TS Nguyễn Bách Phúc, phát biểu tại buổi hội thảo diễn ra ngày 8-8-2014. Ảnh: Uyên Viễn
Đây là vấn đề chính được nêu ra tại buổi hội thảo "Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thị trường toàn cầu" diễn ra ngày 8-8-2014, tại hội trường Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM - một trong bốn vị diễn giả tại buổi hội thảo, cho rằng lâu nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chưa được "ai hỗ trợ" và "hỗ trợ gì" một cách lâu dài và có chiến lược.
Ông Phúc nêu rõ "ai hỗ trợ": chính quyền các tỉnh thành, các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tư vấn, quản lý v.v. lâu nay vẫn còn lúng túng, chưa có những hành động thiết thực để trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua các khó khăn về quản lý, tư vấn khoa học, thay đổi thiết bị, công nghệ sản suất, các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất v.v.
Nhìn ở góc độ các doanh nghiệp vừa và nhỏ được "hỗ trợ gì", TS Nguyễn Bách Phúc có cảm giác các gói hỗ trợ trị giá hàng chục ngàn tỉ đồng đa phần rơi và nhóm "doanh nghiệp đại gia" bất động sản, xây dựng hoặc các Tổng công ty như Vinashin, Vinalines. "Có doanh nghiệp vừa rồi đề xuất Chính phủ cho vay 1.500 tỉ đồng để mua tàu đánh cá ở Hàn Quốc đã qua 30 năm sử dụng. Có phi lý không? Trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có ai tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh", ông Phúc nói.
Các vị diễn giả khách mời tại hội thảo gồm có: TS Phạm Thế Hưng, Viện trưởng ISSME; ông Sunil D Sharma, Tổng Thư ký ISSME; PGS.TS Nguyễn Văn Cường, Phó Vụ trưởng Văn phòng Chính phủ; TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TPHCM.
Hội thảo "Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thị trường toàn cầu" do Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 - một trong bảy thành viên trực thuộc Saigon Times Club phối hợp với Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tổ chức.
|
Đồng quan điểm của ông Phúc, bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết tại địa phương của bà có khoảng 70% doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để hoạt động sản xuất, kinh doanh và chỉ có 2% doanh nghiệp toàn tỉnh có trình độ quản lý, điều hành, 98% doanh nghiệp còn lại phải tự bươn chãi, quá tải trong công tác điều hành nội bộ và đối ngoại.
Bà Thanh cho biết trong ba năm qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã oằn mình chịu rất nhiều áp lực, nếu năm 2014 chưa có thêm những chính sách hỗ trợ thiết thực, cởi mở thì không biết họ có chịu nổi nữa không.
Ý kiến của nhiều doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu kinh tế tại buổi hội thảo cùng cho rằng vấn đề đặt ra "Nâng cao vị thế doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong thị trường toàn cầu" chỉ là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động dài hạn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và toàn cầu điều tất yếu là phải liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển và có rất nhiều con đường để nâng cao vị thế của mình.
Theo ông Sunil D Sharma, Tổng Thư ký Hiệp hội quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ (ISSME), sự thay đổi của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là điều tất yếu, có thể điều chỉnh từ từ chứ không thể một bước nhảy vọt được từ thị trường trong nước ra toàn cầu.
"Trước đây các doanh nghiệp có quan niệm "đủ mạnh" là có vốn, công nghệ cộng với lực lượng lao động. Trong bối cảnh ngày nay, doanh nghiệp muốn "đủ mạnh hơn" cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh liên tục bằng sự sáng tạo trong cách quản lý, thay đổi công nghệ. Còn bây giờ có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ lại đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn vì phát huy được thế mạnh về công nghệ, con người, thích ứng nhanh với nhu cầu thị trường và thay đổi toàn diện và kịp thời về mô hình quản lý", ông Sunil D Sharma nói.
Hiệp hội quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ (ISSME) là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có trụ sở tại New Delhi - thủ đô của Ấn Độ. Hoạt động của ISSME nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững và toàn diện.
ISSME tại Việt Nam (Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ) tập hợp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và chuyên môn của họ trong lĩnh vực Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
ISSME được hệ thống quản lý chất lượng Quốc tế cấp chứng chỉ ISO 9001:2008.
Uyên Viễn
No comments:
Post a Comment