Wednesday, September 24, 2014

Đặt tên doanh nghiệp: Tục kỵ húy sắp tái sinh

TBKTSG, ngày 8/8/2014,     http://www.thesaigontimes.vn/118598/Dat-ten-doanh-nghiep-Tuc-ky-huy-sap-tai-sinh.html,     Có vẻ như tục kỵ húy sắp được tái sinh trong các quy định về đặt tên doanh nghiệp.


Số là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL ) vừa có dự thảo thông tư hướng dẫn quy định tại Luật Doanh nghiệp về đặt tên doanh nghiệp (dự thảo)(1), với rất nhiều quy định khiến doanh nghiệp “đau đầu” khi đặt tên cho “đứa con” của mình.
Dù đây là một bài báo về doanh nghiệp, nhưng tôi muốn bắt đầu từ một tục lệ xưa trong việc đặt tên của người Việt Nam: tục kỵ húy. Theo tục này, trong phạm vi gia đình, con cháu sẽ là tránh đặt trùng tên với ông bà tổ tiên. Phạm vi kiêng kỵ này tùy theo từng dòng họ, có dòng họ tránh trùng tên đến 3-4 đời, cũng có dòng họ bắt kiêng đến 7-8 đời hoặc lâu hơn. Thế nên, ông bà cha mẹ nhiều lúc phải đau đầu để tìm được tên đẹp cho một thành viên mới trong dòng họ. Tục kỵ húy ngày càng mai một trong xã hội thông tin ngày nay và nhiều bạn trẻ hầu như không còn biết đến nó.
Theo Luật Doanh nghiệp 2005, hiện nay, một trong những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp là “Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc”. Điều 14.3 của Nghị định 43/2010/NĐ ngày 15-4-2010 của Chính phủ bổ sung thêm việc cấm dùng tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp. Dự thảo của Bộ VH-TT&DL để hướng dẫn điều 14.3 này.

Dùng tên danh nhân là... vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc?
Theo dự thảo, khi đặt tên doanh nghiệp, một trong những trường hợp bị xem là “vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc” là “sử dụng tên trùng tên danh nhân”. Đọc dự thảo, sẽ không ai hiểu được tại sao lại như vậy. Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43 không hề nói rằng đặt tên doanh nghiệp theo tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc.
Ở góc độ nào đó, việc dùng tên danh nhân để đặt tên cho doanh nghiệp cần được xem là sự trân trọng của doanh nghiệp đối với lịch sử. Chúng ta có thể cấm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ gây hiểu lầm, phản cảm đối với một danh nhân nào đó nhưng không thể quy chụp việc đặt tên doanh nghiệp theo tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử.
Cũng theo mạch tư duy cấm đoán này, dự thảo mở rộng phạm vi cấm đến việc sử dụng tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, tên giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc. Như thế nào là phản chính nghĩa, là kìm hãm sự tiến bộ, là có tội với đất nước, với dân tộc thì không thấy dự thảo nêu ra.
Một điều cần chú ý là Luật Doanh nghiệp không cấm đặt tên doanh nghiệp theo tên danh nhân. Điều cấm này do Nghị định 43 thêm vào. Không dừng lại ở đấy, dự thảo mở rộng phạm vi cấm đến cả việc sử dụng tên “nhân vật lịch sử”. Nhân vật lịch sử là khái niệm còn không được đề cập trong điều 14.3 của Nghị định 43 hoặc Luật Doanh nghiệp.
Không nên ban hành thêm các quy định như trong dự thảo, bởi để tuân thủ được các quy định về đặt tên doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp đã quá vất vả rồi.
Có thể thấy một xu hướng là từ Luật Doanh nghiệp, đến Nghị định 43 đến dự thảo, phạm vi cấm ngày càng mở rộng, nghĩa là quyền đặt tên của doanh nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Để thực hiện theo đúng dự thảo này, chắc Bộ VH-TT&DL sẽ phải ban hành chính thức danh sách danh nhân Việt Nam từ cổ chí kim, và cả những nhân vật phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ, giặc ngoại xâm và những kẻ có tội với đất nước, dân tộc. Danh sách này chắc chắn sẽ rất dài và doanh nghiệp sẽ phải vất vả đối chiếu tên mà doanh nghiệp dự kiến đặt cho mình với danh sách này để tránh bị... trùng - một quy trình không khác tục “kỵ húy” là mấy.
Ngoài ra, không dễ lập danh sách nói trên vì sẽ có tranh luận về các định nghĩa, tiêu chí và từng nhân vật vì điều này tùy thuộc vào góc nhìn cá nhân và các giá trị thay đổi theo thời gian. Câu hỏi là tranh luận đó có ích gì cho doanh nghiệp không?

Không được “sát thủ đầu mưng mủ”?
Điều rất ý nhị trong dự thảo là cấm sử dụng từ ngữ “không đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt”, ví dụ như tiếng lóng, tiếng lái, ngôn ngữ biến tướng của lứa tuổi (chắc là ngôn ngữ kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”), liên quan đến giới tính, tình dục, khiêu dâm, kích động bạo lực, kinh dị, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan... Vậy nên sẽ dễ tưởng tượng rằng cán bộ đăng ký kinh doanh phải là rất “vui tính”, phải thường xuyên cập nhật tiếng lóng, tiếng lái, ngôn ngữ tuổi “teen”... khi xử lý hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Hãy thử lấy một ví dụ để xem quy định này sẽ được thực thi thế nào trong thực tế. Giả sử hai vợ chồng anh Trung và chị Tình, dự định đặt tên công ty là “Công ty TNHH Trung Tình”. Nếu cán bộ đăng ký kinh doanh “vui tính”, nói lái thành “Công ty TNHH Tinh Trùng” và từ chối hồ sơ vì cho rằng tên công ty không đúng đắn thì sao? Cán bộ đăng ký kinh doanh có cơ sở pháp lý nhưng anh Trung và chị Tình có thể kiện cán bộ đăng ký kinh doanh phỉ báng, bôi nhọ tên công ty mà anh chị chọn. Thật là một tình huống khó khăn!

Lệnh cấm mênh mông
Dự thảo có bốn điều, trong đó có hai điều liệt kê các điều cấm khi đặt tên, nhưng cả hai điều này đều được “thòng” vào các quy định theo mẫu “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Với các câu “thòng” này, chúng ta sẽ không thể xác định được đâu là giới hạn của điều cấm đoán. Dự thảo dường như đã đi ngược một nguyên tắc pháp lý quan trọng là những điều cấm của luật phải rõ ràng, minh bạch.
Nếu dựa vào các tiêu chí chung được sử dụng khi đánh giá một quy định pháp luật là tính minh bạch, tính thống nhất, tính hợp lý, tính khả thi, thì các quy định trong dự thảo khó đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Nếu đứng trên lợi ích của doanh nghiệp, có lẽ không nên ban hành thêm các quy định như trong dự thảo, bởi vì để tuân thủ các quy định về đặt tên doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp cũng đã quá vất vả rồi.
Trần Thanh Tùng
Công ty Luật Phuoc & Partners

No comments:

Post a Comment