Liên tục trong các năm gần đây, ở Việt Nam sản lượng điện do các nhà máy thủy điện, nhiệt điện sản xuất ngày càng khó đủ đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Vì vậy, phong điện đang được nhìn nhận như một hướng ra triển vọng.
Theo kế hoạch đã được đệ trình lên UBND tỉnh Bình Định, từ tháng 7/2004 Nhà máy phong điện Phương Mai 1 sẽ chính thức triển khai thi công phần hạ tầng kỹ thuật, đến cuối tháng 4/2005 sẽ hoàn thành thi công giai đoạn 1 và cho vận hành hai tổ máy đầu tiên, công suất ban đầu khoảng 15 MW. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau nên việc tiến hành xây dựng nhà máy bị trì hoãn nhiều lần. Mới đây, ông Vũ Hoàng Hà, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đã ký văn bản gia hạn cho ban quản lý dự án phong điện Phương Mai 1, chậm nhất vào 30/6/2005, nếu không khởi công xây dựng sẽ bị thu hồi 56ha đất đã cấp trước đó tại Phù Cát.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng đang tiếp tục có chủ trương cho Công ty GCP (Đức) triển khai xây dựng Nhà máy phong điện Phương Mai 2. Theo dự kiến, nhà máy có tổng công suất là 200MW và các cơ sở hạ tầng khác như cầu cảng, nhà xưởng và kinh doanh du lịch dưới các chân cột tua bin gió.
Trung tuần tháng 4, Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, Công ty Đầu tư và Phát triển phong điện miền Trung (thuộc Công ty Xây lắp điện 3) đã chính thức đầu tư dự án phong điện Phương Mai 3 với vốn đầu tư hơn 820 tỷ đồng. Nhà máy sẽ được xây dựng trên cồn cát ven biển khu công nghiệp Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), tiếp giáp với Nhà máy phong điện Phương Mai 1. Dự kiến công suất nhà máy là 50,4 MW, mỗi năm sản xuất từ 150-170 triệu kWh điện. Toàn bộ thiết bị được mua theo hình thức "chìa khóa trao tay" từ nguồn vốn của Unibank (Đan Mạch) do Quỹ hỗ trợ phát triển quốc tế của chính phủ Đan Mạch tài trợ 100% vốn. Chủ đầu tư sẽ thực hiện và quản lý vận hành dự án theo hình thức kinh doanh nhà máy điện độc lập, bán điện cho lưới điện quốc gia với giá khoảng 4,5 US cent/kWh.
Theo thống kê của ngành điện, sản lượng điện năng từ sức gió hiện nay trên thế giới đang liên tục tăng, từ hơn 3.500 MW năm 1994 đến 6.000 MW năm 1996 và nay là trên 10.000 MW. Sử dụng điện năng bằng sức gió không lo hết nhiên liệu hay cạn kiệt nguồn nước như thủy điện và nhiệt điện, và nhất là không gây những tác động đáng kể đến môi trường. Đáng tiếc là đến nay loại hình này ở ViệtNam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, dù các nhà máy thủy điện và nhiệt điện ở nước ta đang ngày càng không đáp ứng nổi nhu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Trị An, Đa Nhim, Yaly... thực chất chỉ hoạt động đạt khoảng 40% tổng công suất thiết kế. Trong khi đó, với hơn 3.000km chiều dài bờ biển, tiềm năng phong điện ở nước ta rất lớn.
Từ thực tiễn đó, dự án liên doanh sản xuất điện bằng sức gió đầu tiên ở Việt Nam đã hình thành từ cách đây gần tám năm (1997), địa điểm được chọn là khu bờ biển bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn và một phần huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định (một trong những nơi có nhiều gió nhất). Đối tác nước ngoài là Đan Mạch, nước có công nghệ sản xuất điện từ sức gió tiên tiến nhất thế giới.
Các chuyên gia cho biết, chi phí đầu tư cho nhà máy phong điện tuy tốn kém ngang với đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện và thủy điện (khoảng 1 triệu USD/MW), nhưng lại có nhiều ưu điểm nổi bật như ít tác động tới môi trường, không mất chi phí vận hành, nơi sản xuất điện và tiêu thụ điện năng được thu hẹp một cách đáng kể. Theo các chuyên gia, nếu dự án phong điện ở Bình Định thành công và đạt hiệu quả cao thì các địa phương có bờ biển ở nước ta, kể cả những quần đảo, bán đảo xa đất liền cũng có thể phát triển loại hình sản xuất điện năng này.
Theo VNExpress
posted by VnGG Energy Group
No comments:
Post a Comment