Friday, September 26, 2014

DN điện, xăng, nước độc quyền rồi tự định giá: Nghịch lý!

Báo VOV.VN, ngày 05/01/2014,   http://vov.vn/Kinh-te/DN-dien-xang-nuoc-doc-quyen-roi-tu-dinh-gia-Nghich-ly/304437.vov    - Hàng loạt các mặt hàng thiết yếu trong lúc thị trường chưa có cạnh tranh mà DN được tự định giá là phi thị trường.

Sự ổn định của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một điểm nhấn quan trọng trong năm 2013. Nhưng thực tế, giá cả hàng hóa vẫn đang đứng ở mức cao, nhiều mặt hàng thiết yếu trong năm qua đều tăng giá. Trong khi đó, công tác quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu còn gây nhiều tranh cãi.
Đến giờ vẫn chưa ngã ngũ chuyện các DN viễn thông có bắt tay tăng giá cước 3G hay không?

Việc đồng loạt tăng giá cước 3G lên tới 40% của 3 doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần lớn vừa qua, hay việc tăng giá xăng dầu chưa sát với diễn biến giá thế giới; việc giá điện chỉ tăng mà không giảm; việc tăng giá sữa tăng tới 30 lần chỉ trong 3 năm qua… không những tác động đến thị trường giá cả, mà còn khiến người tiêu dùng không thể theo kịp.
Do vậy, để kiềm chế lạm phát trong năm 2014, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ như chính sách tiền tệ, tài khóa…thì công tác điều hành giá cần có sự chuyển biến tích cực hơn nữa, đặc biệt là chống độc quyền về giá những mặt hàng thiết yếu.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với những mặt hàng có tác động lớn đến nền kinh tế như xăng dầu, điện, hay những mặt hàng thiết yếu khác như sữa, gas, cước viễn thông… thì Nhà nước cần thận trọng với việc trao quyền định giá cho doanh nghiệp.
“Việc doanh nghiệp độc quyền mà lại được tự định giá, trong khi thị trường chưa có cạnh tranh là nghịch lý. Tôi xin lưu ý là trong độc quyền thì độc quyền tư nhân cũng đang xuất hiện. Độc quyền về giá sữa, giá thuốc là một ví dụ. Vì vậy trong thời gian tới, phải lưu ý, trong quy trình về giá thị trường phải cho cạnh tranh trước khi cho thả giá. Thứ hai là cơ chế kiểm soát, kiểm toán lỗ lãi của doanh nghiệp phải rõ ràng; quy định rõ trách nhiệm cá nhân và có chế tài cụ thể.”
 Bước sang năm 2014, các chuyên gia nhận định, nguy cơ lạm phát vẫn tiềm ẩn. Do tác động theo độ trễ của chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013, nhiều giải pháp của ngân hàng đang được thúc đẩy mạnh để kích thích tiêu dùng và tăng trưởng tín dụng... Đặc biệt là tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, quan trọng thiết yếu như: điện, than cho sản xuất điện, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí... Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là phải kiểm soát lạm phát năm 2014 dưới 7%.
Các chuyên gia khuyến cáo, Chính phủ cần điều hành linh hoạt giá mặt hàng đầu vào và thiết yếu của sản xuất như điện, than, xăng dầu và giá các dịch vụ công, tránh dồn cùng vào một thời điểm sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế; phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Về điều hành giá năm 2014, bà Nguyễn Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định: “Vẫn tiếp tục theo cơ chế thị trường với đại bộ phận hàng hóa trong nền kinh tế. Hiện nay Nhà nước không định giá nhiều mặt hàng, trừ điện, tài nguyên quan trọng, còn lại chỉ gián tiếp kiểm soát; phải kiểm tra, thanh tra chặt chẽ. Đối với giá điện, giá than cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công vẫn tiếp tục điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý nhà nước, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thực hiện công khai minh bạch giá để tạo sự đồng thuận trong xã hội.”
Mặc dù lạm phát được kiềm chế dưới mục tiêu mà Quốc hội đặt ra, nhưng nếu so với các nước trong khu vực như Singapore ở mức 4%; Philippines 2,2%; Myanmar 4,4%... thì Việt Nam vẫn đứng ở mức cao khi năm qua tăng 6,04%. Bởi vậy, chưa thể chủ quan với kiềm chế lạm phát. Trong đó, duy trì sự ổn định của thị trường giá cả năm 2014 là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, kích thích sản xuất tiêu dùng mới có thể kỳ vọng năm 2014 nền kinh tế phục hồi vững chắc và phát triển cho những năm tiếp theo./.
Việt Hà/VOV-Trung tâm tin

No comments:

Post a Comment