Bộ KHĐT chính thức đề xuất dùng một phần ngân sách để xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên đề xuất này đang không nhận được sự đồng thuận của dư luận.
Xử lý nợ xấu nên thế nào?
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng ngân sách nhà nước hay tiền thuế của dân không thể bỏ ra để xử lý nợ xấu của các đại gia DNNN, như vậy là không đúng với nguyên tắc thị trường, không tạo được sự đồng thuận trong dư luận.
Dù có biện minh thế nào cũng phải khẳng định, sử dụng ngân sách tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu cho khu vực DNNN, đứng trên phương diện kinh tế phải nhìn nhận đây không phải là giải pháp hiệu quả. Thứ hai, nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nước. Thứ ba, nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các DNNN tức là tâm lý ỉ lại, cứ thua lỗ, nợ nần lại được nhà nước cứu. Như vậy, sẽ mang một tai tiếng rất lớn.
Theo nguyên tắc thị trường, xử lý nợ xấu phải dựa trên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đó chứ không thể có chuyện làm ăn thua lỗ, đầu tư không hiệu quả lại bắt người dân gánh chịu.
Dùng ngân sách mua nợ xấu DNNN dễ dẫn tới những rủi ro đạo đức |
Như vậy, nghĩa là không chỉ có khu vực DNNN mới được xóa nợ xấu mà tất cả các thành phần kinh tế khác cũng phải được nhà nước hỗ trợ, nếu như vậy phải cần tới một số tiền rất lớn, với nguồn lực hiện nay của VN là yêu cầu bất khả kháng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp bắt buộc phải dùng ngân sách để xử lý. Làm được việc này đầu tiên cần làm là phải công khai, minh bạch hóa toàn bộ các khoản nợ xấu, phân loại nợ xấu từng phân khúc, đánh giá chính xác tình trạng nợ xấu lúc đó mới có giải pháp xử lý hiệu quả.
Nhưng hiện nay nhiệm vụ chính trị với trách nhiệm xã hội vẫn chưa được tách bạch nên có nhiều công trình, dự án đang có sự nhập nhèm, lợi dụng sự bao bọc, bảo lãnh của nhà nước để làm bằng được, đầu tư không hiệu quả.
Vì vậy, phải phân loại nợ nào do chính phủ bảo lãnh, nợ nào vì an sinh xã hội, nợ nào do doanh nghiệp để xử lý. Tức là, nếu nợ xấu do DN tự kinh doanh, tự gây lên doanh nghiệp sẽ phải tự xử lý. Có thể là giải thể, phá sản cũng có thể phải bán một phần tài sản của doanh nghiệp để cân đối trả nợ.
Nếu là các khoản nợ xấu do ngân hàng cho vay theo chỉ đạo, do chính phủ bảo lãnh, hoặc vì mục đích an sinh, xã hội có thể chính phủ phải dùng ngân sách để xóa nợ cho ngân hàng.
Với những doanh nghiệp không thể phục hồi, thì phải cho phá sản để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ nần. Trong trường hợp, DNNN mang vốn đầu tư không hiệu quả, thua lỗ không phải do khách quan thì phải xử lý trách nhiệm rõ ràng, minh bạch.
Thực tế, khi đã phân loại được nợ xấu thì việc xử lý cũng không hề đơn giản.
Ở VN đang gặp phải vấn đề rất lớn là sở hữu chéo. Sở hữu chéo giữa các NHTM với DNNN, công ty mẹ với công ty con…ví dụ công ty mẹ cấp vốn cho công ty con, công ty con lại mua cổ phần của công ty mẹ… người ta gọi đó là mối quan hệ đồng cấp hay sở hữu chéo theo huyết thống.
Sở hữu chéo tạo rủi ro dòng vốn ảo, giảm tính minh bạch, gia tăng rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Các cổ đông tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác nhau có thể thực hiện các giao dịch sở hữu chéo, đầu tư chéo phục vụ lợi ích nhóm tạo ra vốn ảo, lợi nhuận ảo… làm cơ quan quản lý, nhà đầu tư khó xác định được thực chất vốn và tài chính của tổ chức tín dụng.
Sở hữu chéo hình thành những khoản vốn khổng lồ nhưng chỉ có trên giấy tờ, sổ sách mà không được đưa ra thị trường, không phục vụ cho nền kinh tế, tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng.
Hệ quả là dẫn tới những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định của pháp luật, thoát ly khỏi vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Khi các tổ chức tín dụng liên kết thành một mạng nhện sẽ nảy sinh độc quyền nhóm khiến quá trình xử lý nợ xấu càng thêm nhiều khó khăn.
Khó thuyết phục dư luận
Trao đổi thêm, một chuyên gia kinh tế cũng thẳng thắn cho rằng dùng ngân sách để xử lý nợ xấu DNNN là đề xuất khó được chấp nhận. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng chỉ ra nếu không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì sẽ rất khó khơi thông được dòng tài chính đang bị tắc nghẽn và tình trạng này sẽ còn kéo dài trong 5-7 năm tới.
Lý giải những điểm bất hợp lý vị chuyên gia này cho biết, đề xuất này đã đặt ra câu chuyện phải dùng “tiền tươi, thóc thật” để xử lý nợ xấu, điều này là đúng, nhưng bắt người dân, xã hội phải gánh khoản nợ xấu cho người gây ra nợ là vô lý.
Nhất là trong bối cảnh nợ công, bội chi ngân sách đã được cảnh báo đang chạm trần 65%, DNNN mang tiền ngân sách đi đầu tư, tiêu tiền dân nhưng lại không hiệu quả, gây thua lỗ rồi bắt người dân tiếp tục gánh nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu “cứ làm bừa sẽ lại được cứu”.
Trong bối cảnh sở hữu chéo đang trở thành vấn đề khó xử của VN thì việc bơm tiền ngân sách xử lý nợ xấu có thể dẫn tới những rủi ro về đạo đức. Tức là cứu nhóm lợi ích, làm liều, rủi ro không do khách quan.
Vấn đề của VN hiện giờ là phải minh bạch thị trường nợ, giải quyết nợ xấu ở ba cấp độ, thứ nhất là định hướng dư luận (phải thuyết phục được dư luận, nhận được sự đồng thuận của dư luận); sau định hướng là giải quyết khâu thể chế (tức là thay đổi quy định cho phù hợp, tạp điều kiện thuận lợi cho DN bán dưới giá), cuối cùng là cấp độ kỹ thuật (đây là khâu cuối cùng sẽ trả lời câu hỏi mua nợ xấu về thì xử lý thế nào?).
Vậy vì sao phải dùng tiền thật xử lý nợ xấu?
Nếu dùng tiền thật để mua lại nợ xấu của các doanh nghiệp, dòng tiền sẽ chảy về NHTM tức là nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được mang ra khỏi bảng cân đối tài chính của ngân hàng. Khi bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp được làm sạch, nợ xấu được xóa bỏ, NHTM mới có lòng tin tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn. Tức là dòng tiền bơm vào mới lưu thông. Cách làm của VAMC hiện nay chỉ là cách tạm đưa nợ xấu của các doanh nghiệp ra một chỗ khác, mà thực chất không phải xóa nợ vì VAMC không sử dụng tiền thật.
Nếu vậy thì phải làm thế nào? Có hai vấn đề:
Đầu tiên, phải minh bạch, định giá tài sản thế chấp thật chuẩn. Ví dụ, tài sản thế chấp là 100 tỷ nhưng thị trường định giá chỉ có 30 tỷ, doanh nghiệp phải chấp nhận chịu lỗ 700 tỷ.
Thứ hai, muốn xóa sạch nợ của doanh nghiệp đó, chính phủ phải có đủ nguồn lực để bơm vào mua bán số nợ. Khi xóa được nợ, chính phủ phải có thêm một khoản ngân sách nữa để giúp phục hồi cho doanh nghiệp đó.
Về nguyên tắc, chính phủ không có trách nhiệm cứu những nợ nần, thua lỗ của DNNN, chỉ trong trường hợp nợ xấu quá xấu và nó đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ lúc đó nhà nước mới phải cứu.
Lam Khánh
No comments:
Post a Comment