Wednesday, October 1, 2014

Dự thảo thiết kế chương trình giáo dục cơ bản 10 năm

Vietnamnet, ngày 25/08/2014, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/194055/du-thao-thiet-ke-chuong-trinh-giao-duc-co-ban-10-nam.html,         Phương án THCS đến hết lớp 10 vừa hé mở đã gây nên khá nhiều tranh luận.

Có thể thấy, Bộ GD-ĐT đã nghiêng về thực hiện phương án này, khi trong trong dự thảo mới nhất của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (tháng 8/2014), phần Kế hoạch giáo dục được xây dựng theo phương án 1 - giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học.

Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông còn cần thời gian hoàn chỉnh và thông qua Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo vào ngày 28/8, trước khi trình Quốc hội.
THCS 5 năm, cấp học phổ thông, hệ thống giáo dục
 Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự kiến thay đổi số năm học ở mỗi cấp học phổ thông. Ảnh: Văn Chung

Để bạn đọc hình dung rõ hơn, VietNamNet tóm lược cụ thể kế hoạch này.


Các lĩnh vực giáo dục của chương trình phổ thông bao gồm: Ngôn ngữ (Tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng mẹ đẻ/ tiếng dân tộc (nếu có)); Toán học; Đạo đức – công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Công nghệ.

Hệ thống môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo (ảnh dưới đây)
THCS 5 năm, cấp học phổ thông, hệ thống giáo dục
THCS 5 năm, cấp học phổ thông, hệ thống giáo dục


Môn Tiếng Việt/ Ngữ văn là một môn học công cụ, mang tính nhân văn, là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

Mục tiêu chủ yếu là tập trung hình thành, phát triển năng lực giao tiếp, tư duy, sáng tạo, cả thụ văn học và những phẩm chất tâm hồn cao đẹp, những quan niệm sống và ứng xử nhân văn thông qua các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói là chính. Đánh giá kết quả học tập phải theo chuẩn năng lực ngữ văn. Hạn chế kiểm tra khả năng ghi nhớ máy móc, khuyến khích những suy nghĩ độc lập, sáng tạo.

Ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2: Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn không bắt buộc, có thể bắt đầu hoặc kết thúc học từ bất kỳ lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12 tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Chương trình dạy học ngoại ngữ được thiết kế nhằm hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng nước ngoài của học sinh thông qua phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các mức khác nhau dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Tiếng dân tộc là môn học tự chọn không bắt buộc, có thể bắt đầu hoặc kết thúc học từ bất kỳ lớp nào trong các lớp từ lớp 3 đến lớp 10.

Toán học là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Cấu trúc chương trình môn toán dựa trên sự phối hợp cả cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “xoáy trôn ốc” và xoay quanh và tích hợp 3 mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất. Đối với cấp THPT, môn Toán được phân hoá sâu bằng các chuyên đề học tập tự chọn, người học sẽ lựa chọn phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp. Đánh giá kết quả học tập chủ yếu bằng hình thức tự luận, kết hợp trắc nghiệm khách quan.

Lĩnh vực Giáo dục Đạo đức – Công dân có phạm vi nội dung của các môn học bao gồm các mạch kiến thức cơ bản về giáo dục đạo đức, pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh doanh và quốc phòng – an ninh… Các phương pháp dạy học chủ yếu là phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình kết hợp những tấm gương công dân tiêu biểu, xử lý tình huống có tính thời sự về đạo đức, pháp luật trong cuộc sống hàng ngày; đóng vai; dự án và giải quyết vấn đề.

Thể dục - Thể thao là môn học bắt buộc trong đó hoạt động thể thao là hoạt động tự nguyện của học sinh trong nhà trường từ lớp 1 đến lớp 12.

Lĩnh vực giáo dục nghệ thuật: Mỹ thuật là môn học tự chọn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 10, là môn học tự chọn bắt buộc theo nhóm môn từ lớp 11 đến lớp 12. Âm nhạc là môn học góp phần giáo dục thẩm mĩ, cũng là môn học tự chọn bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 10, là môn học tự chọn bắt buộc theo nhóm môn từ lớp 11 đến lớp 12.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội và nhân văn có các môn học: Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5); Khoa học xã hội (cấp THCS); Lịch sử, Địa lý, Khoa học xã hội (cấp THPT).

Nội dung cốt lõi của các môn học được tổ chức theo các mạch chính: Đại cương, thế giới, khu vực, Việt Nam và địa phương. Cấu trúc nội dung môn Khoa học xã hội ở cấp THCS và cấp THPT có các chủ đề của mỗi phân môn được sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và liên hệ lẫn nhau, đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn; Ở cấp THPT gồm các nội dung mang tính tuyến tính hoặc đồng tâm với cấp THCS.

Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên có các môn học: Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Tự nhiên (lớp 4, 5); Khoa học Tự nhiên (cấp THCS); Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học Tự nhiên (cấp THPT).

Khoa học Tự nhiên là môn học bắt buộc ở cấp THCS, được phát triển từ môn Tìm hiểu Tự nhiên ở các lớp 4, 5; là môn học tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Vật lý, Hoá học, Sinh học…; lên lớp 11, 12 tách thành các môn học tự chọn bắt buộc theo nhóm môn; đồng thời vẫn có môn Khoa học Tự nhiên tự chọn bắt buộc theo nhóm môn dành cho học sinh không học các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học.

Lĩnh vực Công nghệ có mục tiêu ở Tiểu học và THCS là hình thành ở học sinh các năng lực về ngôn ngữ, thiết kế, chế tạo và sử dụng công nghệ trong các lĩnh vực phổ biến, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước…

Ở Tiểu học và THCS, lĩnh vực Công nghệ được thể hiện thông qua một môn học và được đặt tên là Máy tính - Kỹ thuật (tiểu học), Tin học ứng dụng – Công nghệ (THCS) và thuộc hình thức tự chọn bắt buộc theo chủ đề. Lên THPT, lĩnh vực công nghệ thuộc hình thức tự chọn bắt buộc theo nhóm môn, được thể hiện thông qua hai môn học riêng biệt là Tin học và Công nghệ.

Các Chuyên đề học tập dành cho học sinh các lớp THPT tự chọn bắt buộc theo chủ đề. Hệ thống các chuyên đề học tập được sắp xếp theo các lĩnh vực đào tạo của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp (khoảng 10 khối ngành) mà học sinh sẽ tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động và được chia thành 2 loại: Chuyên đề học tập mở rộng nhằm giúp học sinh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản và chuyên đề học tập nâng cao nhằm giúp học sinh có những hiểu biết chung, khái quát (có tính nhập môn), định hướng nghề nghiệp, học tập lên trình độ cao hơn. Bộ GD-ĐT sẽ công bố danh mục chuyên đề tự chọn cấp THPT và tài liệu học tập tương ứng; Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội, các nghề ở địa phương mà xây dựng bổ sung một số chuyên đề học tập phù hợp; số lượng và thành phần các chuyên đề có thể tăng thêm qua các năm học.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động tự chọn bắt buộc dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo sử dụng các hình thức và phương pháp chủ yếu sau: Thực địa, tham quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/ tình nghuyện, dự án và nghiên cứu khoa học, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, cắm trại, thực hành lao động…

Tự học có hướng dẫn: đối với các trường tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi trong ngày, ngoài các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ở tất cả các lớp đều có hoạt động tự học có hướng dẫn. Giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn học sinh tự học ở trường, giảm tối đa việc học ở nhà; góp phần hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh.

Về Thời lượng giáo dụccấp Tiểu học mỗi năm học có 35 tuần thực học, mỗi tuần có 5 ngày học, mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng không quá 4 tiết và buổi chiều không quá 3 tiết, mỗi tiết 40 phút. Tổng thời lượng giáo dục của cấp tiểu học trong một năm học không quá 6.125 tiết.

Cấp trung học cơ sở: Mỗi năm học có 35 tuần thực học, mỗi tuần có 6 ngày học, mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút. Tổng thời lượng giáo dục của cấp trung học cơ sở trong một năm học không quá 5.250 tiết.

Cấp trung học phổ thông: Mỗi năm học có 35 tuần thực học, mỗi tuần có 6 ngày học, mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 50 phút. Tổng thời lượng giáo dục của cấp trung học phổ thông trong một năm học không quá 2.100 tiết.
  • Ngân Anh

No comments:

Post a Comment