Wednesday, September 17, 2014

Mỹ-NATO-Kiev đừng “thêm dầu vào lửa”- Hòa bình mong manh lắm!

Baodatviet.vn, Thứ Bảy, 06/09/2014 13:28        http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/my-nato-kiev-dung-them-dau-vao-lua-hoa-binh-mong-manh-lam-3056391/       Biên bản ngừng bắn đã được ký kết nhưng giữa lời nói và hành động của Mỹ-NATO-Ukraine đang rất mâu thuẫn, dường như họ không thực sự muốn có hòa bình?


Thỏa thuận ngừng bắn được ký trên cơ sở Kế hoạch hòa bình 7 điểm
Ngày 3-9, Kiev đưa ra tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Piotr Poroshenko đã đạt tới “sự hiểu biết lẫn nhau liên quan đến những bước đi sẽ thúc đẩy thiết lập hòa bình" và đã đạt được thỏa thuận về ngừng bắn lâu dài ở đông-nam Ukraine, trong cuộc điện đàm giữa 2 vị nguyên thủ.
Trước đó, ông Dmitry Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga đã ghi nhận rằng "các nguyên thủ quốc gia Nga và Ukraine đã trao đổi quan điểm về những gì cần được thực hiện trên hết để nhanh chóng chấm dứt cảnh đổ máu ở vùng đông nam của Ukraine”.
Ngày 4-9, ông Peskov cũng cải chính tuyên bố của Kiev là các tổng thống Putin và Poroshenko không “thỏa thuận về ngừng bắn” mà chỉ đơn thuần là trao đổi các bước đi hướng tới hòa bình, bởi “Nga không phải là một bên xung đột”, nên chỉ trao đổi với Ukraine để “tìm kiếm phương hướng giải quyết”.
Vị thư ký báo chí của Tổng thống Nga giải thích với RIA Novosti rằng "thực tế là Nga không thể đàm phán ngừng bắn vì không phải là một bên tham gia xung đột". Ông Peskov khẳng định đó không phải là quyết định “do Nga và Ukraine đưa ra” mà chỉ do Kiev tự công bố. Ông cũng không bình luận về khả năng thiết lập liên lạc mới giữa hai nguyên thủ.
Được biết, phát biểu tại cuộc họp báo ở Ulan Bator, thủ đô Mông Cổ, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các bên xung đột ở Ukraine ngay lập tức ngừng mọi hoạt động tấn công, đặc biệt là việc quân độ Ukraine sử dụng máy bay quân sự chống lại dân thường và các khu định cư nằm trong vùng xung đột.
Ông Putin cũng nhấn mạnh sự cần thiết rút lui các đơn vị vũ trang của Ukraine ra xa các khu vực dân cư, đây sẽ là mục tiêu đầu tiên của kế hoạch giải quyết tình hình đông Ukraine do ông đề xuất. Tổng thống Nga cũng đề nghị tổ chức một hoạt động quốc tế giám sát đầy đủ và khách quan sự tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Tung 1000 quân đến Ukraine tập trận, phải chăng Mỹ và NATO muốn khiêu khích Nga?
Tung 1000 quân đến Ukraine tập trận, phải chăng Mỹ và NATO muốn khiêu khích Nga?
Ông cũng đề xuất tổ chức trao đổi những người bị bắt giữ dưới hình thức "tất cả đổi tất cả" không có bất kỳ điều kiện, mở hành lang nhân đạo cho người tị nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo đến các vùng Donetsk và Lugansk.
Điểm mục cuối cùng của kế hoạch này là gửi các đội sửa chữa đến những điểm dân cư Donbass bị ảnh hưởng để khôi phục các công trình bị phá hủy. Ông Putin cho rằng, thỏa thuận giữa chính quyền Kiev và các đại diện của đông nam Ukraine có thể đạt được có những bước tiến mới trong tương lai “nếu 2 bên cùng cố gắng”.
Kế hoạch 7 điểm của ông Putin, có thể rút gọn lại như sau: 1: Quân đội Ukraine và ly khai ngừng hoạt động quân sự; 2: Quân chính phủ Ukraine phải rút khỏi các trung tâm dân cư, ngoài tầm hỏa lực. 3: Tổ chức quan sát viên quốc tế giám sát ngừng bắn. 4: Không dùng máy bay chiến đấu với dân thường. 5: Trao trả tù binh không điều kiện. 6: Lập hành lang nhân đạo cho người tị nạn và hàng viện trợ. 7: Phục hồi cơ sở hạ tầng bị phá hủy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tuy thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết nhưng không có nghĩa là hòa bình đã được lập lại mà nó chỉ đạt được khi Kiev thực sự coi phe ly khai là bình đẳng và tìm được tiếng nói chung với họ. Nếu không, tiếng súng lại sẽ nổ ở miền đông nước này bất cứ lúc nào.
Và ngày hôm qua, Báo “Sự thật Ukraine” và Hãng thông tấn Nga Interfax đồng loạt đưa tin là đại diện của Ukraine và các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Lugansk đã ký Biên bản về ngừng bắn lúc 18h00 - theo giờ Moscow, tức 21h00 giờ Việt Nam - ngày 5-9, tại Minsk - thủ đô của Belarus,
Biên bản gồm 12 điểm, bao hàm tất cả các khía cạnh về kiểm soát, trao đổi tù binh và những vấn đề khác - các hãng thông tấn cho hay, tuy nhiên các phương tiện truyền thông cũng chưa đưa ra nội dung cụ thể của 12 điểm này (Một số kênh truyền thông khác, trong đó có Ria Novosti đưa tin biên bản gồm 14 điểm).
Biên bản ngừng bắn đã được ký kết trên cơ sở “Kế hoạch hòa bình 7 điểm” của Tổng thống Nga V.Putin
Biên bản ngừng bắn đã được ký kết trên cơ sở “Kế hoạch hòa bình 7 điểm” của Tổng thống Nga V.Putin
Biên bản được ký kết trong cuộc họp của Nhóm liên lạc về Ukraine, tổ chức tại Minsk. Về phía các quốc gia và tổ chức châu Âu có sự tham gia của cựu Tổng thống Ukraine - Leonid Kuchma, Đại sứ Nga tại Kiev - Mikhail Zurabov, Đại diện đặc biệt của OSCE - Heidi Tagliavini.
Đại diện cho phía ly khai Ukraine trong cuộc hội đàm lần này có Thủ tướng Cộng hòa nhân dân Donetsk - Aleksandr Zaharchenko, Phó Thủ tướng Cộng hòa nhân dân Donetsk - Andrei Purgin, và người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Lugansk - Igor Plotnitshky.
Thủ tướng Ukraine sợ rằng “đất nước chưa đủ loạn”?
Thỏa thuận ngừng bắn tuy đã được ký kết nhưng hòa bình ở Ukraine vẫn còn rất mong manh khi Mỹ-NATO và giới chức lãnh đạo ở Kiev vẫn còn giữ kiểu tư duy “thù địch” với Nga và lực lượng ly khai miền đông Ukraine, đồng thời có những tuyên bố và hành động hết sức khó hiểu.
Được biết trước đó, ông Vladislav Brig, đại diện Bộ Quốc phòng DNR nói với báo giới rằng, dân quân tự vệ nghi ngờ khả năng tất cả các đơn vị Ukraine sẽ chấp hành lệnh ngừng bắn của Tổng thống Poroshenko vì ông ta không kiểm soát được toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch quân sự ở đông nam nước này.
Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), Alexander Zakharchenko nói rằng, hoạt động “chống khủng bố” ở khu vực đông nam Ukraine - thường được gọi là Donbass - không chỉ có sự tham gia của quân đội chính quy Ukraine, mà còn cả Vệ binh quốc gia, nhóm dân tộc cực đoan Right Sector và các tiểu đoàn tư nhân khác.
Tuy vẫn ký kết Biên bản ngừng bắn trên cơ sở Kế hoạch hòa bình 7 điểm do ông Putin đưa ra nhưng những hành động của Kiev lại cho thấy những quan điểm ngược lại, đặc biệt là “tín hiệu” khẩn cấp xin gia nhập NATO và kế hoạch xây “vạn lý trường thành” trên biên giới, bao trọn cả vùng đông nam nước này, ngăn cách Nga-Ukraine.
Trong khi cáo buộc Nga là thủ phạm gia tăng căng thẳng ở đông nam Ukraine thì Mỹ và NATO lại điều quân đến Ukraine tập trận
Trong khi cáo buộc Nga là thủ phạm gia tăng căng thẳng ở đông nam Ukraine thì Mỹ và NATO lại điều quân đến Ukraine tập trận
Ngày 4-9, chính phủ Ukraine đã công bố “Kế hoạch tái thiết đất nước”, trong đó có dự án xây dựng một bức tường dọc biên giới với Nga trong vòng 6 tháng. Đây không phải là nghĩa bóng của nó, “đoạn tuyệt”quan hệ với Nga mà theo đúng nghĩa đen, tức là xây dựng một hàng rào được gia cố vững chắc giữa 2 nước", nhưng không hề nhắc đến vai trò của phe ly khai.
Kiev cho rằng, kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ, đường biên giới dài giữa Nga và Ukraine đã tồn tại những lỗ hổng lớn, đã giúp cho vũ khí và các tay súng Nga dễ dàng đi vào lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, nước này cần phải triển khai dự án “vạn lý trường thành” nhằm xây dựng một “đường biên giới quốc gia thực sự” giữa 2 nước.
Thủ tướng Yatsenyuk còn nhấn mạnh, cần phải có một quan điểm quân sự mới phản ánh Nga là một "quốc gia xâm lược", đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Ukraine. Vị Thủ tướng này tuyên bố: "Nga là một nhà nước khủng bố, một nhà nước xâm lược và sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế".
Ông cũng nhắc lại lời kêu gọi đã đưa ra hồi tuần trước rằng: "Liên quan tới NATO, tôi cho rằng quyết định đúng đắn nhất sẽ là chấp thuận để Ukraine trở thành một thành viên của NATO". Kiev cho rằng, chỉ có gia nhập NATO mới khiến chủ quyền lãnh thổ của Ukraine được bảo đảm.
Thật không thể hiểu nổi tại sao trong thời điểm đó, khi tình hình căng thẳng có khả năng được bình ổn tạm thời bằng 1 thỏa thuận ngừng bắn thì chính phủ và cá nhân ông Thủ tướng Yatsenyuk lại đưa ra những tuyên bố như trên. Có cảm giác là ông Thủ tướng Ukraine đang sợ rằng đất nước “chưa đủ loạn” nên muốn xới tung tất cả mọi thứ lên.
Tất cả những tuyên bố này chứng tỏ một điều, rõ ràng là thỏa thuận ngừng bắn này được ký kết không phải do Ukraine thực tâm muốn hòa giải dân tộc mà do họ không thể nhìn thấy chiến thắng trên chiến trường nên buộc phải xuống nước, còn quan điểm và tư tưởng thù địch của Kiev đối với Nga và lực lượng ly khai đông Ukraine là bất biến.
Binh sĩ Ukraine đóng tại thành phố Mariupol, nơi xảy ra giao tranh lúc đàm phán ngừng bắn diễn ra
Binh sĩ Ukraine đóng tại thành phố Mariupol, nơi xảy ra giao tranh lúc đàm phán ngừng bắn diễn ra
Điều này rõ ràng có thể nhân thấy khi tại thời điểm Lễ ký kết Biên bản ngừng bắn diễn ra, lực lượng ly khai Ukraine với nhiều xe tăng và xe bọc thép đã tiến đánh thành phố cảng Mariupol, thuộc tỉnh Donetsk. Xung đột quân sự tại khu vực này vẫn tiếp tục gia tăng và việc Mariupol rơi vào tay lực lượng ly khai là điều tất yếu.
Hãng tin Nga Lenta chiều ngày 5-9, dẫn tuyên bố của đại diện lực lượng ly khai Donetsk cho biết, hiện lực lượng ly khai đã tiến đến các khu vực Talakovka và Sartana, nơi quân chính phủ đã rút chạy. Hiện quân ly khai đang tập trung binh sĩ tiến đánh vào trung tâm thành phố Mariupol. Hướng đột kích chính được xác định ở phía Đông thành phố.
Cũng trong buổi sáng ngày 5-9, chốt kiểm soát của "Tiểu đoàn Azov" đã bị tự vệ đánh bật vào khoảng 8h sáng và buộc tiểu đoàn này phải rút sâu vào trong nội thành Mariupol. Ngay sau đó, chỉ huy "Tiểu đoàn Azov" tuyên bố, hiện vẫn còn 60 thành viên của tiểu đoàn lính “tình nguyện” này mắc kẹt tại Mariupol và họ đã mất hết vũ khí hạng nặng.
Mỹ-NATO “đổ thêm dầu vào lửa”, hòa bình ở Ukraine còn xa lắm!
Trong bối cảnh hy vọng về hòa bình ở Ukraine đang nhen nhóm, Mỹ và NATO vừa tuyên bố một kế hoạch “đổ thêm dầu vào lửa”. Washington tiếp tục chuẩn bị cho việc tham gia cuộc tập trận "Rapid Trident 2014" ở miền tây Ukraine, dự kiến ​​được tổ chức từ 16- 26 tháng 9. Sẽ có khoảng 1300 quân nhân Mỹ và các nước NATO tham gia cuộc tập trận này.
Theo hãng tin này, cuộc tập trận sẽ có sự tham dự của 200 quân Mỹ và binh lính của Ukraine, Azerbaijan, Anh, Canada, Georgia, Đức, Latvia, Lithuania, Moldova, Na Uy, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha. Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ đưa xe tăng và 600 binh sĩ tới Ba Lan và các nước Baltic dự cuộc tập trận dự kiến vào ​​tháng 10.
Tuy đây là một cuộc tập trận chung thường niên nhưng trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine và mâu thuẫn giữa Nga với Mỹ và NATO đang ngày càng trầm trọng, tia sáng hòa bình mong manh ở miền đông Ukraine đang lóe lên, cuộc tập trận chung này không nên tiếp tục được triển khai, bởi rất có thể nó sẽ dẫn đến những phản ứng tiêu cực của Moscow.
Tàu khu trục DDG 71USS Ross của Mỹ đã đến biển Đen
Tàu khu trục DDG 71 USS Ross của Mỹ đã đến biển Đen
Trong mấy ngày gần đây, Mỹ và NATO đã liên tiếp đưa ra nhiều động thái mang tính “dằn mặt” Nga, khi Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rassmussen tuyên bố, Liên minh quân sự này dự kiến sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm ít nhất 10.000 quân lấy từ 7 thành viên của khối này, với tính năng cơ động cao và khả năng tác chiến mạnh mẽ.
Các quốc gia hiện đã xác nhận sẽ tham gia lực lượng này gồm Anh, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Latvia, Estonia, Lithuania. Một nước khác là Canada hiện cũng để ngỏ khả năng tham gia. Thêm nữa, NATO còn định triển khai 4000 quân tại 5 căn cứ quân sự mới xây dựng ở đông Âu, để đối phó lại các mối đe dọa từ Nga.
Theo Financial Times, quyết định của NATO là động thái nhằm đối với phó với căng thẳng đang leo thang trong mối quan hệ với Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO vừa qua cáo buộc Moscow đã triển khai hơn 1.000 quân can thiệp vào miền đông Ukraine. Ngược lại, điện Kremlin đã bác bỏ sự bịa đặt “Nga can thiệp quân sự vào Ukraine” nói trên.
Mới đây nhất, NATO còn tiếp tục tăng tàu chiến đến biển Đen, áp sát nước Nga. Ngày 4-9, Bộ tư lệnh Hạm đội 6 tuyên bố là tàu khu trục DDG 71USS Ross đã tiến vào biển Đen, nhằm “chứng minh cam kết của Mỹ trong việc tăng cường an ninh tập thể của các đồng minh NATO và đối tác trong khu vực” và “thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”!?
Nhóm tàu chiến của NATO tại biển Đen đã đạt con số kỷ lục đến 9 chiếc vào tháng 7, sự hiện diện lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Nhóm tàu chiến này bao gồm tàu tuần dương USS Vella Gulf (CG-72), khinh hạm Surcouf của Pháp, tàu hộ tống Macitis của Hy Lạp và tàu tình báo Elettra của Italia, cùng một số tàu khác.
Biên bản ngừng bắn được ký kết trong lúc Moriupol sắp thất thủ
Biên bản ngừng bắn được ký kết trong lúc Moriupol sắp thất thủ
Washington và Brussels có thể diễn tập vòng quanh Nga cũng không sao nhưng nếu đưa quân sang Ukraine và tăng tàu chiến đến biển Đen thì động thái này rất có thể bị Moscow coi là “hành động khiêu khích, gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Nga”. Moscow có thể nhận định đây là hành động “can thiệp quân sự” vào Ukraine của Mỹ và NATO.
Mới vài hôm trước Nga và EU đã có những tranh cãi nảy lửa về phát ngôn của ông Putin là có thể “chiếm Kiev trong vòng 2 tuần”. Trong khi EU tuyên bố đây là biểu hiện thái độ “hung hăng” và sẵn sàng can thiệp quân sự vào Ukraine thì Nga lại cho rằng EU đã bóp méo sự thật khi trích dẫn kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Phương Tây cho rằng, phát biểu của ông Putin về việc có thể “chiếm Kiev trong 2 tuần” là lời cảnh báo, đe dọa trước việc NATO thông báo kế hoạch thiết lập một lực lượng tinh nhuệ phản ứng nhanh lên tới 4.000 quân, có khả năng triển khai khắp Đông Âu trong vòng 48 giờ đồng hồ để đối phó với “sự xâm lược” của Nga.
Tuyên bố của ông Putin về việc “Nga có thể đánh chiếm Kiev trong vòng 2 tuần” có thể là một tuyên bố đáp trả trong lúc đang tranh cãi với vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nhưng không ai nghi ngờ là Moscow hoàn toàn có đủ thực lực để làm vậy.
Rất có thể hôm trước ông Putin chỉ muốn giải thích với ông Barroso rằng: “Tôi không thèm làm cái trò mèo ‘ném đá dấu tay’ đó (chỉ hành động ngấm ngầm tham chiến ở miền đông Ukraine), vì nếu muốn, tôi có thể đánh chiếm Kiev trong vòng 2 tuần”. Nhưng nếu Mỹ-NATO-Ukraine vẫn còn khiêu khích Nga rất có thể nó sẽ biến thành hiện thực.
Trong khi tiếng súng vẫn chưa dứt hẳn ở miền đông nước này thì hành động thành lập lực lượng phản ứng nhanh 4000 quân, xây dựng 5 căn cứ quân sự ở đông Âu và đưa 1300 quân đến Ukraine tập trận cùng với những tuyên bố đầy tính “khiêu khích” Nga của ông Yatsenyuk rất có thể sẽ khiến Biên bản ngừng bắn trở thành một tờ giấy lộn.
Thiên Nam

No comments:

Post a Comment