Wednesday, October 1, 2014

Thi cử như là sự phản tư của giáo dục

Thesaigontime, ngày 24/08/2014,   http://www.thesaigontimes.vn/119102/Thi-cu-nhu-la-su-phan-tu-cua-giao-duc.html,         Làm sao để tổ chức được một kỳ thi quốc gia thực sự nghiêm túc, khách quan và thấu đáo để từ đó có sự đánh giá chính xác việc dạy và học, phân loại và lựa chọn được người giỏi? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những khúc mắc đó và khép lại diễn đàn đã được khởi đăng trên TBKTSG từ số báo ra ngày 7-8-2014.


Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị các phương án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp PTTH, đại học lại với nhau và thực hiện ngay trong năm 2015 tới. Như vậy, câu chuyện gộp chung hai kỳ thi này không còn ở mức bàn xét có nên làm hay không, mà đã chuyển sang làm như thế nào cho đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, trước khi bàn nên làm như thế nào, lại phải trả lời vài câu hỏi liên quan, như sau:
- Thực hiện từ 2015 liệu có quá sớm?
- Liệu có dung hòa được hai kỳ thi có tính chất rất khác nhau?
- Liệu có giữ được sự nghiêm túc của kỳ thi mới?
- Thi để làm gì?
Với câu hỏi thứ nhất, quả thực tiến hành việc này từ năm 2015 là hơi gấp gáp. Lý tưởng nhất là cần có thời gian chuẩn bị ba năm, khi đó các em vào lớp 10 sẽ biết mình thi cử theo hình thức nào. Như vậy là công bằng cho các em, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không bị mang tiếng là điều hành kiểu độc đoán, “giật cục”.
Nếu để ba năm nữa thì sẽ là 2017, tức nhiệm kỳ của vị bộ trưởng mới chỉ vừa bắt đầu được một năm. Lúc này, trọng tâm hoạt động của bộ trưởng mới là tập trung xây dựng ê kíp làm việc, chứ không phải là các hoạt động cải cách. Chờ thêm ba năm nữa, sự đổi mới này chưa chắc đã được thực hiện, mà nếu có thực hiện thì cũng chưa chắc đã tốt, vì nó không phải là mối quan tâm hàng đầu của vị bộ trưởng mới.
Kinh nghiệm cho thấy, những cuộc chuyển đổi đáng kể thường rơi vào giai đoạn chuyển giao, tức cuối nhiệm kỳ của vị lãnh đạo đương nhiệm. Vậy nên, tuy thực hiện ngay trong năm 2015 là gấp gáp với học sinh, nhưng xét cho cùng, lại là thời điểm hợp lý đối với lãnh đạo.
Như vậy là các em học sinh tuy chịu cảnh cập rập, nhưng cuộc đổi mới có thể được thực hiện. Chỉ hy vọng đây là lần vất vả cập rập cuối cùng mà các em phải gánh chịu.
Với câu hỏi thứ hai, liệu có thể gộp hai kỳ thi có tính chất hoàn toàn khác biệt với nhau không, câu trả lời là có thể. Kỳ thi tốt nghiệp PTTH có mục tiêu là đánh giá năng lực tối thiểu cần đạt, chủ yếu là kiến thức học được.
Ai vượt qua mức tối thiểu này là đỗ. Còn kỳ thi đại học có mục đích lựa chọn những người giỏi nhất, cũng chủ yếu về kiến thức sách vở. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp sẽ loại ra những người kém nhất, còn kỳ thi đại học sẽ lọc lấy những người khá nhất. Do đó, tất yếu có sự chênh lệch về mức sàn cho hai kỳ thi này.
Hiện nay, điểm sàn của kỳ thi tốt nghiệp hiện có cũng như không, vì tỷ lệ đỗ lên đến 99%. Còn kỳ thi đại học, mức sàn cũng chẳng cao gì, khi điểm sàn khối A năm 2014 chỉ là 13 điểm. Nếu tính cả điểm ưu tiên khu vực và chính sách, thì điểm trung bình mỗi môn dưới 4 vẫn có thể đỗ đại học như thường.
Về mặt kỹ thuật, để gộp hai kỳ thi này, chỉ cần đặt một mức sàn ở giữa mức sàn của hai kỳ thi. Làm như vậy, kỳ thi mới sẽ vừa thực hiện chức năng lọc bớt những học sinh không đạt mức sàn này, vừa phân loại được năng lực học sinh để các đại học sử dụng trong việc tuyển sinh. Trong xu thế đại chúng hóa giáo dục đại học, sự tiến gần của hai mức sàn này là tất yếu.
Kết quả hiển nhiên của việc đặt lại mức sàn này là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức 99% hiện thời. Nhà quản lý căn cứ trên nhu cầu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng và nhu cầu lao động giản đơn của xã hội mà điều chỉnh sàn, để có tỷ lệ đỗ hợp lý. Hiện chưa rõ con số cụ thể là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ thấp hơn con số 99% đỗ tốt nghiệp rất nhiều.
Vậy số học sinh thi trượt sẽ làm gì? Không lẽ các em đi học 12 năm mà lại tay trắng? Liệu các em và gia đình có chấp nhận việc này, hay lại tìm mọi cách “chạy chọt” để có mảnh bằng tốt nghiệp phổ thông trong tay? Rất khó để đưa ra phán đoán chính xác về phản ứng tâm lý này của xã hội. Nhưng có thể khắc phục bằng giải pháp kỹ thuật: Cấp giấy chứng nhận học xong bậc PTTH cho các em đã học hết lớp 12. Đây chỉ là giấy chứng nhận đã học xong chứ không phải bằng tốt nghiệp, vì không qua thi cử.
Vấn đề còn lại là đặt tên kỳ thi mới này như thế nào cho hợp với yêu cầu mới? Vẫn dùng tên cũ là kỳ thi tốt nghiệp PTTH, hoặc kỳ thi tuyển sinh đại học, hay dùng một tên hoàn toàn khác? Cá nhân tôi cho rằng, nên gọi kỳ thi này là kỳ thi tú tài. Tên gọi này tuy mới, nhưng lại không mới, vì trước đây đã từng sử dụng. Những người đỗ kỳ thi này sẽ được cấp bằng tú tài, được xét tuyển vào các đại học, cao đẳng. Còn người không đỗ thì chỉ có giấy chứng nhận đã học xong bậc PTTH, có thể ra đi làm ngay hoặc học nghề. Tất nhiên, người có bằng tú tài muốn học nghề hoặc đi làm thì tùy ý.
Để tránh bệnh thành tích luôn có xu hướng nâng tỷ lệ đỗ lên gần 100%, tỷ lệ đỗ của kỳ thi tú tài nên được khống chế cứng. Chẳng hạn, kỳ thi lần một, tỷ lệ đỗ lấy cứng là 50%, trong đó 10% cao nhất sẽ được xếp loại xuất sắc, 10% tiếp theo là loại giỏi, 10% sau đó là loại khá và còn lại là trung bình. Những em thi trượt, có thể sẽ được thi lại lần hai, lần này cũng lấy đỗ tối đa 50%, đều xếp loại trung bình. Như thế tỷ lệ đỗ tối đa cả hai lần chỉ là 75%. Những người trượt cả hai kỳ thi, nếu muốn thì năm sau vẫn có thể đăng ký thi lại để lấy bằng tú tài.
Với câu hỏi thứ ba, là câu hỏi khó nhất khi thực hiện: Liệu có giữ được sự nghiêm túc của kỳ thi này?
Hiện thời, kỳ thi tốt nghiệp vẫn bị cho là không nghiêm túc, vì tỷ lệ đỗ cao một cách đáng ngờ, và nhiều bằng chứng cho thấy sự thiếu nghiêm túc đã xảy ra trong lúc thi cử. Còn kỳ thi đại học từ trước đến nay vẫn được coi là nghiêm túc, do được tổ chức chủ yếu ở các thành phố và giám sát trực tiếp bởi các trường đại học.
Nhưng khi gộp lại như vậy, và đặc biệt là khi tổ chức ở địa phương, thì tính nghiêm túc của kỳ thi này có được đảm bảo?
Nếu kỳ thi vẫn được tổ chức ở địa điểm cũ, là các trường PTTH, giám sát và chấm thi bởi những người cũ, tuân theo một cơ chế cũ, thì rất khó kỳ vọng một sự đột phá về tính nghiêm túc. Vậy nên, tham gia tổ chức và giám sát kỳ thi này, nhất định phải có sự tham gia của các trường đại học, nơi sẽ dùng kết quả để tuyển sinh.
Tốt hơn hết là kỳ thi này được tiến hành bởi một tổ chức khảo thí độc lập. Nếu không thì “mèo lại hoàn mèo”.
Đến đây thì thấy rằng, toàn bộ những bàn thảo về việc tổ chức kỳ thi này có thể được rút gọn thành một bàn thảo duy nhất: Làm sao để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc? Câu hỏi này hiển nhiên về lý thuyết, mà nhức nhối trên thực tế.
Dù biết đảm bảo sự nghiêm túc của kỳ thi này là một sự khó khăn rất lớn, nhưng nhất định phải thực hiện.
Không lẽ bệnh giả dối đã ăn vào máu của hệ thống này, không thể gột bỏ, hoặc chí ít là giảm thiểu?
Với câu hỏi cuối cùng: Thi để làm gì? Đây là câu hỏi rất cơ bản, không thể né tránh mà không trả lời mỗi khi bàn đến việc thi cử.
Thoạt nhìn thì thấy rằng thi cử bao giờ cũng để đánh giá năng lực thí sinh. Việc đánh giá này có thể dùng vào mấy việc sau: i) Để nhìn lại việc dạy và học, từ đó có những cải thiện cần thiết; ii) Để cấp chứng chỉ hoặc bằng cấp cho những người vượt qua mức tối thiểu; iii) Để phân loại và lựa chọn người giỏi.
Kỳ thi gộp chung này mang đủ cả ba đặc trưng này: Kết quả thi cử sẽ được các trường sử dụng để nhìn lại việc dạy và học, từ đó có những cải thiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; những người đỗ sẽ được cấp bằng; các trường đại học, cao đẳng sẽ dùng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh.
Tuy nhiên, về mặt triết học, thi cử chính là một sự phản tư của giáo dục. Cũng giống như con người, nhờ phản tư mà họ trưởng thành vượt bậc. Con người, nhờ động tác tách mình ra để hỏi “Người là gì?” đã nâng mình lên khỏi đời sống của động vật và mở ra những không gian tinh thần mênh mông cho đời sống con người. Nói cách khác, phần người được hình thành nên từ chính việc hỏi “Người là gì?”.
Giáo dục cũng vậy, giáo dục muốn trưởng thành thì cũng phải có sự phản tư. Đó là động tác giáo dục tách ra khỏi mình để nhìn lại mình. Một trong những hình thức cụ thể của sự phản tư đó chính là thi cử.
Đặc điểm của sự phản tư là nghiêm túc, khách quan và thấu đáo. Nếu phản tư mà không nghiêm túc thì sẽ chỉ là tự ru ngủ. Không khách quan thì không thể phản tư. Còn không thấu đáo thì sẽ không đánh giá được hết các khía cạnh của sự việc, và không mang lại những thông tin có ý nghĩa.
Nếu áp những tiêu chuẩn này vào thi cử, thì sẽ thấy, cũng giống như sự phản tư, yêu cầu hàng đầu của thi cử là nghiêm túc. Nếu không, kỳ thi sẽ trở thành vô nghĩa. Kỳ thi cũng cần phải khách quan, vậy nên, tốt nhất là được tổ chức bởi một tổ chức khảo thí độc lập. Và cuối cùng là thấu đáo, tức thay vì chỉ đánh giá kiến thức sách vở như hiện hành, kỳ thi này cần tiến tới đánh giá năng lực tổng thể, trong đó bên cạnh đánh giá kiến thức, thì quan trọng không kém là đánh giá kỹ năng và xa hơn là thái độ.
Mà để làm được thế, thì việc dạy kỹ năng và thái độ sống phải được tiến hành trước. Nói cách khác, cái gốc là việc dạy và học vẫn phải thực hiện trước, sau đó mới đến cái ngọn là thi cử.
Giáp Văn Dương

No comments:

Post a Comment