Ông Obama tránh nhà báo, lên trực thăng
Báo Daily Mail (Anh) dùng tựa: "AWOL Obama lại bốc hơi” để tường thuật 3 giờ sau khi có tin Sotloff bị xử tử phát ngày 2.9, ông Obama rời Nhà Trắng mà không có một lời bình luận nào, trong tiếng máy trực thăng ồn ào và trước các câu hỏi gào thét của các nhà báo về việc liệu Mỹ có đánh trả IS một cách công khai và có ý nghĩa.
AWOL là chữ tắt của thuật ngữ “nghỉ không phép”, thường dùng để chỉ lính đào ngũ.
Tin Sotloff bị xử tử loan trên mạng lúc 13 giờ 05 phút trưa 2.9, sau khi thư ký Nhà Trắng Josh Earnest bắt đầu cuộc họp báo ngắn hàng ngày với các nhà báo. 4 phút sau, Earness nói ông chưa nghe tin này.
Lúc 15 giờ 40, ông Obama đi ngang qua các nhà báo mà không nói câu nào, lên trực thăng Marione One rời Nhà Trắng, đến căn cứ không quân Andrew để đáp chuyên cơ Air Force One lúc 16 giờ đi thăm Estonia và dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Xứ Wales.
Hai tuần trước, ông Obama bị chỉ trích mạnh vì bị chụp ảnh đang chơi golf, chỉ vài phút sau khi ông trịnh trọng nói chuyện IS xử tử nhà báo ảnh James Foley cũng bằng cách cắt đầu.
Khi chiếc Marine One cất cánh khỏi Nhà Trắng, CNN tải lên mạng đoạn video phỏng vấn Brett McGurk, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vụ Iraq –Iran. McGurk nói người Mỹ nên chờ phản ứng chính thức của chính phủ:
“Mỹ đang xây một liên minh lớn trong khu vực, để giúp chính phủ Iraq đứng vững, giữ đúng kế hoạch chúng tôi đã đề ra. Vậy thì quý vị nên chờ. Quý vị không thể dùng quân sự rồi thả bom rồi hy vọng nó sẽ có hiệu quả. Quý vị phải có một cách tiếp cận vấn đề này thật hiện đại. Chúng tôi đang lập một chiến dịch quốc tế và chúng tôi sẽ phát triển trong các ngày tới, các tuần tới”.
Tuyên bố này giống các điều ông Obama nói cách đây 5 ngày, thừa nhận ông chưa quyết định mở rộng chiến dịch oanh kích IS từ Iraq vào Syria. Lúc đó ông nói: “Chúng tôi chưa có chiến lược nào”.
Xem ra nhà báo nữ Christiane Amanpour của CNN không giữ được kiên nhẫn, đáp trả McGurk: “Ông bảo hãy chờ, nhưng cùng lúc, IS bận chặt đầu đồng nghiệp của chúng tôi, dọa sẽ còn nhiều vụ nữa, thảm sát người dân và tiến hành sự bạo tàn mà từ lâu chúng ta không thấy”.
Không lâu sau khi McGurk hoàn tất cuộc trả lời phỏng vấn, là cảnh ông Obama im lặng lên chiếc trực thăng. Bộ Ngoại giao Mỹ thì ráng xóa tin xấu bằng thông cáo báo chí về lễ động thổ Trung tâm ngoại giao Mỹ, cuộc họp của người đồng tính giới châu Âu…
Sau vụ Sotloff, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Bernadette Meehan nói từ Nhà Trắng: các cơ quan tình báo đang xác minh độ trung thực của đoạn phim, và chia buồn với gia đình và bạn bè của Sotloff.
Người phát ngôn Jen Psaki của Bộ Ngoại giao Mỹ thì lẫn lộn vụ xử tử Sotloff với vụ Foley: “Chắc chắn chúng tôi xem hành vi giết James Foley là một hành động khủng bố kinh hoàng. Nếu đoạn băng này là thật, chúng tôi phát bệnh vì hành động bạo tàn này, lấy đi mạng sống của một công dân Mỹ vô tội khác”. Khi được hỏi liệu chính phủ Obama sẽ xem vụ xử Sotloff là một “hành vi gây chiến” hay không, bà từ chối trả lời.
Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tăng sự lo ngại trước việc Nhà Trắng chậm tìm ra cách chống IS.
Phe Cộng hòa đang đòi phải có kế hoạch đập tan IS tại hậu cứ của tổ chức này tại Syria. Thượng nghị Johnny Isakson viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta cần phát một thông điệp rõ ràng đến Trung Đông và thế giới, rằng chỉ có một cách đối xử với IS: hãy giết chúng”.
Chủ tịch tiểu ban đối ngoại Hạ viện, Ed Royce nói với CNN: “Đoạn video xử tử Sotloff là lý do chính xác vì sao chúng ta phải săn lùng IS, tại sao chúng ta không thể để chúng gieo rắc đau thương. Chúng là lũ giết người. Chúng quá bạo tàn”.
Đảng dân chủ cũng bắt đầu thắc mắc thái độ “Hãy đợi đấy” của chính phủ Obama. Hạ nghị sĩ Elliot Engel ủng hộ chuyện oanh kích IS ở Syria khi trả lời phỏng vấn của CNN.
Nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch tiểu ban tình báo thượng viện, nói với NBC hôm 31.8: “Tôi biết được một điều về tổng thống, là ông ấy quá cẩn trọng. Có lẽ trong trường hợp này là quá cẩn trọng”.
Tin tức về Sotloff tạo thêm nỗi nhức đầu cho ông Obama vốn phải tìm cách xử lý những vụ khủng hoảng ở Trung Đông, Ukraine. Nhà sử học Julian Zelizer ở đại học Princeton nói: “Vụ cắt đầu thứ hai là một hành vi bạo tàn và cũng là một hành vi chính trị. Rõ ràng nó có nghĩa phát một tín hiệu rằng ông Obama khong nắm quyền kiểm soát, rằng các cuộc oanh kích đã tiến hành thật ra chẳng làm được gì, và IS sẽ tiếp tục hành động ngông cuồng và sẽ giết người”.
Theo báo Christian Science Monitor, khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới, ông Obama đang phải đấu với một chuyện kể rằng ông là một lãnh đạo không hiệu quả, lúng túng khi đối diện những đe dọa nghiêm trọng từ nước ngoài, và là những đe dọa cũng có thể xảy ra ngay trên đất Mỹ.
Ngày 11.9 tới sẽ kỷ niệm 13 năm ngày Mỹ bị khủng bố tấn công, và kỷ niệm năm thứ hai vụ lãnh sự quán Mỹ tại Benzaghi (Libya) bị tấn công: tất cả đều chỉ làm tăng sự chú ý vào những đe dọa mà khủng bố dành cho dân Mỹ.
Hiện IS còn có nhiều con tin người nước ngoài, gồm hai nhân viên cứu trợ người Mỹ và Anh cùng 7 nhà báo không phải người Mỹ. Xem ra chúng sẵn sàng tiếp tục xử tử những con tin này. Đoạn video xử tử Sotloff kết thúc với lời dọa giết tiếp nhân viên cứu trợ David Cawthorne Haines người Anh.
Trong trường hợp này, dân Anh sẽ ủng hộ các vụ oanh kích IS ở Iraq và Syria, theo báo Independent (Anh) chứ hiện họ không ưng cùng Mỹ tiến hành oanh kích.
Chắc chắn ông Obama sẽ hoan nghênh sự góp tay của một đồng minh. Vấn đề là con đường phía trước rất mù mờ. Nhà báo Steve Coll viết trên báo New Yorker:
“ Câu hỏi về việc ông Obama sẽ nối lại cuộc chiến ở Iraq hay không không nằm ở chỗ lý do nào, mà là nó sẽ dẫn đến đâu. Oanh kích một tổ chức khủng bố nhiều vốn sẽ không có tác dụng gì, nếu không đi kèm một cuộc đổ lính bộ binh. Sẽ là một sai lầm thảm họa nếu Mỹ nhận vai trò đổ bộ ấy. Ở Syria, các lựa chọn này sẽ còn tệ hơn”.
Trần Trí (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment