Wednesday, September 24, 2014

Ban an toàn giao thông quốc gia đã "vẽ rắn thêm chân"

Thesaigontimes, ngày 5/7/2014,   http://www.thesaigontimes.vn/117133/Ban-an-toan-giao-thong-quoc-gia-da-%22ve-ran-them-chan%22.html,         Quy định xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm dỏm xuất phát từ đâu mà khiến dư luận phải ồn ào, người dân lo lắng và Bộ Công an cũng như Chính phủ phải "đính chính"?



Quy định xử phạt người đội MBH dỏm khi tham gia giao thông là không có cơ sở pháp lý. Ảnh TL.

Mới đây đại diện Bộ Công an, đại tá Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Pháp chế Bộ Công an, đã lên tiếng nói rằng Bộ Công an không chủ trương phạt người đội mũ bảo hiểm dỏm. Và ông Quân còn cho rằng đó là “sự hiểu lầm của dư luận”!.
Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói : “Không hề có chuyện xử phạt người dân nếu đội mũ bảo hiểm dỏm như thông tin báo chí mấy ngày qua đăng tải rầm rộ”.
Vậy thì từ đâu lại có quy định từ 1-7-2014 lực lượng chức năng xử phạt người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy đội mũ bảo hiểm dỏm.
Lật lại Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, rồi Thông tư liên tịch 06 (của Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải) quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy cũng không thấy có quy định xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm dỏm khi đi trên đường bằng các phương tiện này.
Thế nhưng, một văn bản khác của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại có đề cập đến chuyện xử phạt này. Đó chính là kế hoạch 69 - nguồn gốc của câu chuyện.
Kế hoạch 69 về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, được Phó chủ tịch thường trực Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ký ngày 18-4-2014.
Kế hoạch này ghi rõ từ 1-7-2014, hành vi “đội mũ bảo hiểm không phải mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt như hành vi không đội mũ bảo hiểm”.
Nhưng thế nào là  “mũ bảo hiểm không phải mũ bảo hiểm”? Có phải là mũ bảo hiểm dỏm?
Văn bản này "quy định" đó là “mũ không có đủ ba lớp (vỏ mũ - đệm hấp thụ xung động bên trong - quai mũ), không ghi nhãn ‘mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy’ và không có dấu hợp quy CR”.
Như vậy, Ban an toàn giao thông quốc gia đã tự ý quy định xử phạt người tham gia giao thông đội “mũ bảo hiểm không phải là mũ bảo hiểm” mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Phải chăng Ban an toàn giao thông quốc gia muốn “làm luật” theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”?
Tất nhiên, mong muốn người tham gia giao thông không còn đội mũ bảo hiểm dỏm, kém chất lượng của Ban an toàn giao thông quốc gia là hoàn toàn chính đáng. Nhưng, việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm phải giải quyết từ gốc của vấn đề, tức là phải xử phạt các cơ sở sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng; xử phạt các cửa hàng, các địa điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng…
Sau khi đã làm tốt những việc này thì mới nhắm đến việc xử phạt hành vi sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng như cách nhiều nước trên thế giới đã làm với hành vi tiêu thụ hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu.
Theo công bố của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu Việt Nam tại hội thảo “Tăng cường triển khai chỉ đạo, quản lý và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm (MBH)” mới đây thì trong 200 mẫu mũ bảo hiểm mới, có tem đạt chuẩn được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn năm thành phố lớn ở Việt Nam để kiểm tra độ hấp thụ xung động (lực va đập vào mũ bảo hiểm) thì chỉ 39,5% đạt yêu cầu; trong 800 mũ bảo hiểm đang sử dụng được đưa đi kiểm tra, chỉ có 15,8% đạt yêu cầu.
Như vậy, người tiêu dùng, người dân, làm sao phân biệt được mũ bảo hiểm nào đạt chất lượng và mũ bảo hiểm nào không đạt? Và, chuyện quản lý chất lượng mũ bảo hiểm phải do các cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể đẩy trách nhiệm đó cho người tiêu dùng, người dân.

Quang Chung

No comments:

Post a Comment