Thursday, October 2, 2014

Kinh tế Tri thức: Phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Báo LĐXH, 05/05/2012  - Cho đến nay có nhiều quan niệm khác nhau về kinh tế tri thức (Knowledge economy). Theo cách hiểu chung nhất, kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó việc sáng tạo và ứng dụng tri thức đóng vai trò quyết định trong việc sản xuất ra của cải vật chất.

Còn theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh: Kinh tế tri thức là nền kinh tế mà việc sản sinh ra và khai thác tri thức có vai trò nổi trội trong quá trình tạo ra của cải.
Theo GS.VS Đặng Hữu: Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đặc trưng của nền kinh tế tri thức
Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, song có thể thấy, nền kinh tế tri thức có những đặc trưng cơ bản sau:
1. Tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là vốn quý nhất, là nguồn lực quan trọng hàng đầu quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.
2. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động kinh tế có những biến đổi sâu sắc, nhanh chóng, trong đó cơ cấu sản xuất dựa ngày càng nhiều vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.
3. Cơ cấu lao động trong kinh tế tri thức có những biến đổi so với nền kinh tế tri thức trước đó: Lao động tri thức chiếm tỷ trọng cao (70-90%), nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa, sự sáng tạo, đổi mới, học tập trở thành nhu cầu thường xuyên đối với mọi người.
4. Trong nền kinh tế tri thức, hàm lượng tri thức trong sản phẩm ngày càng cao, quyền sở hữu đối với tri thức trở nên quan trọng hơn những yếu tố như tài nguyên, đất đai.
5. Mọi hoạt động của kinh tế tri thức đều liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa, có tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.
Ngay từ những năm 70 của thế kỷ XX, các quốc gia có nền kinh tế và khoa học công nghệ phát triển đã đề ra những chương trình, chiến lược nhằm hướng nền kinh tế phát triển theo những đặc trưng của kinh tế tri thức. Có thể kể đến những ví dụ điển hình như: từ 1984 đến nay, mỗi năm chính phủ Mỹ chi hàng trăm tỷ USD cho hoạt động khoa học, công nghệ. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, chính phủ Nhật đã dành cho chương trình vi điện tử hơn 100 tỷ USD. Những năm 90 đến nay, nước Nhật đã dành khoảng 3% tổng sản phẩm quốc dân cho hoạt động nghiên cứu và triển khai. Các nước Tây Âu cũng đẩy mạnh hoạt động vào lĩnh vực công nghệ cao, như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, điển hình là các nước Đức, Pháp, Italia, Anh, Ba Lan... Hiện nay theo số liệu của Ngân hàng thế giới, nếu xét chỉ số chi tiết và tổng hợp của kinh tế tri thức thì các nước Mỹ, Nhật, Singapore, Hồng Công đều ở vị trí hàng đầu. Chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của Mỹ là 9,02; Nhật Bản là 8,42; Hồng Công là 8,33. Chỉ số sáng tạo của Mỹ là cao nhất: 9,47.
Thực trạng nền kinh tế tri thức ở Việt Nam
Ở Việt Nam, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước khác nhau”. Gần đây nhất, Đảng ta đã xác định gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường”. (Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam), trong đó Đảng ta khẳng định, phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Như vậy có thể thấy ngay từ thời kỳ đầu, Đảng ta đã rất coi trọng việc tạo ra động lực cho việc hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Tuy nhiên, hiện nay về cơ bản nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế mang những dấu ấn của kinh tế nông nghiệp, đang chuyển dần sang kinh tế công nghiệp. Vị trí của Việt Nam trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là rất thấp. Những chỉ số về kinh tế tri thức của Việt Nam đều ở nửa dưới của bảng xếp hạng. Chỉ số KEI của Việt Nam hiện đang là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo chỉ là 2,72, trong khi đó chỉ số KEI của một số nước trong khu vực là rất cao: Singapore là 8,44; Malaysia là 6,07; Thái Lan là 5,52.

ldxh
Những yếu tố cho sự ra đời và phát triển kinh tế ở Việt Nam mới đang ở thời kỳ hình thành
Xét phương diện những đặc trưng của nền kinh tế tri thức thì chúng ta thấy cơ cấu kinh tế - lao động của Việt Nam hiện nay vẫn là lạc hậu: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp trong GDP còn hạn chế, ngành nông nghiệp còn cao. Cơ cấu lao động cũng chưa chuyển biến mạnh mẽ: lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng rất cao, chất lượng lao động còn nhiều hạn chế. Trong khi đó hiện nay ở Mỹ khoảng 80% lực lượng lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai.
Tỷ trọng các ngành trong GDP năm 2010
                                                (Đơn vị tính: %)
Công nghiệpNông nghiệpDịch vụ
41.120.638.3
Hiện nay, hàm lượng chất xám trong sản phẩm của Việt Nam là rất thấp, “đến 2020 giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP. Giá trị sản phẩm công nghệ chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản phẩm công nghiệp”. (Văn kiện Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam).
Sự đầu tư cho khoa học, công nghệ ở Việt Nam so sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực là rất thấp. Hiện nay, Việt Nam chỉ dành khoảng 0,3% GDP cho hoạt động khoa học, công nghệ, trong khi đó con số này ở Malaysia là 1%, Singapore là 3%.
Theo Robert Walter Global – một công ty chuyên về tuyển dụng: năm 2012 mặc dù kinh tế khó khăn, nhiều công ty phá sản hoặc giảm quy mô hoạt động, Việt Nam vẫn “khát” nhân sự có trình độ. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 35%, đây là con số rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những tiêu chí quan trọng của kinh tế tri thức là sự ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Phần lớn các doanh nghiệp ở nước ta đều thiếu thông tin về công nghệ. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu và Quản lý TW trên 82 doanh nghiệp, chỉ có 16 doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới công nghệ. Xét một cách tổng quát, những yếu tố cho sự ra đời và phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ hình thành.
Giải pháp phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đang quá độ sang kinh tế công nghiệp. Vì vậy, để tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế tri thức phát triển cần quán triệt và thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và tri thức. Sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện cần để hình thành và phát triển kinh tế tri thức. Cần đầu tư hơn nữa cho khoa học, công nghệ; tạo ra chính sách phát triển khoa học, công nghệ.
Thứ hai, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức. Nghiên cứu khoa học được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hình thành kinh tế tri thức. Theo một nghiên cứu mới nhất, hiện nay nếu không có gì thay đổi thì Việt Nam cần khoảng thời gian là 60 năm mới có thể theo kịp về số lượng bài báo ở thời điểm năm 2005. Việt Nam vẫn đang thiếu chuyên gia nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, chất lượng lao động Việt Nam đạt 4/10 điểm (theo WEF).
Thứ ba, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hướng đến việc phát huy vai trò của khoa học, công nghệ, hướng đến kinh tế tri thức. Cần tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền...
Thứ tư, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng với chiều sâu. Cần kết hợp hợp lý phát triển kinh tế theo hai mô hình này, một mặt khai thác những lợi thế sẵn có về lao động, tài nguyên; mặt khác phải “đi tắt, đón đầu”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo mô hình “hiện đại”, “rút ngắn” để phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam.

Ths. Nguyễn Trọng Tuấn
Học viện Cảnh sát Nhân dân

No comments:

Post a Comment