Sinh viên lên tiếng
Sinh viên Hồng Kông lên kế hoạch bãi khóa một tuần, từ ngày 22/9, để cùng các tổ chức bảo vệ dân quyền và nhân quyền bày tỏ quan điểm, yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho người dân đặc khu quyền tự do ứng cử và bầu cử.
Chủ tịch Hội sinh viên Hồng Kông Lương Lệ Quắc nói đây là việc cần phải làm để tiếng nói của cử tri Hồng Kông được tôn trọng.
Quyết định bãi khóa được sinh viên đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc ngày 31/8 thông báo sẽ cho người dân Hồng Kông quyền bỏ phiếu chọn lãnh đạo đặc khu từ năm 2017 nhưng ứng cử viên lãnh đạo cần được Ủy ban đề cử thân Trung Quốc giới thiệu và phải được ít nhất một nửa thành viên của Ủy ban đề cử ủng hộ.
Sinh viên Hồng Kông phát tờ rơi kêu gọi bày tỏ quan điểm, cho người dân đặc khu quyền tự do ứng cử và bầu cử. |
Trong tuần này, khoảng 200 thành viên của Hội sinh viên Hồng Kông cũng đã nhóm họp lần đầu tiên để lên kế hoạch bãi khóa. Dự kiến, sinh viên của khoảng 10 đại học lớn sẽ tham dự đợt bãi khóa sắp tới. Một số học sinh trung học có thể sẽ tham dự bãi khóa nhưng số lượng tham dự sẽ ít hơn.
Trước đó, ngày 1/9, khoảng 20 tình nguyện viên do đảng Dân Quyền huy động đã lái xe đi chầm chậm qua các đường phố ở quận trung tâm Hồng Kông để tập dượt cho sự kiện biểu tình ngồi sắp tới.
Tổng Thư ký Liên đoàn sinh viên Hồng Kông Alex Chow nói việc bãi khóa sẽ được phối hợp với hoạt động tại nhiều sự kiện công cộng với mục tiêu là ủng hộ phong trào dân chủ và thuyết phục chính quyền Hồng Kông - cơ quan trình dự luật sửa đổi cách thức bổ nhiệm hay bầu Trưởng Đặc khu lên Ủy ban lập pháp, tức Quốc hội Hồng Kông - nhằm thúc đầy quan chức Trung Quốc nhượng bộ nhiều hơn.
Dự luật sửa đổi cách thức bổ nhiệm hay bầu Trưởng Đặc khu chỉ được thông qua nếu nhận được sự ủng hộ của hơn 2/3 các nhà lập pháp.
Hiện, các nhà lập pháp theo đường lối dân chủ chiếm 27/70 ghế ở Quốc hội, cam kết sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào dựa trên các yêu cầu mà chính quyền Trung Quốc đưa ra.
Alex Chow thừa nhận: "Vẫn có một chút hy vọng về việc Ủy ban lập pháp sẽ khước từ đề xuất của Bắc Kinh nhưng điều này rất khó xảy ra. Tuy nhiên, nếu người dân giữ im lặng về đề xuất của Bắc Kinh thì chính quyền trung ương sẽ bắt đầu bác bỏ các quan điểm về các vấn đề ít gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như quy hoạch thành phố hay phát triển kinh tế".
Bên cạnh đó, tại Hồng Kông, một số người đang theo dõi phong trào phản kháng với thái độ lo ngại thay vì ủng hộ. Những người này cho rằng việc có quyền bầu chọn lãnh đạo, dù chỉ dựa trên danh sách hạn chế, vẫn tốt hơn không có bất kỳ sự lựa chọn nào. Trong khi đó, một số người khác lo các cuộc biểu tình phản đối kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc làm ăn và du lịch, làm tổn hại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Tình hình vẫn nhiều bất ổn
Quốc hội Trung Quốc hôm 31/8 đã bác bỏ lời kêu gọi về việc công khai đề cử các ứng viên cho vị trí trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông. Theo đó, người dân Hồng Kông có thể được bầu chọn trực tiếp lãnh đạo của mình vào năm 2017 nhưng việc đề cử ứng viên cho vị trí này sẽ được tiến hành thông qua một ủy ban đại diện.
Ngày 1/9, trong lúc Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Phi giải thích về quyết định của Bắc Kinh, khoảng 100 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ la ó, hô khẩu hiệu và làm gián đoạn bài phát biểu của ông này. Không chỉ vậy, những người biểu tình còn dọa sẽ bám sát ông Lý suốt thời gian lưu lại Hồng Kông.
Cảnh sát Hồng Kông đã phải xịt hơi cay để giải tán các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ. Đụng độ cục bộ xảy ra giữa người dân và cảnh sát Hồng Kông ở bên ngoài Trung tâm Hội nghị triển lãm thế giới châu Á, nơi Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc phát biểu khiến ít nhất 4 người bị trúng tiêu cay, còn đám đông thì hỗn loạn.
Một nhà hoạt động đang được chăm sóc sau khi bị xịt hơi cay. |
Có thể thấy Trung Quốc khó có thể mềm mỏng với Hồng Kông được nữa. Vào hôm 28/8, báo chí Hồng Kông đưa tin, một số xe bọc thép có trang bị súng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xuất hiện trên đường phố Hồng Kông đúng và thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc bắt đầu cuộc họp về vấn đề bầu chọn người lãnh đạo đặc khu này.
Sự xuất hiện của loại thiết bị quân sự hạng nặng vào thời điểm nhạy cảm phần nào làm dấy lên tâm trạng bất an của người dân Hồng Kông. Nhiều người lo ngại chính phủ Trung Quốc đang muốn phô trưng lực lượng, răn đe phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông, thậm chí có thể mạnh tay khi cần.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Trung Quốc ngày 2/9, chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Anh can thiệp vào nội bộ của Bắc Kinh khi mở cuộc điều tra về cải cách dân chủ ở Hồng Kông.
Ủy ban Đối ngoại của Trung Quốc đã gửi một lá thư cho chính phủ Anh lên án cuộc điều tra của các nghị sĩ Anh về thể chế dân chủ của Hồng Kông kể từ sau khi trở về lại với Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại London cũng lên tiếng cảnh báo các nghị sĩ Anh cần dừng lại.
“Đây là hành vi không phù hợp, là sự can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc - lá thư của Ủy ban Đối ngoại Trung Quốc viết - Hành động đó gửi tín hiệu sai trái tới thế giới bên ngoài và làm đứt quãng quá trình cải tổ chính trị của Hồng Kông”.
Lá thư cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ hành vi can thiệp trực tiếp hay gián tiếp nào từ Anh hay bất kỳ thế lực bên ngoài nào khác. Ủy ban Đối ngoại Trung Quốc cũng cảnh báo quan hệ Anh - Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
No comments:
Post a Comment