Wednesday, September 24, 2014

Luật hóa để Việt Nam là "thiên đường" của DNVVV

Baodautu.vn, ngày 9/7/2014,   http://baodautu.vn/luat-hoa-de-viet-nam-la-thien-duong-cua-dnvvv.html,        Lần đầu tiên, đề xuất xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) - dự luật dành riêng cho khu vực doanh nghiệp này đã được đề cập tại hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 8/7.


Doanh nghiệp nhỏ và vừa là tế bào quan trọng, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là tế bào quan trọng, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

Đây là động thái tích cực, thêm một lần nữa cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển DNNVV. Về phần mình, khu vực DNNVV cũng kỳ vọng sẽ sớm có được một khung khổ pháp lý đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực, đủ sức thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực xã hội, khuyến khích tinh thần kinh doanh cũng như hậu thuẫn các DNNVV phát triển.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực DNNVV (hiện chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập) đang tạo ra một lượng lớn việc làm.
Đặc biệt, đây là nơi trú chân của phần lớn doanh nghiệp mới khởi nghiệp với những ý tưởng sáng tạo, đột phá…, đóng vai trò là tế bào quan trọng, tạo nên động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới. Cũng phải nói thêm, đây cũng là khu vực nhận được nhiều sự quan tâm về cơ chế, chính sách.
Trong khoảng 15 năm qua, nhiều văn bản đã được ban hành nhằm hỗ trợ, khuyến khích DNNVV phát triển.
Có thể nhắc tới Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV (thay thế Nghị định số 90/2001/NĐ-CP). Tiếp đến là Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 05/5/2010 của Chính phủ về triển khai Nghị định số 56/2009/NĐ-CP nhằm thực hiện tích cực, đồng bộ các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV...
Cùng với đó, Kế hoạch Phát triển DNNVV 5 năm (giai đoạn 2011-2015) ban hành kèm theo Quyết định 1231/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được đưa ra với những nhiệm vụ cụ thể nhằm hỗ trợ DNNVV.
Tuy vậy, trên thực tế, cả về hiệu lực văn bản và hiệu quả hỗ trợ... vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của khu vực DNNVV. Tác động của sự trợ giúp chưa thể hiện rõ. Thậm chí, trong khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự sụt giảm khá mạnh của doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong 5 năm trở lại đây đang đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ lên đến 95,8%. Điều đáng quan tâm là trong số này, các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp có dưới 10 lao động, chiếm đa số (66,8%).
Trên thế giới, DNNVV đang chiếm tỷ lệ áp đảo. Ngay tại Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia Đông Á có nền kinh tế phát triển với hàng ngàn tập đoàn kinh tế và công ty đa quốc gia, thì DNNVV vẫn chiếm hơn 99% tổng số doanh nghiệp.
Hai “thiên đường” cho DNNVV này đều có hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, bởi ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, các đạo luật cơ bản về DNNVV đã được chính phủ hai nước ban hành. Từ đó, những sản phẩm sáng tạo, ý tưởng kinh doanh của hàng ngàn DNNVV đã được hỗ trợ phát triển, kết nối để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Nhờ vậy, nhiều DNNVV đã lớn mạnh, trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới. Tới nay, khu vực DNNVV vẫn được xác định là động lực, là xương sống của nền kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra tại nhiều nước châu Âu.
Rõ ràng, yêu cầu nâng cao hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ DNNVV, tăng cường sự điều phối và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ DNNVV một cách có hiệu quả, có trọng tâm đang được đặt ra cấp bách.
Chính vì vậy, đã đến lúc cần luật hóa chính sách hỗ trợ DNNVV thông qua việc sớm xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong bối cảnh hiện nay, khi hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp đang được hoàn thiện, thì sự phối hợp xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV và các luật Đầu tư, Doanh nghiệp… để làm rõ đối tượng điều chỉnh, xử lý các vùng chồng lấn là hết sức cần thiết.

No comments:

Post a Comment