Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố tổng vốn FDI đăng ký vào VN tám tháng qua đã chính thức đạt 10,2 tỉ USD.
Theo đó tính đến ngày 20/8, Việt Nam đã thu hút được 992 dự án được cấp phép mới. Đồng thời có 349 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký tăng vốn đầu tư.
Thông tin trên tờ Tuổi trẻ cũng cho hay, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết trong 8 tháng đầu năm 2014, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt khoảng 7 tỉ USD; ngành kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ hai với 1,1 tỉ USD. Ngành xây dựng đứng thứ ba với 552,9 triệu USD...
Con số này được chào đón hoan hỉ bao nhiêu thì con số thống kê của Tổng cục Thuế đưa ra lại đáng buồn bấy nhiêu.
Giới chuyên môn từng cảnh báo chất lượng FDI vào Việt Nam đang không được như mong đợi trong khi họ nhận được ưu đãi quá nhiều |
Tổng cục Thuế đã chỉ năm 2013 rõ khi thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm trốn thuế, hoặc kêu lỗ không đóng thuế. Trong khi đó các DN này đang được nhận ưu đãi lớn (giảm thuế, đất đai, nhà xưởng, tín dụng…).
Đặc biệt vụ việc Metro mới đây vỡ lở ra là đã 12 năm vào Việt Nam hoạt động sôi nổi, nhân rộng mô hình nhanh nhưng lại chưa từng đóng một đồng thuế khiến giới chuyên môn không khỏi lo ngại khi nhắc tới DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế số liệu từ Bộ tài chính cho thấy thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhỏ. Từ năm 2010 tỷ lệ thu từ khu vực FDI nhỏ nhất trong 3 khu vực sở hữu (Nhà nước, ngoài Nhà nước và FDI) (đồ thị dưới) trong khi tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này ngày càng lấn lướt khu vực trong nước.
Đến năm 2012 xuất khẩu của khu vực FDI chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu hàng hóa (hình 2); trong khi thu ngân sách của khu vực này ngày càng giảm đi còn có khoảng 17% (không kể dầu khí) năm 2012.
Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng từng chỉ ra việc chuyển giao công nghệ theo tính toán thông qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp thì đóng góp của nhóm FDI vào tăng trưởng hầu như không có gì thậm chí là âm.
Tính toán này tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, đóng góp về TFP của khu vực này vào tăng trưởng không có gì do 2 yếu tố (1) do không hề có chuyển giao công nghệ (2) do sự chuyển giá của các doanh nghiệp loại này; về lao động cũng không thu hút được bao nhiêu và nến nhìn từ lượng chi trả sở hữu thuần (net, property income) năm 2012 so với 2000 xấp xỉ khoảng 23 lần là việc nghiệm trọng và cần cảnh báo cách quản lý khối này.
"Việc tăng trưởng của khối này có thể làm tăng trưởng một chỉ tiêu phù phiếm là GDP nhưng làm chỉ tiêu thực chất hơn giảm đi đáng kể. Trong khi đó các địa phương vẫn chạy theo thành tích thu hút FDI như một phong trào bất kể hậu quả ra sao. Và nhất là sau khi xảy ra các vụ lộn xộn ở 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh hồi tháng 5 vừa qua thì dường như sự kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng mọi giá đang quay trở lại", chuyên gia Bùi Trinh lo ngại.
Bích Ngọc
No comments:
Post a Comment