Friday, October 3, 2014

Thế giới nóng bỏng trước giá nhiên liệu tăng cao

Giá nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua đã trở thành vấn đề nóng bỏng làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của con người cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế thế giới.


Các nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng cao như hiện nay là do Israel cảnh báo sẽ tấn công Iran - nước có trữ lượng dầu lớn thứ ba thế giới, nếu Tehran không ngừng chương trình vũ khí hạt nhân; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến tăng lãi suất khiến đồng USD trượt giá; và giới đầu tư đổ xô mua dầu khi có dự báo giá dầu ngọt nhẹ sẽ tăng lên 150 USD/thùng...

Trước vấn đề này, ngày 8-6, Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nước công nghiệp phát triển G-8 đã nhóm họp tại Aomori để thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng và tình trạng biến đổi khí hậu. Các đại biểu đã tập trung bàn về sáng kiến hợp tác quốc tế trong việc tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng sạch, trong đó yêu cầu xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng ở từng nước. Đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất dầu tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu về giá dầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, sẽ không ra quyết định mới cho tới khi nhóm này họp ở Viên vào ngày 9-9 tới.

Quả thực, giá nhiên liệu tăng cao không chỉ là nguyên nhân gây lạm phát lớn cho nhiều quốc gia, mà còn gây bất ổn về an ninh trên toàn thế giới. Ngày 10-6, tại Tây Ban Nha và Pháp, khoảng 90.000 tài xế đã bỏ việc để tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao, khiến các hoạt động giao thông bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, giá dầu nhập khẩu tiếp tục tăng đã đẩy mức thâm hụt ngân sách thương mại Mỹ lên cao nhất trong vòng một năm qua, với hàng chục tỷ đôla.

Trong khi nền kinh tế Mỹ, châu Á và nhiều nước châu Âu đang khốn đốn vì giá dầu tăng cao và khan hiếm nguồn nhiên liệu, thì kinh tế châu Phi đang bắt đầu có những khởi sắc mới với tốc độ tăng trưởng bình quân 5% trong 5 năm qua. Theo nhận định của IMF, châu Phi đang ở giai đoạn tốt nhất của phát triển bền vững và lạm phát thấp. Một trong những yếu tố quan trọng khiến kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh trong những năm qua là giá dầu và các tài nguyên khác như vàng, bạch kim, quặng sắt... tăng vọt. Chính nhờ những mặt hàng nguyên liệu kể trên, các nước châu Phi đã có thêm vốn đầu tư khiến tốc độ phát triển kinh tế tăng, mở ra nhiều tiềm năng cho châu lục này. Châu Phi đang nằm trong chiến lược của Mỹ để giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ Trung Đông. Theo dự kiến, đến năm 2015, châu Phi sẽ đáp ứng 25% nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ. Ngoài ra, châu Phi - nơi chiếm khoảng 8% sản lượng dầu mỏ và khí đốt toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới trong thời gian tới.

Việc bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó có việc giữ ổn định thị trường dầu mỏ đã trở  thành một trong những ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nếu các nước không hành động ngay thì nền kinh tế thế giới sẽ có nguy cơ rơi vào một   cuộc suy thoái toàn cầu. Các nước cần chung tay để giải quyết cũng như đối mặt với cuộc chiến này bởi những tác động của nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của con người.

No comments:

Post a Comment