Tuesday, September 16, 2014

Thư mời Hội thảo " Lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)"

Kính thưa Quý vị,  Hội Tư vấn HASCON và Viện EEI đã nhận Thư mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mời tham dự  “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 3 năm 2014.




Thành phố Hồ Chí Minh
HỘI TƯ VẤN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ QUẢN LÝ  HASCON

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
————————————
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01  tháng 3  năm 2014

Thư mời tham dự Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”
Kính thưa Quý vị, Hội Tư vấn HASCON và Viện EEI đã nhận Thư mời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mời tham dự khóa “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”.
  1. 1. Thời gian:
Ngày 11/03/2014, từ 13h30 - 16h30
2.   Địa điểm:            Hội trường lầu 10, VCCI HCM (171 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Tp.                              HCM)
3. Đối tượng tham dự:
Doanh nghiệp/ Hiệp Hội/ VPLS/ Chuyên gia
4.  Phí tham dự: Miễn phí hoàn toàn

Kính mời Quý vị đăng ký tham gia theo PHIẾU ĐĂNG KÝ dưới đây

CHỦ TỊCH HỘI HASCON & VIỆN TRƯỞNG VIỆN EEI
TS Nguyễn Bách Phúc
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Phiếu đăng ký tham dự “Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)”



Kính gửi: Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ  và Quản lý TPHCM HASCON và Viện EEI

Họ và tên:.............................................................
Cơ quan: ………………………………………….
Địa chỉ:...................................................................
Điện thoại:..............................................................
Email:...................................................Website:...
Di động:………………………………Email:.........

Người đăng ký
(Ký tên)

--------------------------------------------------------------------------------------------
Vui lòng email phiếu đăng ký cho Hội Tư vấn Khoa học và Công nghệ TPHCM HASCONtrước 16h00 ngày 10/03/2014 ĐT: 08.62936515, 38429439 Email:hasconsaigon@gmail.com

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

______________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:               /TTr- BKHĐT

DỰ THẢO

Hà Nội, ngày          tháng  3 năm 2014

TỜ TRÌNH
Về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)


Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 của Quốc hội  về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và Quyết định số 1441/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI LUẬT DOANH NGHIỆP
Báo cáo tổng kết, đánh giá thi hành Luật doanh nghiệp 2005 cho thấy Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp trong hơn 7 năm qua cũng đã gặp phải không ít vướng mắc, hạn chế đối với hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng. Trên thực tế, có ba nhóm vấn đề phát sinh. Một là nhóm các vấn đề phát sinh do những khiếm khuyết trong nội dung của Luật Doanh nghiệp; hai là nhóm các vấn đề do tổ chức triển khai thực hiện luật, và cuối cùng là các vấn đề do sự chưa tương thích, chồng chéo giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, và một số luật chuyên ngành khác). Việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp chủ yếu tập trung giải quyết các vấn đề thuộc nhóm thứ nhất nói trên.
1. Khái quát về những nội dung cần bổ sung, sửa đổi của Luật Doanh nghiệp.
Rà soát, đánh giá Luật Doanh nghiệp đã phát hiện một số khiếm khuyết trong nội dung của Luật Doanh nghiệp, bao gồm:
- Nội dung một số điều khoản chưa đủ rõ ràng và cụ thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau trên thực tế; tạo ra sự thiếu nhất quán và công bằng khi áp dụng.
- Một số điều khoản chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc đã chứng tỏ là thiếu tính khả thi, gây cản trở và làm tăng thêm chi phí tuân thủ đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp; hoặc không đạt được mục tiêu cụ thể đã định, nhất là mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người góp vốn.
- Một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
- Cuối cùng, Luật Doanh nghiệp chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn cho là cần thiết phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Đó là những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp xã hội.
2. Những vấn đề cụ thể cần bổ sung, sửa đổi.
a) Về thành lập doanh nghiệp
Thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta đã được cải thiện nhiều và cơ bản so với trước đây. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề cần được xem xét, tiếp tục cải cách. Đó là:
- So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.[1] Xét về mức độ phức tạp và tốn kém về chi phí tuân thủ, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh năm 2013 của nước ta vẫn ở thứ hạng thấp, đứng thứ 106 trên 180 quốc gia và nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm số hồ sơ và thủ tục, giảm thời gian và chi phí để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh là hết sức cần thiết.
- Còn có sự khác biệt không cần thiết về thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp, thủ tục mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính, chuyển nhượng vốn... giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các thủ tục nói trên áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phức tạp hơn, khó khăn và tốn kém hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
- Chưa tách biệt rõ giữa yêu cầu thành lập doanh nghiệp và yêu cầu về điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật đã yêu cầu phải có một số điều kiện kinh doanh như bản sao chứng chỉ hành nghề của người quản lý và xác nhận về vốn pháp định tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định nói trên đã tỏ ra không hợp lý, không có hiệu lực quản lý nhà nước, nhưng lại gây ra khó khăn, tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới.
- Cách thức và yêu cầu đăng ký ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân là chưa thật hợp lý, chưa đảm bảo nguyên tắc “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”, gây thêm phiền hà, tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ  cho doanh nghiệp.
b) Về vốn doanh nghiệp, góp vốn, tăng vốn
- Các khái niệm về vốn công ty (tại các điều…….) chưa đủ rõ ràng, chưa thật chặt chẽ. Do đó, gây khó khăn, không thống nhất trong thực hiện; dễ bị lạm dụng, gây nhầm lẫn cho các bên có liên quan.
- Quy định về tiến độ có thể kéo dài đến 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn đã không đạt được mục tiêu dự kiến mà còn gây ra tác động không mong muốn như: nhầm lẫn về vốn điều lệ, cơ cấu sở hữu thực tế. Qua đó, có thể làm phát sinh các mâu thuẫn, tranh chấp không đáng có trong nội bộ công ty có liên quan.[2]
- Chưa có quy định đầy đủ, cụ thể về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần, gây khó khăn, thậm chí cản trở việc huy động thêm vốn, mở rộng kinh doanh của không ít công ty cổ phần.
c) Về mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp
Thông lệ quốc tế cho thấy hiện nay có 2 mô hình quản trị công ty, gồm mô hình đơn hội đồng (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc) và mô hình đa hội đồng (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và giám đốc, Tổng giám đốc). Thực tế cho thấy áp dụng duy nhất mô hình quản trị đa hội đồng như hiện nay không còn phù hợp thực tế đa dạng của doanh nghiệp về quy mô, tính chất sở hữu và sự đa dạng của cách thức quản trị công ty. Trên thế giới, nhiều nước cho phép công ty cổ phần được tùy ý lựa chọn áp dụng một trong hai mô hình quản trị nói trên.
d) Về trình tự, thủ tục ra quyết định trong doanh nghiệp
- Một số quy định của Luật doanh nghiệp 2005 về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định trong công ty đã không còn phù hợp, tỏ ra lạc hậu so với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là khi có Internet; chưa thực sự tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ trong quản trị công ty. Một số quy định khác như yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên tới 3 lần trong một số trường hợp gây chậm trễ và tốn kém trong việc ra các quyết định kinh doanh cần thiết.
- Quy định bắt buộc áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu đối với bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát công ty cổ phần tuy ở mức độ nhất định đã góp phần bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, nhưng lại gây ra sự thiếu kết dính trong hội đồng quản trị; làm cho việc ra quyết định trong một số trường hợp kéo dài, tốn kém, thậm chí không thông qua được.
- Quy định các tỷ lệ số phiếu bắt buộc tối thiểu phải có để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần chưa đạt được mục tiêu là bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, mà còn tạo ra sự cứng nhắc, tốn kém quá mức về thời gian và tiền bạc trong tổ chức họp và ra các quyết định của đại hội đồng cổ đông, nhất là các công ty đại chúng; gây bất lợi cho công ty và cổ đông của công ty nói chung.
e) Về bảo vệ cổ đông
- Tuy đã có những nỗ lực lớn về hoàn thiện chính sách, luật pháp liên quan, nhưng mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư ở nước ta vẫn liên tục bị xếp hạng rất thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới - được xếp trong khoảng thứ 160 trong 185 quốc gia, nền kinh tế.[3] Đối với Luật doanh nghiệp, một số quy định liên quan chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên công ty thực hiện quyền khởi kiện người quản lý trong trường hợp cần thiết; trình tự, thủ tục khởi kiện còn phức tạp, kéo dài, tốn kém.
g) Tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp
Quy định về tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2005 có một số hạn chế sau đây:
- Quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp cùng loại đã chứng tỏ là không còn phù hợp với thực tế;[4] đang hạn chế, cản trở việc thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.
- Luật Doanh nghiệp 2005 mới chỉ quy định chung về hồ sơ, thủ tục khi đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất và sáp nhập; chưa xác định rõ các phương thức sáp nhập, hợp nhất; chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về đăng ký doanh nghiệp sau khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập như thay đổi về vốn điều lệ hay thay đổi thành viên, cổ đông... Bất cập này đã dẫn đến lúng túng và khó khăn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục liên quan.
- Các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 về giải thể chỉ phù hợp đối với trường hợp giải thể tự nguyện; khó áp dụng trong trường hợp giải thể “bắt buộc” do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc theo quyết định của tòa án; chưa quy định cách thức xử lý doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, và  không làm thủ tục giải thể.
h) Về công khai và minh bạch hóa thông tin
Yêu cầu công khai và minh bạch hoá thông tin đối với doanh nghiệp nói chung còn yếu, nhất là đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng và doanh nghiệp nhà nước. Các yêu cầu về công khai hoá thông tin chưa thật đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế; chưa có cơ chế kiểm tra và giám sát một cách hiệu quả chất lượng của các thông tin được công bố.
i) Về doanh nghiệp nhà nước
Một trong số các mục tiêu hàng đầu của Luật Doanh nghiệp 2005 là tạo lập khung khổ pháp lý áp dụng thống nhất khung quản trị theo loại hình doanh nghiệp không phân biệt nguồn gốc sở hữu và đồng thời đổi mới cơ chế quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế.[5] Tuy vậy, việc triển khai áp dụng các nguyên tắc mới về quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ. Thực tế nói trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là những vấn đề đặc thù trong quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp. Cụ thể là:
- Chưa quy định về mục đích hoạt động và giới hạn phạm vị ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.
- Chưa quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Chính phủ nói chung trong vai trò đại diện chủ sở hữu theo ủy quyền của Quốc hội.
- Chưa quy định cụ thể thẩm quyền, cách thức xác định mục tiêu, chỉ tiêu đối với từng doanh nghiệp cụ thể; chưa xác định cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu và cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước, v.v...
- Chưa quy định đặc thù trong tổ chức, hoạt động và quy trình ra quyết định đối với hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nhà nước và mối quan hệ giữa cơ quan chủ sở hữu nhà nước và người trực tiếp đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, v.v…
- Chưa quy định yêu cầu tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính và các chức năng khác của nhà nước trong thực hiện quyền chủ sở hữu và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
- Chưa có quy định về giám sát, đánh giá trong hệ thống đại diện chủ sở hữu: Quốc hội đối với Chính phủ, Chính phủ đối với cơ quan (hay các cơ quan chủ sở hữu), cơ quan chủ sở hữu đối với người đại diện trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu; nhất là chưa quy định về giám sát, đánh giá trực tiếp, chủ động và thường xuyên của cơ quan chủ sở hữu đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp. Khiếm khuyết nói trên đã góp phần làm cho giám sát, đánh giá nội bộ của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp trở nên lỏng lẻo và kém hiệu lực.
- Quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước công khai hóa và minh bạch hóa tương tự như đối với các doanh nghiệp khác cùng loại cũng đã chứng tỏ chưa phù hợp cả về lý luận và thực tiễn. Công khai hóa và minh bạch hóa thông tin “dưới chuẩn” đã không phát huy được tác động tích cực của giám sát bên ngoài, giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư, khách hàng, đặc biệt là của nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước và cách thức, hiệu quả thực hiện quyền chủ sở hữu của nhà nước tại doanh nghiệp.
- V.v….
k) Về doanh nghiệp xã hội
Tương tự như nhiều nước khác trong khu vực và thế giới[6], trong thời gian  gần đây ở nước ta số doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã ngày càng gia tăng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp mà lợi nhuận thu được chủ yếu dùng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội hoặc môi trường. Theo điều tra sơ bộ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, hiện có khoảng vài trăm DNXH hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và xóa đói, giảm nghèo, v.v..
Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách cho thấy chủ  sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn DNXH được quy định và thừa nhận về mặt pháp lý; qua đó, có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH ở nước ta. Mong muốn nói trên là chính đáng; vì nếu được như vậy, DNXH ở nước ta sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển để trở thành lực lượng bổ sung cho Nhà nước, đồng hành cũng nhà nước trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường của đất nước.
II. MỤC TIÊU VÀ CÁCH THỨC SỬA ĐỔI LUẬT
1. Mục tiêu sửa đổi
Mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Các mục tiêu cụ thể mà dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm đạt được bao gồm:
- Tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng về thủ tục giữa các nhà đầu tư: trong nước & nước ngoài.
- Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp.
- Bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp.
- Tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường.
- Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
2. Các nguyên tắc và cách thức sửa đổi
Một là, kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong Luật doanh nghiệp 2000 và Luật Doanh nghiệp 2005, bao gồm:
- Tiếp tục hiện thức hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
- Tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động: góp vốn thành lập doanh nghiệp; tổ chức quản lý doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.
Hai là, khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp; tập trung vào các nội dung như đã trình bày phần trên.
Ba là, thể chế hóa vấn đề mới phát sinh. Thừa nhận chính thức sự tồn tại về mặt pháp lý của doanh nghiệp xã hội; đồng thời thúc đẩy sự phát triển loại hình doanh nghiệp này như một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội.
III. NHỮNG THAY ĐỔI, BỔ SUNG  CHỦ YẾU:
Về số lượng điều khoản: Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bao gồm 230 Điều, tăng 58 Điều so với Luật Doanh nghiệp 2005, trong đó có bổ sung thêm một chương riêng (Chương VII) về doanh nghiệp nhà nước. Ngoài các sửa đổi, bổ sung là các thay đổi cơ bản thì nhiều điều khoản khác được sửa đổi nhằm tạo ra quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn hoặc “luật hóa” các quy định chi tiết của văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.
Những thay đổi cơ bản của Luật được bổ sung, sửa đổi ở các chương, điều cụ thể như sau.
1. Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến 18)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi cơ bản 2 Điều (các Điều 3 và 4) và bổ sung thêm 5 Điều mới (các Điều 11, 12, 13, 16, 17 và 18).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Áp dụng thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực (Điều 3 dự thảo Luật).
- Sửa đổi và bổ sung thêm nhiều nội dung giải thích từ ngữ, trong đó có định nghĩa rõ khái niệm “hoạt động đầu tư nước ngoài” (Điều 4 Dự thảo Luật). Theo dự thảo Luật, đầu tư nước ngoài gồm những hoạt động sau của người nước ngoài tại Việt Nam: (i) Góp vốn để thành lập một doanh nghiệp mới ở Việt Nam, (ii) mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam và (iii) mua lại cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên của doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam.
Các nội dung bổ sung bao gồm:
- Xác định rõ địa vị pháp lý, vai trò và bổn phận của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được xác định rõ là cá nhân và là người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn trước tòa án (Điều 16 dự thảo Luật).
- Bổ sung khái niệm doanh nghiệp xã hội để luật hóa sự tồn tại nhằm thúc đẩy sự phát triển loại hình doanh nghiệp này như một phương thức mới giải quyết vấn đề xã hội. Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 65% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường đã đăng ký (Điều 13 dự thảo Luật).
2. Chương II: Thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp (từ Điều 19 đến 47)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 15 Điều (các Điều: 21, 22, 24, 25, 26, 27, 31, 32, 34, 35, 38, 39, 41, 43, 45) và bổ sung thêm 5 Điều mới (các Điều: 20, 33, 36, 42 và 47) và bãi bỏ một Điều (Điều 20 Luật doanh nghiệp 2005).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định, v.v... (các Điều 25, 26, 27 dự thảo Luật)
- Tiếp tục đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, như: đơn giản hóa nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, v.v... (Điều 31 dự thảo Luật).
Các nội dung bổ sung mới bao gồm:
- Áp dụng thống nhất các thủ tục của Luật Doanh nghiệp về thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (bãi bỏ Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2005)
- Xác định rõ quyền thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc không hạn chế tỷ lệ phần vốn góp hoặc cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam trừ trường hợp bị hạn chế theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế (Điều 20 dự thảo Luật).
- Bổ sung quy định hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp một cách rõ ràng hơn và theo nguyên tắc là thủ tục thông báo (Điều 33 dự thảo Luật).
3. Chương III, mục 1: Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (từ điều 48 đến 73)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 11 Điều (các Điều: 49, 50, 51, 54, 57, 60, 61, 62, 63, 66, 71) và bổ sung thêm 2 Điều mới (các Điều: 64, 67).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Rút ngắn thời hạn thành viên phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bằng thời hạn thanh toán mua cổ phần của công ty cổ phần (Điều 49 dự thảo Luật).[7]
- Cho phép công ty linh hoạt hơn trong quy định trình tự, thủ tục triệu tập họp Hội đồng thành viên trong trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành họp (Điều 60 dự thảo Luật).
- Thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp Hội đồng thành viên dưới hình thức hội nghị trực tuyến hoặc phương tiện thông tin tương tự khác (Điều 61 dự thảo Luật).
- Giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định Hội đồng thành viên xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” (Điều 61 dự thảo Luật).
4. Chương III, mục 2: Công ty TNHH 1 thành viên (từ Điều 74 đến 88)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 11 Điều (các Điều: 77, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88) và bổ sung thêm 2 Điều mới (các Điều: 75, 78).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Quy định rõ thời thời hạn thanh toán đủ vốn điều lệ khi thành lập công ty là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tương tự như quy định đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên (Điều 75 dự thảo Luật).
- Quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quyền của kiểm soát viên, như tham dự và thảo luận tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên, cuộc họp của công ty (Điều 83 dự thảo Luật).
- Bãi bỏ yêu cầu đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong trường hợp công ty kết nạp thêm thành viên (Điều 88 dự thảo Luật).
Các nội dung bổ sung bao gồm:
- Quy định rõ nguyên tắc thực hiện quyền chủ sở hữu trong một số trường hợp đặc biệt như chủ sở hữu: chết, mất tích, bị kết án tù, giải thể hoặc phá sản (Điều 78 dự thảo Luật).
5. Chương IV: Công ty cổ phần (từ Điều 89 đến 151)
Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 32 Điều (các Điều: 94, 98, 100, 103, 105, 106, 110, 111, 113, 115, 116, 118, 119, 120, 121, 122, 123, 125, 129, 130, 131, 132, 133, 134, 135, 139, 142, 143, 144, 145, 146, 151) và bổ sung thêm 8 Điều mới (các Điều: 90, 91, 101, 102, 104, 127, 128, 141).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Bổ sung thêm mô hình quản trị doanh nghiệp theo mô hình quản trị đơn hội đồng đối với công ty cổ phần để phù hợp với thực tiễn tốt của quốc tế và tăng thêm lựa chọn cho nhà đầu tư. Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, công ty cổ phần có thể lựa chọn áp dụng mô hình quản trị đơn hội đồng hoặc đa hội đồng (Điều 113, 130 dự thảo Luật).
- Mở rộng nội dung cho phép công ty quy định nguyên tắc quản trị doanh nghiệp cụ thể hơn, chi tiết hơn so với Luật Doanh nghiệp 2005 hoặc chỉ áp dụng quy định của luật nếu điều lệ không có quy định khác, như áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu, trình tự, thủ tục triệu tập họp, cách thức biểu quyết tại cuộc họp…
- Thừa nhận giá trị pháp lý của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị dưới hình thức hội nghị trực tuyến hoặc phương tiện thông tin tương tự khác (Điều 119, 133 dự thảo Luật).
- Giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định Đại hội đồng cổ đông xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định “đặc biệt” (điều 123 dự thảo Luật). Tỷ lệ tương ứng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 là 65% và 75%.
- Bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của cổ đông. Ví dụ: quy định chi tiết hơn về bổn phận người quản lý công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý khi cần thiết (Điều 139, 140, 141 dự thảo Luật).
- Quy định chi tiết hơn và bổ sung một số quyền của Ban kiểm soát, như tham dự và thảo luận tại các cuộc họp của Hội đồng thành viên, cuộc họp của công ty; nhiệm vụ đánh giá hiệu lực và hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty (Điều 145 dự thảo Luật).
- Bổ sung yêu cầu công khai hóa thông tin kịp thời và đầy đủ đối với công ty cổ phần để tương thích với thông lệ quốc tế tốt, như: điều lệ doanh nghiệp, danh sách thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc, thành viên ban kiểm soát, cổ đông nước ngoài, cổ đông lớn (Điều 151 dự thảo Luật).
Các nội dung bổ sung bao gồm:
- Sửa đổi quy định về vốn công ty cổ phần theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng và thống nhất các khái niệm về vốn công ty cổ phần. Có 2 khái niệm cơ bản về vốn công ty cổ phần: cổ phần được quyền phát hành và cổ phần đã phát hành (Điều 91 dự thảo Luật). Cổ phần được quyền phát hành của công ty cổ phần là tổng số cổ phần mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ phát hành để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã phát hành và cổ phần chưa phát hành. Cổ phần đã phát hành là số cổ phần được quyền phát hành đã được các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã phát hành là vốn điều lệ công ty cổ phần (Điều 90 dự thảo Luật).
- Xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong yêu cầu cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 91 dự thảo Luật).
- Bổ sung quy định về phát hành cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng một cách hợp lý, đơn giản so với quy định hiện hành (Điều 102 dự thảo Luật).
6. Chương VI: Doanh nghiệp tư nhân (từ điều 163 đến 167)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 2 Điều là Điều 163 và 166 dự thảo Luật. Nội dung sửa đổi cơ bản là xác định rõ hạn chế đối với chủ doanh nghiệp tư nhân: không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh; doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần (Điều 163 dự thảo Luật).
7. Chương VII: Doanh nghiệp nhà nước (từ điều 169 đến 200)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung thêm Chương VII về doanh nghiệp nhà nước. Chương này bao gồm 31 điều khoản, được chia thành 3 mục với nội dung cụ thể như sau.
Mục I bao gồm 6 Điều, từ Điều 169 đến 175, quy định về nội dung cơ bản sau:
- Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của khu vực doanh nghiệp nhà nước và từng doanh nghiệp nhà nước (Điều 170 dự thảo Luật).
- Xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong doanh nghiệp (Điều 171 dự thảo Luật).
- Quy định cụ thể về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước trong doanh nghiệp theo các nguyên tắc: (i) tách biệt việc thực hiện các quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của Chính phủ, (ii) thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu một cách độc lập và chuyên trách, tập trung và thống nhất. Mỗi doanh nghiệp có một cơ quan đại diện chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp đó. Và (iii) không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh; đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (từ Điều 172 đến 175 dự thảo Luật).
Mục II bao gồm 18 Điều, từ Điều 176 đến 194. Mục này quy định về nguyên tắc quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên. Mục này bao gồm quy định “đặc thù”, cần có quy định chi tiết hơn (so với quy định của Luật Doanh nghiệp) về nguyên tắc quản trị trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chủ sở hữu là nhà nước. Ví dụ như tiêu chuẩn về điều kiện người quản lý.
Mục III bao gồm 5 Điều, từ Điều 195 đến 200. Mục này quy định về yêu cầu công khai hóa thông tin đối với doanh nghiệp có sở hữu vốn nhà nước; theo đó doanh nghiệp nhà nước sẽ phải công khai hóa thông tin một cách định kỳ và bất thường.
8. Chương VIII: Nhóm công ty (từ Điều 201 đến 207)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 2 Điều (các Điều: 201, 205) và bổ sung thêm 3 Điều mới (các Điều: 202, 206, 207).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Xác định rõ khái niệm Tập đoàn kinh tế (Điều 201 dự thảo Luật). Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các nội dung bổ sung bao gồm:
- Bổ sung quy định về nhóm công ty mẹ - công ty con; cấm các công ty con trong cùng một nhóm công ty không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau, không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật này (Điều 202 dự thảo Luật).
- Bổ sung quy định nhằm làm rõ hơn cơ cấu và mối quan hệ giữa các công ty trong tập đoàn và yêu cầu minh bạch hơn đối với Tập đoàn kinh tế (Điều 205, 206, 207 dự thảo Luật).
9. Chương IX: Tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp (từ Điều 208 đến 223)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 9 Điều (các Điều: 208, 209, 210, 211, 212, 213, 214, 215, 218) và bổ sung thêm 3 Điều mới (các Điều: 219, 220, 222).
Các nội dung sửa đổi cơ bản bao gồm:
- Mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty. Cho phép các công ty có cùng bản chất (có thể khác loại hình thức tổ chức) có thể hợp nhất, sáp nhập, chia, tách (các Điều 208, 209, 210 và 211 dự thảo Luật).
- Bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp và đăng ký lại doanh nghiệp sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách (các Điều 208, 209, 210 và 211 dự thảo Luật).
- Quy định rõ hơn và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trình tự giải thể được quy định theo các bước: (i) quyết định giải thể, (ii) công bố tình trạng doanh nghiệp đang giải thể, (iii) yêu cầu xóa tên doanh nghiệp (Điều 218 dự thảo Luật).
Các nội dung bổ sung bao gồm:
- Bổ sung quy định hướng dẫn giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của tòa án (Điều 219 dự thảo Luật).
- Bổ sung quy định hướng dẫn về hồ sơ giải thể doanh nghiệp (Điều 220 dự thảo Luật).
10. Chương X. Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp (từ Điều 224 đến 230)
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã sửa đổi 1 Điều (Điều 228 dự thảo Luật) nhằm thu hẹp các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; chỉ áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, buộc doanh nghiệp phải chấm dứt toàn bộ hoạt động. 
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN Ý XIN Ý KIẾN KHÁC NHAU.
Quá trình tham vấn ý kiến cho thấy đã có sự nhất trí cao của các bộ, cơ quan nhà nước có liên quan, của cộng đồng doanh nghiệp và các bên có quan tâm khác về hầu hết các nội dung bổ sung, sửa đổi như trình bày trên đây. Tuy vậy, vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau sau đây:
1. Đăng ký thành lập doanh nghiệp
Có ý kiến cho rằng thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay ở nước ta qua đơn giản, nên một số doanh nghiệp đã thành lập để lừa đảo, mua bán hóa đơn, hoàn thuế VAT,.v.v..…
Như trên đã trình bày, thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp ở nước ta đã có thay đổi, đơn giản nhiều so với trước đây. Thực tế cho thấy những cải cách đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 đã tạo ra bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, huy động vốn, phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng đóng góp cho ngân sách. Tuy vậy, xét theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mức độ thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh vẫn thấp hơn chuẩn mực trung bình của quốc tế. Vì vậy, cần phải có thay đổi theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh hơn là ngược lại. Còn các hiện tượng nói trên thuộc lĩnh vực thực hiện các luật thuế, thực hiện luật doanh nghiệp và chế tài các hành vi vi phạm luật, không phải là vấn đề từ nội dung của Luật Doanh nghiệp.
2. Về việc ghi và mã hóa ngành nghề khi đăng ký doanh nghiệp.
Về yêu cầu đăng ký và ghi ngành nghề trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hiện có ba loại ý kiến như sau:
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; người thành lập doanh nghiệp không phải ghi ngành nghề kinh doanh dự kiến trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; bởi vì, theo quy định của Hiến pháp, công dân có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; người thành lập doanh nghiệp chỉ phải ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nếu họ dự kiến kinh doanh ngành nghề kinh doanh đó.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng: người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh; còn việc xếp ngành nghề kinh doanh đã đăng ký theo phân loại ngành kinh tế quốc dân là việc làm của cơ quan nhà nước có liên quan, theo yêu cầu quản lý nhà nước của từng cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn phương án theo quan điểm thứ hai với lý do sau đây. Phương án được lựa chọn tuy chưa phải là đơn giản hóa, thuận lợi đến mức tối đa như đề xuất của loại ý kiến thứ nhất (được nhiều nước khác làm), nhưng đây là một bước đột phá mạnh mẽ trong hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp như quy định của Hiến pháp mới được bổ sung, sửa đổi. Ngoài ra, yêu cầu đăng ký như trình bày nói trên vừa giúp doanh nghiệp nhận thức được rằng để kinh doanh hợp pháp các ngành, nghề đó, họ phải có đủ điều kiện theo quy định; vừa tạo thuận lợi hơn cho việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
3. Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài. 
Phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Doanh nghiệp 2005 đã có những thay đổi theo hướng giảm dần khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu nước ngoài. Tuy vậy, quy định pháp luật, cam kết quốc tế và thực tiễn thi hành vẫn có khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Thực tế cho thấy đối với đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài còn có khác nhau về thủ tục và điều kiện gia nhập thị trường, về phạm vi ngành nghề tự do kinh doanh, về quyền kinh doanh, về cách thức quản lý nhà nước và một số nội dung khác. Ngoài ra, do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” và “doanh nghiệp nước ngoài”, nên việc áp dụng các khác biệt nói trên trên thực tế là rất lúng túng, chưa nhất quán; gây khó khăn, phiền hà cho các nhà đầu nước ngoài và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Vì vậy, yêu cầu xác định rõ, cụ thể nội dung các khái niệm nói trên là rất cần thiết.
“Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” được kiến nghị là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp có ít nhất 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), “nhà đầu tư nước ngoài” phải đạt những điều kiện sau:
- Cá nhân có quốc tịch nước ngoài.
- Tổ chức được thành lập ở nước ngoài và theo pháp luật nước ngoài.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về khái niệm “Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” hiện có ý kiến khác, đề nghị coi doanh nghiệp có 10% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết trở lên là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Có hai lý do cho kiến nghị nói trên. Một là kinh nghiệm quốc tế, nhất là của các nước OECD lấy giới hạn tối thiểu là 10% sở hữu; và hai là, xác định giới hạn 10% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là để đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng kinh nghiệm quốc tế là đa dạng. Nhiều nước có quy định giới hạn tối thiểu là 50% hoặc 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Còn ở các nước OECD, tuy xác định 10% sở hữu, nhưng ở đó về cơ bản không có khác biệt về đối xử giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài như ở nước ta; và phân biệt nói trên chủ yếu cho mục đích thống kê.
Về hiệu lực quản lý nhà nước, giới hạn 51% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn; bởi vì, nỗ lực quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp mà quyền quyết định và lợi ích tại đó do người nước ngoài chi phối.
Ngoài ra, các quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán về cơ bản cũng đã thừa nhận tỷ 49/51; yêu cầu phát triển thị trường chứng khoán đang đòi hỏi mở rộng và tăng thêm tỷ lệ sở hữu  của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam.
4. Doanh nghiệp nhà nước
Liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hai vấn đề lưu ý.
a) Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bổ sung thêm Chương VII về doanh nghiệp nhà nước. Về vấn đề này, có ý kiến khác cho rằng không nên có thêm chương về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp. Bởi vì, Luật doanh nghiệp quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Do đó, nếu đưa thêm một chương về doanh nghiệp nhà nước sẽ làm sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật doanh nghiệp; còn những đặc thù của doanh nghiệp nhà nước nên quy định tại Luật về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng xét về hình thức thì có một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước có vẻ không hợp lý đối với vai trò, chức năng và kết cấu truyền thống của Luật doanh nghiệp. Tuy vậy, nội dung của chương riêng về doanh nghiệp nhà nước không quy định doanh nghiệp nhà nước như một hình thức pháp lý, mà chỉ quy định các vấn đề quản trị đặc thù, bổ sung hoặc thay thế cho các nội dung tương ứng về quản trị đã quy định tại các chương tương ứng về công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Vì vậy, xét sâu hơn về nội dung, một chương như dự thảo về doanh nghiệp nhà nước không làm đảo lộn, mà trái lại cũng cố thêm vị trí và chức năng của Luật Doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, như trên đã nói, đây là những vấn đề đặc thù về quản trị công ty, không phải là vấn đề đầu tư, nên quy định ở Luật doanh nghiệp là hợp hợp lý và có hệ thống hơn quy định ở các luật khác.
b) Vấn đề thứ hai là tách biệt chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của nhà nước.
Đa số ý kiến nhất trí yêu cầu và quy định về tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của nhà nước. Điều này có nghĩa là cơ quan đại diện trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp không được trực tiếp thực hiện các chức năng khác của nhà nước như hoạch định và thực thi chính sách, quản lý và giám sát thị trường và các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác.
Tuy vậy, muốn thực hiện được yêu cầu nói trên cũng như những quy định khác về cách thức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, cần có cơ quan chủ sở hữu chuyên trách và độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nếu cơ quan chủ sở hữu như vậy chưa được thiết lập, thì các nội dung tương ứng dù đã được quy định cũng sẽ chưa thực hiện được.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các mối quan tâm nói trên. Vì vậy, cùng với việc soạn thảo, hoàn thiện nội dung dự thảo luật theo hướng nói trên, cũng cần đẩy nhanh việc nghiên cứu và thành lập cơ quan thích hợp chuyên trách thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kính trình Chính phủ xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Lãnh đạo Bộ;
- ĐTNN, ĐKKD, QLKKT, PTDN, QLKT,
- Lưu VT, PC.
BỘ TRƯỞNG





Bùi Quang Vinh



[1] Mặc dù tại thời điểm hiện nay, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2005 đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là dễ dàng hơn nhiều so với trước đây và so với các thủ tục hành chính khác.
[2] Mục tiêu của quy định cho phép thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn được góp vốn theo tiến độ và phải góp đủ trong thời hạn tối đa 3 năm là nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sử dụng vốn vốn một cách có hiệu quả, phù hợp với tiến độ triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục tăng vốn, bổ sung thêm vốn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn là dễ dàng và thuận lợi; vì vậy, không nhất thiết phải có các quy định về kéo dài thời hạn góp vốn. Riêng đối với công ty cổ phần thì các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
[3] Báo cáo kinh doanh 2014 của Ngân hàng thế giới
[4] Công ty cùng loại là các công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu không được coi là cùng loại.
[5] Điều 168 Luật Doanh nghiệp đã quy định 5 nguyên tắc cơ chế quản trị mới đối với doanh nghiệp nhà nước.
[6] DNXH đã và đang trở thành  phong trào phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước như  Anh, Mỹ, Ấn ĐộThái LanSingaporeIndonesia… Ở Anh năm 2011 số lượng DNXH đã lên tới 55.000 doanh nghiệp, đạt 27 tỷ bảng doanh thu, đóng góp 8,4 tỷ bảng/năm cho GDP, sử dụng 475.000 lao động, chiếm 5% tổng số lao động của khu vực doanh nghiệp. Các DNXH đã chứng tỏ được thế mạnh của mình trong việc khai thác các sáng kiến xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội và môi trường tiềm tàng, tăng cường tính bền vững của các giải pháp xã hội thông qua các nguyên tắc và động lực thị trường.
[7] Luật doanh nghiệp 2005 quy định thời hạn này là 3 năm.

No comments:

Post a Comment