Trọng tâm đổi mới là xây dựng giá?
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài Chính ngày 8-8-2014 cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP “về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Theo Bộ Tài Chính, Nhà nước sẽ tiến tới đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên cơ sở định mức kinh tế-kỹ thuật. Để đảm bảo công bằng cho đối tượng chính sách, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp khi đối tượng này sử dụng dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng - người đứng đầu cơ quan soạn thảo nghị định mới, cho rằng trọng tâm thực hiện đổi mới cơ chế tài chính sự nghiệp công là xây dựng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp nói chung, đồng thời chấp nhận giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả.
Đối với dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), giá dịch vụ công xác định theo lộ trình: đến năm 2015 mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp; đến năm 2016 mức giá tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); đến năm 2018 mức giá tính đủ chi phí, tích lũy hợp lý.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành cũng cho rằng những đơn vị sự nghiệp công lập đã đủ điều kiện về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự có thể chuyển sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, được Nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo giá tính đủ chi phí (có cả chi phí khấu hao tài sản).
Cần đánh giá cơ chế tạo đặc quyền, đặc lợi
Đó là những thay đổi quan trọng trong cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công. Vì nhiều lý do, trong công cuộc đổi mới của nước ta cho đến nay, các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển chậm hơn sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vận hành theo cơ chế thị trường trong khi Nhà nước tiếp tục bao cấp về giá và chi phí, vừa duy trì chế độ quản lý hành chính đối với các đơn vị này.
Để đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công, trước hết cần lưu ý đến tính đa dạng và phân cấp của hệ thống này. Bên cạnh các bệnh viện công do Bộ Y tế quản lý đã hình thành hệ thống bệnh viện của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, được đầu tư từ ngân sách riêng và có chế độ ưu đãi, đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống này chỉ dành cho những đối tượng được quy định, không mở rộng cho cán bộ bên ngoài hay nhân dân. Việc dỡ bỏ những đặc quyền, đặc lợi này chắc chắn sẽ không dễ dàng.
Một đặc thù bao trùm của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế và giáo dục là sự bất đối xứng thông tin (information asymmetry) giữa một bên là bác sĩ hay thầy giáo và một bên là bệnh nhân và học sinh, phụ huynh. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế thích hợp cho y tế và giáo dục. Nếu không, chỉ giới hạn cơ chế thị trường vào giá cả, chi phí sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của người dân và không khắc phục được những căn bệnh trầm kha của hai lĩnh vực này mà công luận đã đề cập.
Báo cáo phát triển Việt Nam 2010 của Ngân hàng Thế giới đã đề cập một số vấn đề trong lĩnh vực này như chế độ “phong bì” phổ biến từ y tá đến bác sĩ, tác động đến chất lượng dịch vụ, loại thuốc mà bác sĩ kê đơn... Bệnh nhân có cần chụp cắt lớp hay không, được uống thuốc nào, vật lý trị liệu gì... đều do bác sĩ quyết định và bệnh nhân không có năng lực để đánh giá. Bác sĩ kê những thuốc đã được công ty dược chào hàng và được nhận hoa hồng, bác sĩ chỉ định bệnh nhân mua dao mổ tại cửa hàng nhất định và cũng được “lại quả”...
Dĩ nhiên, các công ty tính hết chi phí vào giá thuốc, dụng cụ y tế (được gọi là làm giá) và làm cho giá thuốc, dụng cụ y tế ở Việt Nam cao một cách bất thường, có thuốc cao hơn 10 lần, thậm chí 100 lần so với khu vực. Điều này đã góp phần làm cho bệnh tật trở thành một nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và tái nghèo ở Việt Nam.
Nếu không loại trừ được các hoạt động thông đồng, làm giá này bằng quy chế công khai, minh bạch, giám sát độc lập của các hiệp hội của Tổng hội Y học về chất lượng khám chữa bệnh, vai trò giám sát tay ba của bệnh viện - bảo hiểm và bệnh nhân thì việc áp dụng cơ chế giá và phí theo thị trường như dự định sẽ chỉ giải quyết một phần của toàn bộ vấn đề phức tạp và tế nhị này.
Đổi mới cơ chế giám sát
Để áp dụng cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh trên lĩnh vực y tế và giáo dục cần cải cách cơ bản cơ chế quản lý “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hiện nay: Bộ Y tế vừa bổ nhiệm giám đốc bệnh viện, cấp kinh phí, vừa đánh giá chất lượng dịch vụ, vừa tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ bác sĩ, vừa xử lý khiếu nại, tố cáo của bệnh nhân, và sẽ không thể có cạnh tranh lành mạnh dưới điều kiện này. Các đơn vị sự nghiệp công lập phải có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời phải chịu sự quản lý nhà nước theo pháp luật của Bộ Y tế, giám sát độc lập của các hiệp hội chuyên môn, việc nâng cấp, bồi dưỡng trình độ, nhận xét, đánh giá chất lượng dịch vụ, xử lý khiếu nại tố cáo phải được phân định rõ ràng, có sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Vai trò giám sát của Quỹ Bảo hiểm y tế và tổ chức bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bệnh nhân để hạn chế lạm dụng quỹ cũng phải được thực hiện nhằm khắc phục bất đối xứng thông tin đặc thù của lĩnh vực này.
Làm được như vậy sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống sự nghiệp công lập và đem lại cải thiện thiết thực cho người bệnh.
Lê Đăng Doanh
No comments:
Post a Comment