nếu được, chúng ta cần phải thay đổi như thế nào, thưa ông?TS Tạ Văn Lợi:- Các câu hỏi này bao hàm nhiều nội hàm quá rộng mà gộp lại với nhau cũng có phần hơi quá kỳ vọng. Không ai dám khẳng định kỳ vọng thu hút FDI làm tăng GDP. Khái niệm GDP hiện nay có một số hạn chế nên các học giả hay sử dụng GNP mà GNP đã loại giá trị gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi giá trị tổng sản phẩm quốc gia rồi. Vì vậy, cho phép tôi mạo muội trả lời các chính kiến hơn là diễn giải ý nghĩa kinh tế của các nội dung câu hỏi.Theo tôi là cơ hội vẫn luôn có, và Việt Nam vẫn có thể kịp thay đổi. Theo tôi câu thành ngữ tâm huyết của Người Nhật và Đài Loan cho rằng “thành là do con người mà bại cũng do người” .Một đất nước có nhiều tài nguyên, điều kiện thiên nhiên tốt mà không có lực lượng lao động tốt sẽ không giàu có và phát triển bền vững được. Chính người Trung Quốc cũng đã vận dụng chiêu bài “vốn con người” trong bài học Thẩm Quyến nhằm học hỏi công nghệ và kinh nghiệm quản lý của các Tập đoàn quốc tế đầu tư vào Trung quốc.Nếu thay đổi thì xin phép tôi mạo muội đưa ra vài giải pháp mạnh dạn sau đây:Thứ nhất: là thay đổi tư duy kinh tế từ việc coi các chủ thể làm ăn kinh tế (công ty, nhà đầu tư…) là đối tượng bị quản lý nên lúc thì nới lỏng chính sách lúc thắt chặt chính sách như việc ban ơn thì cần coi là đối tượng cần được dịch vụ công. Làm cách mạng phải dựa vào dân thì làm kinh tế phải dựa vào doanh nhân.Không có doanh nhân xứng tầm quốc tế sẽ không có tập đoàn xứng tầm quốc tế. Nếu chỉ dồn nguồn lực quốc gia cho vào các tập đoàn kinh tế nhà nước lớn là chủ quan duy ý chí và làm khổ những ai liều mạng dám quản lý công ty có số vốn lớn đó khi thiếu kinh nghiệm quốc tế. Hãy xây dựng đội ngũ doanh nhân xứng tầm quốc tế trước rồi tự họ tạo ra và tự quản lý được các tập đoàn quốc tế theo khả năng của họ, Nhà nước sẽ là bà đỡ và hậu thuẫn khi cần thiết.Thứ hai: Phải có lộ trình tham gia chuỗi giá trị quốc tế. Xây dựng lại chiến lược mũi nhọn cho các sản phẩm Công-Nông-Ngư nghiệp của Việt Nam trên cơ sở chuỗi giá trị mới nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia trước khi xây dựng thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.Việt Nam nên đầu tư vào con người, tham gia vào các chuỗi giá trị khi thu hút FDI vào các khu chế xuất, đào tạo các kỹ sư thâm nhập các nhà máy của người nước ngoài với tư cách người làm thuê. Nhà nước cam kết chỉ thu tiền thuê đất và cung cấp lao động có đào tạo cho các doanh nghiệp nước ngoài tại các khu chế xuất. Không thành lập tràn lan các khu công nghiệp như hiện nay. Khuyếnh khích các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư thiết bị công nghệ cao với nhiều ưu đãi.Thứ ba: Về phương châm hành động cũng nên để doanh nhân tích cực tham gia kinh doanh quốc tế thay vì để nhóm lợi ích phất lên nhờ kinh doanh bất động sản trong nước, buôn bán tài nguyên gỗ, mỏ khoáng sản trong nước. Nhà nước nên cùng doanh nhân xây dựng thương hiệu Việt Nam trước khi thương hiệu Công ty và thương hiệu sản phẩm. Các tham tán và đại sứ Việt Nam ở nước ngoài phải có nhiều hành động cụ thể để xúc tiến thương mại bên cạnh các sứ mệnh ngoại giao. Có chương trình cụ thể để doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam đi ra với thị trường quốc tế, có lộ trình rõ ràng để xây dựng các mục tiêu cụ thể hơn trong kinh doanh quốc tế và khu vực.Thứ tư: Về phía các doanh nghiệp cũng cần phát huy hơn nữa vai trò, động cơ và nghĩa vụ tham gia kinh doanh. Các doanh nghiệp không nên vì những lợi ích trước mắt mà bỏ qua những cơ hội kinh doanh quốc tế mang lại những vinh danh cho đất nước.Tập trung nhiều cho nghiên cứu và phát triển nhằm tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu thay vì xuất khẩu các nguyên vật liệu thô như cao su, cà phê, quặng vv.. giai đoạn đầu nên tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần làm chủ các chuỗi giá trị toàn cầu như nhiều hãng tên tuổi như Toyota, Metro, Walmark vv… Mỗi lĩnh vực và ngành hàng đều có các doanh nghiệp làm chủ chuỗi nên các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động tham gia và hình thành các chuỗi giá trị của riêng mình mới có thể cạnh tranh quốc tế.PV: Xin cảm ơn ông!

No comments:

Post a Comment