Báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015, ông Dũng cho biết, trong năm tài khóa 2015, Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách nhà nước là 5% GDP, tương đương với 226 nghìn tỉ đồng.
Khi đó, dư nợ công năm 2015 sẽ vào khoảng 64,5% GDP “trong phạm vi quy định”, ông Dũng nói.
Bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 là 224 nghìn tỉ đồng, bằng 5,3% GDP, được dùng để có thêm nguồn thanh toán nợ ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Tài chính cho biết, số tiền vượt thu ngân sách dự kiến 52 ngàn tỉ đồng cũng được kiến nghị sử dụng để chi trả nợ, chi một số nhiệm vụ cấp bách như quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính của Quốc hội Phùng Quốc Hiển không khỏi lo âu.
Ông Hiển nhận xét, chi ngân sách nhà nước cho phát triển con người, khoa học, công nghệ giảm dần. Chi đầu tư phát triển giảm quá nhanh không đảm bảo nguyên tắc cân đối chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi ngân sách nhà nước. Cải cách tiền lương không thực hiện được theo lộ trình và mục tiêu đề ra.
Về đề nghị của Chính phủ bội chi bằng 5% GDP trong năm 2015, ông Hiển cho rằng, thực tế mức bội chi phải là 7% GDP nếu cộng với 85 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ.
Điều này có nghĩa là Chính phủ không hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đã được Quốc hội quyết định, theo đó bội chi bao gồm cả trái phiếu Chính phủ chỉ được phép bằng 4,5% GDP.
Tuy nhiên ông Hiển cho biết: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đa số các ý kiến đều đồng tình với phương án Chính phủ trình nhưng đề nghị Chính phủ có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.”
Chính phủ cho rằng, nợ công năm 2015 ước tính lên tới 64,5% GDP vẫn nằm dưới trần nợ công mà Quốc hội cho phép là 65% GDP.
Ông Hiển nói, Uỷ ban Tài chính cho rằng, nợ công vẫn ở dưới mức cho phép nhưng đã chạm mức trần, phản ánh tình hình nợ công đang ở mức rất khó khăn vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, vẫn phải đảo nợ và số đảo nợ ngày càng tăng.
Một số khoản nợ chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công, như vậy áp lực trả nợ đối với ngân sách nhà nước là rất lớn.
No comments:
Post a Comment