Chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ
Bà đánh giá tổng quan nền kinh tế Việt Nam trong năm qua như thế nào?
Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có những chuyển động theo hướng ổn định hơn, phục hồi dần tốc độ tăng trưởng. Các con số thống kê chính thức cho thấy tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 cao hơn hẳn những năm gần đây.
Hạ tầng có sự phát triển khá tốt với việc hoàn thành nhiều dự án giao thông lớn, làm cho bức tranh giao thông Việt Nam có được dấu ấn mới.  Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, trong khi tăng trưởng đạt mức cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo và tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao trong xuất khẩu tiếp tục tăng lên... Quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng đã có những chuyển biến nhất định.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với số vốn đăng ký tăng cao. Thứ hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện theo các bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF và Ngân hàng thế giới WB.
Một dấu ấn lớn trong năm 2015 là Việt Nam hoàn tất đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do FTA với các nước khác nhau trên thế giới, trong đó có những hiệp định “thế hệ mới” như TPP, FTA Việt Nam - EU, đánh dấu một bước hội nhập mới cao và sâu hơn nhiều so với trước, đồng thời tạo động lực cho sự nghiệp cải cách và phát triển của đất nước trong những năm tới.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn ở một số lĩnh vực. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao chưa từng thấy, trong khi số doanh nghiệp đăng ký mới chưa biết bao giờ sẽ bắt tay vào hoạt động và sẽ tạo được bao nhiêu sản phẩm, việc làm thực cho xã hội.
Rất cần quan tâm không chỉ về số lượng mà về chất lượng của doanh nghiệp, như khả năng sinh lời, năng suất và năng lực cạnh tranh có được cải thiện không, khả năng khởi nghiệp hoặc phát triển bằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới hoặc tổ chức, quản trị kinh doanh hiện đại hơn, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào...
Đó mới là ý nghĩa thực của phát triển doanh nghiệp, và có phát triển doanh nghiệp theo cách đó thì kinh tế mới tăng trưởng bền vững được.
Nông nghiệp Việt Nam trong năm 2015 cũng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết những khó khăn và hạn chế cơ bản của nó. Dù không bị thiên tai nghiêm trọng nào, sản lượng tăng lên, nhưng chưa bao giờ tiêu thụ nông sản lại khó khăn như năm qua, khiến cho người nông dân tiếp tục thua thiệt.
Tái cơ cấu nông nghiệp được quan tâm thúc đẩy và bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn trong nước tham gia vào sản xuất nông phẩm, nhưng quá trình này còn rất gian nan.
Hơn nữa, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt 3 lĩnh vực trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng thương mại và đầu tư công còn dang dở. Nợ công tăng cao, chi tiêu công quá lớn, còn đầu tư công thì vẫn tràn lan và hiệu quả thấp, tệ nạn tham nhũng, lãng phí vẫn rất nặng nề… cũng là những thách thức lớn, trực tiếp làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế.
Bà có nói thành công lớn trong năm qua là việc chúng ta hội nhập sâu hơn với thế giới qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Có ý kiến cho rằng, quá trình hội nhập được cho là cơ hội để chúng ta bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Bà nghĩ sao về ý kiến này?
Quá trình hội nhập cũng là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh lại các mối quan hệ với các nền kinh tế khác trên thế giới nhằm đạt được lợi ích tốt nhất về lâu về dài cho bản thân mình. Trung Quốc là một thị trường lớn mà tất cả các nước đều hướng tới, Việt Nam ở ngay bên cạnh thì cũng phải biết khai thác thị trường này. Điều quan trọng nhất là Việt Nam cần phải cải thiện một cách cơ bản quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đặt nó ở vị trí hợp lý trong tổng hòa các mối quan hệ cùng có lợi với thế giới bên ngoài.
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã bị lệ thuộc ngày càng nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc, thể hiện rõ nhất ở chỗ hơn 90% tổng thầu các công trình lớn rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, mức nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng cao và ngày càng nặng nề.
Vấn đề là thiết bị, công nghệ của nhiều công trình Trung Quốc làm ở ta không có chất lượng cao, lại hay đội giá và kéo dài thời gian thực hiện, gây thiệt đơn thiệt kép cho ta. Không ít sản phẩm trung gian và tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc vừa chèn ép các ngành hàng và doanh nghiệp trong nước, kể cả nông nghiệp; vừa gây hiểm họa cho người tiêu dùng và môi trường do không kiểm soát được chất lượng và các nhân tố độc hại chứa đựng trong đó. Không thể để tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa. Hội nhập với các nền kinh tế khác cho ta thêm cơ hội để thay đổi tình trạng này.
Việt Nam vẫn chưa có được nền kinh tế thị trường đầy đủ, liệu hội nhập có tạo ra được sức ép, động lực để chúng ta có được một nền kinh tế thị trường thực sự không?
Tham gia các FTA mới, Việt Nam sẽ có cả sức ép lẫn động lực để cải cách thể chế kinh tế trong nước, xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ và đúng nghĩa.
Không chỉ khi so với 5 tiêu chí của Mỹ hoặc 6 tiêu chí của EU đưa ra, mà ngay ở trong nước, chúng ta cũng vẫn thừa nhận rằng mình chưa có được một nền kinh tế thị trường đầy đủ, nên vẫn đặt mục tiêu “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường” trong các chiến lược phát triển.
Tuy nhiên, đã qua 30 năm đổi mới rồi mà tiến trình này còn rất gian nan, rất nhiều việc phải làm. Từ tư duy, nhận thức đến hành động, chúng ta không thể cứ làm theo cách vẫn làm lâu nay, thường nhấn mạnh quá nhiều vào đặc thù của mình và cho phép mình phát triển một hệ thống kinh tế không giống ai, và hệ quả là ta vẫn cứ tụt hậu so với các nước xung quanh.
Những cam kết khi tham gia các FTA mới lần này đều rất rõ ràng, cụ thể, mạnh mẽ và có sự giám sát, nhất là với TPP. Thực hiện các cam kết đó sẽ giúp Việt Nam dần đạt được những chuẩn mực mà các nước thành viên cùng nhau thỏa thuận, cũng là những chuẩn mực của nền kinh tế thị trường hiện đại. Chính từ ý nghĩa đó, hội nhập tạo động lực để Việt Nam đi vào thời kỳ mới trong cải cách và phát triển kinh tế của mình một cách mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.
Độc quyền làm trì trệ nền kinh tế
Nhiều động lực nhưng vẫn không ít vướng mắc và vướng mắc lớn nhất có lẽ là độc quyền kinh tế bởi nó làm trì trệ nền kinh tế. Bà nghĩ sao về điều này?
Rõ ràng là thế! Ngay cả các quốc gia phát triển cao cũng luôn phải lo chống độc quyền trong kinh tế, để bảo vệ lợi ích chung của nền kinh tế và lợi ích của số đông. Ở Việt Nam, tình trạng độc quyền và đặc quyền kinh tế trầm trọng hơn nhiều bởi vì nó phổ biến và lớn quá, nhiều quá.
Độc quyền và đặc quyền trong tay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trên thực tế hiện nay còn rất lớn, nhất là khi tính tới việc sử dụng các nguồn lực của đất nước. Tuy số lượng DNNN đã giảm mạnh xuống còn khoảng hơn 800 đơn vị, nhưng họ vẫn đang sử dụng tới khoảng 50% tổng nguồn lực của quốc gia trong các lĩnh vực vốn, tín dụng, tài nguyên khoáng sản, đất đai có giá trị thương mại cao, và vẫn đang được độc quyền hoặc đặc quyền kinh doanh trong một số ngành. Vị thế DNNN và mức sử dụng nguồn lực đó tạo thêm cho họ thế độc quyền trong tham gia các dự án đầu tư công, các công trình lớn và trong cung cấp một số sản phẩm thiết yếu cho xã hội.
Khi ở vị thế độc quyền, thường các DNNN không hoạt động theo nguyên tắc cạnh tranh, không chịu kỷ luật “lời ăn lỗ chịu” của thị trường. Vì quá lớn và thiếu sự quản lý, giám sát tốt của các cơ quan nhà nước, họ cũng không mấy tuân thủ kỷ cương của nhà nước.
Nhiều đơn vị hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ nần chồng chất, thậm chí nợ cả thuế! Sự yếu kém của họ khiến cho khối nguồn lực rất lớn mà họ nắm giữ bị sử dụng kém hiệu quả và cả xã hội phải dùng những sản phẩm của họ với giá thành cao, chất lượng không tương xứng.
Những gánh nặng về thua lỗ, nợ nần do quản trị kém của họ thì cả nền kinh tế lại phải gánh vác. Hệ quả là cả nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh, còn khu vực tư nhân thì bị chèn ép, không lớn lên được.
Độc quyền ở Việt Nam còn gây ra nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí, năng lực quản lý yếu kém cùng những méo mó trong hoạt động kinh tế, lệch lạc trong thực thi (và có khi cả trong thiết kế) các chính sách. Độc quyền cũng liên quan đến tình trạng đầu tư công tràn lan và kém hiệu quả, đến các vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo rất khó xử lý trong hệ thống ngân hàng. Quan trọng hơn, độc quyền là lực cản lớn chống lại những cải cách rất cần thiết ở nước ta hiện nay.
Và căn bệnh độc quyền, đặc quyền ở nước ta chưa kịp khắc phục ở khu vực DNNN thì dường như lại đang lây lan sang cả một số doanh nghiệp FDI và tư nhân lớn trong nước nữa.
Chúng ta cũng đã nhìn nhận được vấn đề này và đã bắt tay thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa được như kỳ vọng. Bà có bình luận gì về điều này?
Tái cơ cấu kinh tế đã có nhiều đề án, chính sách đưa ra, trong đó đã nêu khá đầy đủ những việc cần phải làm. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn chưa được như kỳ vọng theo tôi là do nút thắt lớn nhất – chưa thực sự có một tư duy mới và một quyết tâm chính trị cao. Để thực hiện công cuộc tái cơ cấu phải xuất phát từ tư duy đổi mới thực sự, trong đó xác định rõ vai trò và sự tương tác giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường.
Vai trò chính yếu của nhà nước là kiến tạo sự phát triển (như Thủ tướng đã khẳng định trong Thông điệp đầu năm 2014), chứ không phải là đầu tư, mặc dù nhà nước là người chịu trách nhiệm chính về một số lĩnh vực đầu tư công thiết yếu cho xã hội. Tư duy này phải được thấm nhuần và biến thành quyết tâm chính trị cao từ nhà nước ở cấp cao nhất đến các cấp dưới và các đối tượng trực tiếp liên quan.
Trọng tâm tái cơ cấu chủ yếu nằm ở khu vực công, gồm cả DNNN, đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại…Tuy nhiên, bản thân khu vực công muốn tái cơ cấu mà vẫn với tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo, và nhân danh điều đó mà bám giữ đặc quyền đặc lợi của mình thì làm sao có thể có hành động mạnh mẽ được. Cũng có thể nhà nước đưa ra chủ trương đúng, nhưng quyết tâm chính trị lại chưa đủ. Ví dụ ngay như Quốc hội, là cơ quan có vai trò rất lớn trong việc tái cơ cấu đầu tư công, nhưng ở các diễn đàn Quốc hội vẫn thấy sự nhân nhượng cho nhau rất nhiều trong việc phân bổ ngân sách, quyết định các dự án đầu tư lớn, giám sát chi tiêu thường xuyên… Như vậy sẽ rất khó thực hiện được tái cơ cấu.
Bà có nghĩ chúng ta nên có quy định về trách nhiệm cá nhân chứ tình hình hiện nay, rất ít người phải chịu trách nhiệm về sự điều hành của mình?
Điều đó hết sức cần thiết, nhưng cái khó khi quy trách nhiệm cá nhân ở Việt Nam là do chúng ta luôn áp dụng một hệ thống quyết định tập thể, từ đó trách nhiệm cũng thuộc về một hoặc thậm chí một số tập thể. Khi không có một chế độ làm thật rõ cá nhân nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm ra quyết định, thực hiện và giải trình về toàn bộ quá trình và về từng khâu của quyết định đó thì rất khó có thể quy kết trách nhiệm về ai. Nhiều lắm thì mấy vị bộ trưởng chỉ xin lỗi ở Quốc hội là cùng. 
Những lời hứa của bộ trưởng qua năm này, năm khác không thực hiện được bao nhiêu thì cũng chẳng sao. Quốc hội đâu có bỏ phiếu “không tín nhiệm”, mà chỉ bỏ phiếu tín nhiệm cao hay thấp thôi, nên nói chung chẳng ai hề hấn gì. Ở các cấp chính quyền địa phương lại càng khó hơn, vì họ vừa được phân cấp, lại vừa lệ thuộc vào hoặc đùn đẩy lên các cấp trên trong không ít quyết định của mình.
Dự đoán về kinh tế Việt Nam 2016
Bà có dự đoán gì về kinh tế 2016, thưa bà?
Nhiều người đang lạc quan khi dự đoán về kinh tế nước ta năm 2016 dựa vào đà của năm 2015. Năm 2016 chứa đựng nhiều cơ hội , tuy nhiên cũng có không ít thách thức.
Về bình diện kinh tế toàn cầu, thế giới đang có những biến động khiến chúng ta cảm thấy lo lắng nhiều hơn là lạc quan. Đó là nạn khủng bố có nguy cơ xảy ra ở nhiều nơi, là vấn đề nhập cư ở châu Âu, là sự giảm tốc của các nền kinh tế BRICS…, khiến nhiều hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu bị hạn chế. Sự biến động của đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chúng ta trong thời gian tới. Rồi vấn đề giá dầu thấp, mặt lợi là giảm chi phí đầu vào cho nền kinh tế, tuy nhiên ở Việt Nam chi phí đầu vào nhìn chung vẫn cao so với các nước khác, trong khi thiệt hại về giá dầu thấp đối với nguồn thu ngân sách thì rất rõ.
Cơ hội từ hội nhập rất nhiều nhưng liệu chúng ta có tận dụng được hay không mới là vấn đề. Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, dường như nguy cơ thua trên sân nhà đang đe dọa nhiều doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, trong khi cơ hội của thị trường 600 triệu dân này không phải ai cũng với tới được. Với các FTA mới, nhiều thị trường xuất khẩu rộng lớn đang mở ra, song những thị trường này đều yêu cầu cao về chất lượng, về các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không đơn giản là ta cứ có hàng, bán giả rẻ là cạnh tranh được.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng mạnh, nhưng chính sách và cơ chế thu hút đầu tư ở Việt Nam phải thay đổi thật mạnh theo hướng coi trọng chất lượng thay vì số lượng dự án đầu tư. Trên cơ sở đó mới có được những nhà đầu tư đem vào Việt Nam công nghệ mới và chuyển giao công nghệ, tạo tác động lan tỏa thông qua sự kết nối với các doanh nghiệp trong nước, đưa Việt Nam tham gia ở vị trí tốt hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong năm 2016, ngoài việc phải rốt ráo thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, cũng rất cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước, để khu vực này thực sự trở thành động lực của nền kinh tế. Cải cách thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình; cải thiện môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; cải cách giáo dục và đào tạo để nâng chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động; chăm lo bảo vệ môi trường hơn nữa… cũng là những đòi hỏi cấp bách của đất nước trong bối cảnh hội nhập. 
Hy vọng trong năm 2016 chúng ta sẽ làm được nhiều hơn, mạnh hơn, triệt để hơn những việc này.
Xin cảm ơn bà!
Trí Lâm