Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ,
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính,
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Nhiều năm qua, trong đời sống cộng đồng có một cách nói đầy mỉa mai về nền hành chính là “hành dân là chính”! Thật ra trăm kiểu hành dân như vẽ rắn thêm chân, giấu thông tin… thả “cò”, đòi cái không có trong quy định... chung quy lại đều là chiêu trò quen thuộc của những công chức không ngay ngắn thường được gọi là “làm khó để ló ra tiền”. Nhiều nhận xét có tính tổng kết rằng, chính nền hành chính cơ chế không minh bạch, chồng chéo chức năng thẩm quyền, trách nhiệm tập thể cá nhân không rõ ràng, công chức thiếu phẩm chất ... là một trong nhiều nguyên nhân và địa chỉ, nếu không nói là chủ yếu đưa đến nạn nhũng nhiễu.
Ngày 6.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp báo để tuyên bố chính sách ngoại giao và nội trị của nước Việt Nam mới. Bác xác nhận: “Chính phủ Dân chủ - Cộng hòa lâm thời là công bộc của dân...”. Trải qua hơn 70 năm, giờ đây nhìn lại, tinh thần “công bộc của dân” vẫn chưa hình thành trong nếp nghĩ và hành động trong một bộ phận lớn công chức.
Để góp phần làm giảm đi phần nào tình trạng trên, giúp công chức thật sự là “công bộc” của dân, xin đề xuất một vài ý kiến.
Cần xây dựng một nền hành chính phục vụ
Thiết nghĩ có hai loại hành chính song song tồn tại: hành chính cai trị và hành chính dịch vụ. Mác có nói đại ý rằng, khi xã hội văn minh và phát triển đến một mức nào đó thì Nhà nước nhỏ lại và tiêu vong. Đó chính là Nhà nước cai trị sẽ tiêu vong và chỉ còn lại Nhà nước cung cấp dịch vụ hành chính.
Xã hội ta ngày càng phát triển, nền dân chủ ngày càng củng cố, do đó không có lý do gì phát triển loại hành chính cai trị mà ngược lại phải phát triển hành chính dịch vụ. Hành chính dịch vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy nhân dân làm trung tâm (chủ thể) đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Tăng cường xã hội hoá dịch vụ công
Xã hội hoá dịch vụ công, giải pháp quan trọng tạo ra một nền hành chính dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Thật ra, muốn đơn giản hoá thủ tục hành chính, quản lý hành chính hiệu quả, chính quyền phải giảm bớt nội dung quản lý. Xuất phát từ quan niệm lĩnh vực gì nhà nước cũng muốn giữ độc quyền cung cấp… mà nếu độc quyền làm thì chỉ cung cấp những dịch vụ kém chất lượng, hoặc khan hiếm dẫn đến cơ chế xin-cho.
Tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức
|
Hoạt động công vụ là hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhân dân. Đối tượng phục vụ của công vụ là mọi tổ chức, công dân và người nước ngoài. Hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Hoạt động công vụ bao gồm: tổ chức công sở, trách nhiệm của công chức khi thi hành công vụ; quan hệ trong công vụ; thủ tục hành chính.
Hoạt động công vụ phải đặt trên một nền tảng công nghệ hành chính tiên tiến để công chức hoạt động chuyên nghiệp có trách nhiệm. Muốn cải cách hành chính để chống gây phiền hà hành dân, nếu chỉ dừng lại ở mức độ hô hào, kêu gọi lương tâm chức nghiệp thì e là chưa đủ, có phần duy ý chí. Rất cần đưa vào quá trình hoạt động công vụ những giải pháp, những kỹ thuật khách quan bắt buộc mọi công chức, dù muốn hay không muốn, vẫn phải tuân thủ chấp hành.
Trong công nghệ hành chính, người ta đã áp dụng trong cơ quan hành chính tiêu chuẩn quản lý chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ISO-9000. Nếu tuân thủ đúng quy trình thì không có lý do gì công chức chần chừ không giải quyết đúng hẹn công việc của dân. Với kỹ thuật này, hoàn toàn có thể kiểm tra từng vị trí công việc của cả hệ thống, từ người thừa hành một phần việc trong công đoạn đến lãnh đạo các cấp.
Đặt trong guồng máy vận hành theo hệ thống quản lý chất lượng, nếu bộ phận nào, cá nhân nào không tuân thủ những quy định, làm không đúng quy chế cam kết sẽ bị loại ra lập tức. Điều này có thể lý giải tại sao nhiều nền công vụ không đặt nặng việc kêu gọi tinh thần phục vụ mà dân lại rất hài lòng, rất chính trị
Xây dựng cam kết phục vụ cộng đồng
Xây dựng cam kết phục vụ cộng đồng
Chế độ cam kết phục vụ cộng đồng của chính phủ và chính quyền các cấp là một việc mới trong lĩnh vực quản lý công cộng, được hình thành từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Mục tiêu của nó là nâng cao trình độ phục vụ công cộng và mức độ hài lòng của công chúng đối với tổ chức công cộng thông qua sự giám sát của công chúng. Đó là một cơ chế hữu hiệu để nâng cao hiệu quả các tổ chức công cộng do chính phủ và các cấp chính quyền thành lập.
Chế độ cam kết phục vụ cộng đồng, phục vụ công dân không chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi, nhắc nhở, động viên, thậm chí chỉ thị mệnh lệnh mà phải thiết kế thành một quy trình, một công nghệ nhiều công đoạn. như: cam kết trách nhiệm, cơ chế thực hiện cam kết bao gồm tăng cường lãnh đạo đối với chế độ cam kết phục vụ, thiết lập và hoàn thiện cơ chế giám sát của xã hội.
Cần bổ sung chế định sát hạch công chức
Công chức tham gia vào bộ máy công quyền lâu nay theo hai con đường: thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, công chức đa phần tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ, thậm chí tìm đủ cách nhũng nhiễu… Với chế độ tiền lương, thưởng, phạt, đề bạt, bổ nhiệm… hiện hành tỏ ra khó cải thiện não trạng trên!
Công tác sát hạch là một khâu quan trọng, có tính nền tảng trong toàn bộ công tác quản lý các công chức, xét về một ý nghĩa nhất định, nó có thể được coi là cốt lõi của toàn bộ công tác quản lý công chức. Sát hạch bao gồm 10 nhân tố sau: 1) Tri thức về công việc; 2) Tính tình nhân cách; 3) Khả năng phán đoán; 4) Tinh thần trách nhiệm; 5) Khả năng sáng tạo; 6) Độ tin cậy; 7) Tính thích ứng nhanh nhạy; 8) Năng lực giám sát; 9) Lòng nhiệt tình; 10) Hành vi đạo đức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói, quyết định sự thành bại của cách mạng ngoài đường lối còn có khâu rất quyết định là cán bộ. Đúng, chính công chức trong bộ máy hành chính xây dựng nên thể chế, thiết kế tổ chức bộ máy và vận hành bộ máy hành chính. Sai một ly đi một dặm, cán bộ, công chức, dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là con sâu, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh, thậm chí có thể làm hư cả nồi canh chung.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment