Cụ thể, trong quý 4/2013, qua tổng hợp số liệu của 314.664 doanh nghiệp nộp tờ khai tạm tính thuế thu nhập doanh nghiệp của 63 cục thuế và 197 chi cục thuế cho thấy tổng số doanh nghiệp có lãi trước thuế chiếm 37,4% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai.
Tổng số lỗ phát sinh trong quý 4/2013 (của 62,6% số doanh nghiệp kê khai còn lại) là 59.064 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước lỗ 5.851 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI lỗ 15.922 tỷ đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước lỗ 37.291 tỷ đồng.
Luỹ kế 4 quý năm 2013, tổng số lỗ tạm tính là 206.331 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp nhà nước lỗ 20.684 tỷ đồng, doanh nghiệp FDI lỗ 68.203 tỷ đồng và doanh nghiệp ngoài nhà nước lỗ 117.444 tỷ đồng.
Doanh nghiệp FDI khai lỗ tới hơn 68 ngàn tỷ trong năm 2013, giữa lúc các nghi án chuyển giá vẫn đang làm nóng công luận... |
Đáng chú ý là trong việc “tăng lỗ” này, doanh nghiệp FDI có tỷ lệ tăng cao nhất là 37,6%, trong khi doanh nghiệp nhà nước tăng 9,3%, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước lại giảm 4,1%.
Trong 2 tháng đầu năm nay, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 5.564 doanh nghiệp, xử lý truy thu và phạt 1.108 tỷ đồng, qua đó góp phần giảm lỗ 2.647 tỷ tỷ đồng, giảm khấu trừ 82 tỷ đồng.
Bình luận về con số 68 ngàn tỷ đồng các doanh nghiệp FDI khai lỗ, TS Bùi Ngọc Sơn Trưởng, phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới, cho biết, đây là những dấu hiệu nghi ngờ việc các doanh nghiệp FDI đã tiến hành việc chuyển giá, trốn thuế nhưng vấn đề ở chỗ phải tìm hiểu thêm doanh nghiệp lỗ ở đâu, doanh nghiệp lỗ có xin mở rộng sản xuất không.
Trước tình trạng các doanh nghiệp FDI được hưởng những ưu đãi thuế, đất, vốn... hơn các doanh nghiệp nội song việc báo lỗ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, có doanh nghiệp báo lỗ trong suốt 20 năm hoạt động, TS Bùi Ngọc Sơn kiến nghị, các cơ quan làm chính sách phải điều tra, có các bộ phận để thẩm định thậm chí phải có tòa án kinh tế xử lý vấn đề này.
"Ở Việt Nam có nhiều lỗ hổng, các vấn đề đều giải quyết theo kiểu nội bộ trong khi các nước khác tại Quốc hội, các nghị sĩ đưa ra thành vấn đề chất vấn. Phải có điều tra và điều tra độc lập, không phải nhà nước đi điều tra như hiện nay, như vậy rất khó để có được kết quả điều tra chính xác", TS Bùi Ngọc Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, hiện tượng chuyển giá diễn ra nhiều nhất là ở các nước có hệ thống luật pháp lỏng lẻo và trình độ quản lý yếu kém.
"Chưa kể khi các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam đều mang theo "quà" cho các nhà quản lý nên đáp lại sẽ phải dễ dãi, không thể phạt họ được nữa dù biết họ sai", ông Sơn nói.
Theo thống kê, các doanh nghiệp "lập kỷ lục" trong việc báo lỗ từ trước đến nay có thể kể đến là: Cocacola, Adidas, Metro, Keangnam Vina, Hualon Corporation, Nestlé…
Với Nestlé, trong 18 năm hoạt động Nestlé vẫn đang kinh doanh thua lỗ và chỉ có lãi trong 4 năm. Trước đó, ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai gửi bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, từ khi thành lập (năm 1995) đến năm 2013, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu. Giải thích về việc 14 năm "làm ăn thất bát", đại diện của công ty Nestlé cho rằng: Đó là chuyện bình thường.
Coca cola cũng từng "than nghèo, kể khổ" khi thông báo lỗ lũy kế trong một thập kỷ gần đây lên đến 180 triệu USD. Tuy nhiên, mặc dù "kêu gào thảm thiết" là vậy nhưng mới đây, trong kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, Coca cola lại dự kiến sẽ đầu tư thêm 300 triệu USD vào Việt Nam.
Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina sau 5 năm vào Việt Nam, báo lỗ liên tục. Thậm chí, năm 2011, khi toà nhà Keangnam đi vào vận hành, doanh thu của công ty này lên tới hơn 5.000 tỷ đồng thì điệp khúc lỗ vẫn tái diễn. Tuy nhiên, bằng những dàn xếp về giá vốn xây dựng, một khoản lợi nhuận kếch sù đã được Keangnam Vina chuyển về Hàn Quốc. Sau đó, Keangnam Vina đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.
No comments:
Post a Comment