Tổng thống Nga V. Putin bắt tay Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Hội nghị ASEM ở Milan tuần qua. Ảnh: Reuters
Quân bài của ông Putin
Cuối tuần trước, Tổng thống Nga V.Putin đến dự Hội nghị cấp cao ASEM ở Milan (Italia) với một vẻ mặt tươi cười. Ông bắt tay người đồng nhiệm Ukraine - Petro Poroshenko tại cuộc gặp cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về việc thực thi lệnh ngừng bắn ở phía đông Ukraine, và đặc biệt là giải quyết tranh cãi về nguồn cung cấp khí đốt khi mùa đông đang tới.
Thủ tướng nước chủ nhà, ông Matteo Renzi được hãng tin Pháp AFP dẫn lời mô tả cuộc gặp này là rất “tích cực”. Thủ tướng Anh David Cameron cũng xác nhận điều đó. Bản thân Tổng thống Nga V.Putin sau khi bước ra từ phòng họp cũng nói với các phóng viên: “Rất tốt, rất tích cực”.
Nhưng chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã dội một gáo nước lạnh vào sự lạc quan này. Ông Peskov nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng, một số bên tham gia đàm phán có cách tiếp cận không ngoại giao, thiếu linh hoạt và hoàn toàn thiên vị về vấn đề Ukraine. “Cuộc đàm phán rất khó khăn, đầy hiểu nhầm và bất đồng”, ông nhấn mạnh.
Cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Kiev dẫn đến việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine hồi tháng 6 do “chưa thanh toán tiền”. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại điều này có thể gây gián đoạn trong việc vận chuyển khí đốt sang các nước còn lại, khi mùa đông đang tới, vì vậy, họ đang rất nỗ lực để làm trung gian nhằm cứu vãn tình hình.
Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đáp ứng khoảng một phần ba nhu cầu của khu vực. Một nửa số khí đốt đó được vận chuyển qua đường Ukraine.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi các nước giúp Ukraine trả nợ khí đốt cho Nga.
Bà Merkel được Reuters trích lời nói một cách rất quả quyết tại thủ đô Bratislava sau cuộc gặp với Thủ tướng Slovakia Robert Fico: “Nước nào cũng phải đóng góp, trong đó có Slovakia”.
Sở dĩ bà Merkel nói vậy bởi ông Fico từng phản đối hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Bà Merkel trước đó đã gặp Tổng thống Putin tại Italia và là một trong số những vị nguyên thủ ít lạc quan nhất đối với những cam kết của Nga.
Thủ tướng Đức khẳng định, việc Nga và Ukraine đã đạt được một giải pháp về khí đốt là rất quan trọng đối với châu Âu vì "sẽ giúp ổn định nguồn cung cấp cho mùa đông này".
Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra khá sốt ruột, thì ông Putin không vội vã. Bởi ông biết mình đang nắm quân át chủ bài là chìa khóa mở van khí đốt sang châu Âu.
Nhà nhập khẩu khí đốt SPP của Slovakia cuối tuần trước đã phải lên tiếng báo động về việc lượng cung cấp khí đốt từ Nga đã giảm còn một nửa. Phát ngôn viên SPP nhấn mạnh đây là ngày cắt giảm thứ hai liên tiếp.
Slovakia, nước rất phụ thuộc vào năng lượng của Nga, gần đây đã bơm khí đốt cho Ukraine theo chỉ thị của EU. Nhưng sau khi SPP lên tiếng, Chính phủ Slovakia buộc phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp nhằm đối phó với trường hợp nguồn cung cấp từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn.
"Kịch bản xấu nhất, chúng tôi sẽ ngăn chặn dòng chảy ngược (cung cấp khí đốt) cho Ukraine," ông Fico nói với các phóng viên.
“Có đủ khí đốt cho châu Âu, nhưng không may, nó đang được sử dụng như một vũ khí chính trị ", Thủ tướng Robert Fico chua chát nói.
Tuần này, các cuộc đàm phán giữa Nga, Ukraine và EU về khí đốt sẽ bắt đầu. Ông Guenther Oettinger, Cao ủy về năng lượng của EU cho biết, theo thỏa thuận sơ bộ, Ukraine sẽ trả 3,1 tỉ đô la tiền nợ mua khí đốt cho tập đoàn Gazprom của Nga đến cuối năm nay. Đổi lại, Nga sẽ cung cấp ít nhất 5 tỉ mét khối gas từ tháng 10 năm nay tới tháng 3 năm sau và Ukraine sẽ phải trả tiền trước cho số khí đốt này, với giá 385 đô la cho 1.000 mét khối.
Cái giá phải trả
Về phần mình, nước Nga cũng phải trả giá không nhỏ cho “cuộc chơi” này. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, do tác động của lệnh trừng phạt từ EU, GDP của Nga dự kiến chỉ tăng trưởng không quá 0,3% năm tới, thậm chí có thể giảm nếu cuộc khủng hoảng Ukraine tồi tệ hơn khiến phương Tây tiếp tục leo thang trừng phạt.
Trong năm 2016, WB dự kiến GDP của Nga tăng nhiều nhất là 0,4%.
Ngay cả khi lệnh trừng phạt phương Tây được bãi bỏ, WB cho biết, kinh tế Nga sẽ chỉ tăng trưởng 0,9% năm 2015, và 1,3% năm 2016.
Dự báo của Nga lạc quan hơn, với ước tính tăng trưởng 1,2% trong năm 2015 và 2,3% năm 2016 do đầu tư gia tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia WB Birgit Hansl trên Christian Science Monitor: "Chúng tôi không tin rằng tốc độ tăng trưởng đầu tư đang tăng nhiều như chính phủ nghĩ”.
Mới đây, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Nga từ Baa1 xuống Baa2, vì triển vọng tăng trưởng yếu do những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo Moody, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư vào Nga, khiến hàng loạt công ty lớn của Nga bị loại khỏi các thị trường nợ quốc tế quan trọng, gây khó khăn cho việc thanh toán các khoản nợ ước tính tới 55 tỉ đô la Mỹ sẽ đến hạn vào cuối năm nay.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho biết dòng vốn rút khỏi Nga đã tăng vọt và dự kiến lên tới khoảng 100 tỉ đô la Mỹ trong năm nay, trong khi lạm phát của nước này đã tăng lên trên mức 8% .
“Nền kinh tế đang ở ngưỡng cửa của cuộc suy thoái và sẽ ở lại đó một thời gian", ông Hansl nói.
|
Thursday, October 23, 2014
Khủng hoảng Nga-Ukraine: Vũ khí dầu mỏ
Thesaigontimes, Thứ Tư, 22/10/2014,16:20 (GMT+7) http://www.thesaigontimes.vn/121633/Khung-hoang-Nga-Ukraine-Vu-khi-dau-mo.html “Có đủ khí đốt cho châu Âu, nhưng không may, nó đang được sử dụng như một vũ khí chính trị ", Thủ tướng Slovakia Robert Fico nhận định.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment