Wednesday, September 24, 2014

Nghỉ hưu không trả nhà công vụ: Muốn trả cũng khó vì...

Baodatviet.vn, Ngày 12/9/2014, http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nghi-huu-khong-tra-nha-cong-vu-muon-tra-cung-kho-vi-3057555/,             Cán bộ về hưu không trả nhà công vụ chủ yếu ở Hà Nội. Có nhiều lý do, có thể muốn độc chiếm, có thể vì nể, có khi vì khó...Trong phiên thảo luận về luật Nhà ở (sửa đổi), ngày 10/9, nhiều đại biểu bức xúc cho rằng tình trạng quản lý nhà công vụ rất khó khăn. Nhiều người nghỉ hưu rồi, về quê vẫn khăng khăng giữ chìa khóa, nhà nước không lấy lại được để phân cho người mới.Trả lời báo Đất Việt, các ĐBQH đều có nhận định chung lỗi là do quản lý.

Chỉ có ở Hà Nội
Cho biết tình trạng không bàn giao lại nhà công vụ ở Thanh Hóa không xảy ra, BQH Lê Nam (Thanh Hóa) cho biết, "ở các tỉnh cán bộ sử dụng nhà công vụ rất ít, chủ yếu cán bộ từ trung ương điều về hoặc những trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, đối tượng này cũng ít, không có nhiều cán bộ về hưu mà được giữ nhà ở công vụ. Chủ yếu cán bộ được phân nhà là ở Hà Nội, các cơ quan trung ương".
Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội).
Khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội).
Theo ông Nam, sở dĩ có tình trạng cán bộ ở nhà công vụ từ nhiều năm nhưng khi về hưu không trả nhà có thể vì lòng tham. Nhiều quan chức có điều kiện giàu có mua nhà, mua biệt thự nhưng lại không trả lại mà cố giữ lại để chiếm, để bán lại nhà...
Ngoài ra, do quy định pháp luật để đòi nhà không có; trong khi có thể có chuyện cả nể; Thứ ba, cũng có thể có lợi ích cá nhân thỏa thuận để cùng có lợi.
Ông Nam cũng khẳng định, có những trường hợp khó khăn thật. Theo ông, đối với trường hợp này phải có giải pháp đúng lý đúng tình. Khi họ phục vụ trong cơ quan nhà nước thì họ được hưởng chính shch, nhưng khi họ nghỉ hưu cũng phải có chính sách hỗ trợ họ được ở nhà ở xã hội hoặc hỗ trợ cho họ mua nhà ở thương mại. Nghĩa là khi họ không có khả năng, không có chỗ ở thì phải hỗ trợ họ khi họ hoàn trả lại nhà công vụ.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nam cho rằng cái khó là vì chúng ta chưa có được quy định về mặt luật pháp một cách rõ ràng, đầy đủ. Trước hết là đối tượng, cũng không phân rõ được đối tượng được hưởng nhà công vụ là ai, ai là người được ở nhà công vụ. Người được cấp là cán bộ luân chuyển, cán bộ vùng sâu vùng xa hay chỉ là cán bộ cấp cao…?
"Chính vì lâu nay vấn đề này chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc nên dẫn tới tình trạng nhà công vụ không trả, chính quyền biết sai nhưng không đòi được". Theo ông Nam, bây giờ đối tượng được ở như thế nào, cơ chế quản lý thế nào phải được phân định rõ? Quan trọng là ai chịu trách nhiệm quản lý những nhà công vụ đó…
Không biết trả ai
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết, trước tiên cơ quan quản lý phải tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể số nhà công vụ chưa được bàn giao chính xác là bao nhiêu. Theo đánh giá của bà, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng bà chắc rằng số lượng nhà công vụ chưa được giao trả không hề nhỏ.
Ở đây, rõ ràng có lỗi của khâu quản lý không nghiêm, thiếu chế tài pháp luật nên mới dẫn tới tình trạng người cũ không đi, người mới không có chỗ ở.
Tuy nhiên, điều đáng nói là vẫn còn tình trạng người tự giác muốn trả thì lại không biết trả ai.
"Vì chưa phân trách nhiệm quản lý công sản rõ ràng nên có những người đã từng nói với tôi là họ muốn trả nhưng không biết phải trả ai. Tất nhiên, cũng có những người cố tình muốn chiếm, muốn chuyển nhà công thành "của tư"", bà An nói.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bà An cho biết trong quy định của chúng ta hiện nay, đối tượng được ở nhà công vụ đã không được phân định rõ ràng nhưng thời hạn mặc định phải trả lại nhà cũng không có.
"Khi giao nhà công vụ bên cạnh những quy định về sử dụng nhà công vụ thì cần phải khẳng định khi hết nhiệm kỳ, không còn công tác nữa là phải bàn giao lại nhà. Ở đây không có. Rồi còn tình trạng nể nang, sếp mới không dám đòi sếp cũ..."
Theo bà An, để giải quyết tình trạng này triệt để cần phải công khai, minh mạch mọi thông tin, đối tượng được hưởng nhà công vụ. Bà cho rằng, chỉ khi tạo ra được một chính sách công bằng mới hi vọng chấm dứt tình trạng "chỉ chăm chăm lo đầy túi mình".
Lỗi do quản lý
"Giá cả thuê nhà công vụ với giá thị trường quá rẻ nên người ta muốn giữ lại để ở. Cũng có khi vì tham, không trả nhà công vụ vì muốn cố chiếm", ĐBQH Bùi Đức Thụ phản ánh.
Trước thông tin cho rằng nhà là nhà công vụ nhưng lại lấy lý do người ở cầm chìa khóa không đòi được, ông Thụ thẳng thắn "đó là lỗi quản lý". "Giá thuê nhà rẻ như làm phép, người thực thi lại không quyết liệt, triệt để dẫn tới tình trạng một người giữ được người khác cũng làm theo".
Trong phiên thảo luận vừa qua, hầu hết các ý kiến đều thống nhất giao cho Bộ Xây dựng là đầu mối duy nhất quản lý vấn đề này. Ông Thụ cho rằng, khi đó tình trạng cả nể cấp dưới không dám đòi cấp trên cũng sẽ chấm dứt khi tới đây quản lý nhà công sản được đưa vào Luật nhà ở.
ĐBQH Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng lỗi này là do quản lý của chúng ta lỏng lẻo nên tình trạng không giao trả lại nhà công vụ vẫn còn xảy ra. Đã là nhà công vụ thì mọi lý lẽ nào khi hết thời gian công tác phải giao trả lại cho nhà nước không thể để tình trạng cố nhôi nhai hòng "biến nhà công thành nhà tư".
Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng cho biết, còn có tình trạng phản ánh "không biết giao lại nhà cho ai". Ông cho rằng, ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Đang chờ báo cáo
Trước thông tin các ĐBQH phản ánh và yêu cầu cần có cuộc tổng rà soát toàn bộ số nhà công vụ để quản lý, ông Đỗ Đức Duy - Chánh văn phòng Bộ Xây dựng cho biết đơn vị nay đang chờ địa phương báo cáo.
"Khi có báo cáo cụ thể chúng tôi sẽ có những đánh giá và bàn cụ thể hướng xử lý".
Trước đó, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nói rõ: "Cán bộ về hưu dứt khoát phải trả lại nhà công vụ"
"Các Bộ, ngành và địa phương phải thực hiện việc rà soát, thống kê, phân loại nhà ở công vụ được giao quản lý để tiến hành sắp xếp phù hợp và thực hiện thu hồi nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng nhà ở công vụ không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, sử dụng không đúng mục đích.
Các trường hợp cán bộ đã về hưu, chuyển công tác về địa phương khác, đã mất hoặc không ở thì sẽ phải trả lại nhà ở công vụ.
Đối với trường hợp cán bộ hiện đang công tác đúng đối tượng, đủ điều kiện và đang ở nhà công vụ Hoàng Cầu thì sẽ được bố trí nhà ở công vụ mới của Chính phủ tại nhà chung cư CT1-CT2 và nhà chung cư CT7 mà Bộ Xây dựng đang được giao quản lý.
Còn các trường hợp khác, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch và quy trình xử lý cụ thể, thận trọng theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật.
Trường hợp cán bộ đã về nghỉ hưu, đang ở tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội thì khi trả lại nhà ở công vụ sẽ được ưu tiên mua nhà ở xã hội.
Các trường hợp hiện không ở tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu, đang sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho các cán bộ khác thuộc đối tượng, có nhu cầu.
Lam Lam

No comments:

Post a Comment