Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân. Ảnh: Thái Ngọc
TBKTSG: Thưa Bộ trưởng tại sao chọn ngày 18-5 làm ngày KH-CN Việt Nam? Có phải đây chỉ là việc làm mang tính hình thức trong khi các nhà khoa học đang cần những thứ thiết thực hơn?
Ông Nguyễn Quân: Tôi không nghĩ như vậy. Giới KHCN Việt Nam có rất nhiều đóng góp cho đất nước suốt mấy chục năm qua nhưng chưa có được một ngày dành ra để tôn vinh họ. Vì thế, khi xây dựng luật KH-CN năm 2013, chúng tôi đã đề xuất và được Quốc hội chấp nhận chọn ngày 18-5. Ngày này 51 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên gặp mặt đông đảo các nhà khoa học trong Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật, và đã có những lời căn dặn rất thiết thực đối với những người làm công tác khoa học kỹ thuật trong cả nước.
Và trên thực tế, ngày KH-CN sẽ là dịp để những người làm khoa học tự giới thiệu công việc của mình, đồng thời cũng là dịp để người dân biết đến công việc của người làm khoa học. Qua đó, sẽ có cơ hội kêu gọi đầu tư nguồn lực xã hội cho lĩnh vực này.
Đầu tư cho KH-CN là quan trọng, nhưng định hướng và kế hoạch mà bộ đưa ra có vẻ còn chung chung, thưa ông?
- Theo tôi, trong những định hướng dài hạn, chúng ta phải đặt ra các định hướng lớn, theo mục tiêu phát triển đất nước. Hiện tại Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đó cũng sẽ là mục tiêu mà chiến lược KH-CN phải hướng tới, làm sao cho cơ cấu GDP phải có đặc trưng của một nước công nghiệp. Chúng ta vẫn phải đầu tư cho nông nghiệp, các ngành khác, nhưng để trở thành một nước công nghiệp thì phải dành một tỷ trọng lớn hơn đầu tư cho KH-CN.
Trong chiến lược phát triển KH-CN (đến 2020) mà Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt, Việt Nam đặt ra những mục tiêu khá cao. Cụ thể, tỷ trọng giá trị hàng hóa công nghệ cao hoặc ứng dụng công nghệ cao phải đạt 40% sản xuất công nghiệp; tốc độ tăng trưởng của thị trường công nghệ mỗi năm phải từ 15 – 17%. Mục tiêu đến năm 2020, một số lĩnh vực KH-CN của Việt Nam phải đạt trình độ thế giới, và Việt Nam phải nằm trong nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ phát triển KH-CN…
Để thực hiện được những mục tiêu này, cần phải có nguồn lực lớn hơn để đầu tư cho KHCN.
Nhưng để thực hiện được các kế hoạch trên, ngân sách nhà nước sẽ phải chi mạnh tay, thưa bộ trưởng?
- Chi như thế nào đã có quy định cụ thể. Luật KH-CN cho phép dành 2% tổng chi ngân sách quốc gia cho KHCN. Trong 2% này, 41 – 43% dành cho hạ tầng KHCN; khoảng 40% trả lương cho bộ máy các cơ quan KHCN của Nhà nước; do đó kinh phí thực sự dành cho nghiên cứu chỉ trên 10%.
Cụ thể hơn, năm 2013, tổng chi ngân sách quốc gia của Việt Nam hơn một triệu tỉ đồng, thì chi cho KHCN khoảng 20 nghìn tỉ đồng. Con số chi cho nghiên cứu khoa học từ trung ương đến địa phương chưa tới 3.000 tỉ.
Tôi thấy rằng các khoản chi trên rất khiêm tốn. Và do vậy, cần huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp để đầu tư cho KHCN.
Luật KHCN năm 2013 quy định chính sách đầu tư cho KHCN ngoài ngân sách Nhà nước. Theo đó các công ty nhà nước, tập đoàn, tổng công ty 90, 91 phải dành một khoản lợi nhuận trước thuế cho KHCN thông qua quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp. Nếu điều này được thực hiện triệt để, thì sẽ có một nguồn vốn đáng kể cho KHCN.
Nhưng kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang gồng mình để tồn tại, thì có vẻ việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN là không dễ, thưa ông?
Thực tế, hiện đã có các doanh nghiệp đã đầu tư cho KH-CN. Chẳng hạn như năm 2013, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Viễn Thông quân đội (Viettel) khoảng 1 tỉ đô la Mỹ, và Viettel đã dành khoảng 100 triệu đô la Mỹ cho quỹ KH-CN của tập đoàn. Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng có khoản tiền xấp xỉ vậy. Chỉ với hai tập đoàn này thì số tiền nghiên cứu KH-CN đã gấp rưỡi số tiền từ ngân sách nhà nước thực chi cho nghiên cứu.
Và trong chiến lược KH-CN thì Việt Nam đã xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ quốc gia. Và doanh nghiệp là địa chỉ để ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong trường đại học, hay nói cách khác là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường công nghệ.
Mới đây Thủ tướng đã phê duyệt thị trường phát triển công nghệ, trong đó có bốn khâu của thị trường công nghệ: nguồn cung, nguồn cầu, thể chế trung gian và thể chế chính sách của nhà nước. Trong bốn khâu này doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và quan trọng nhất. Vì không có doanh nghiệp đổi mới công nghệ sẽ không có được sản phẩm phục vụ cho nhu cầu xã hội và tăng trưởng quốc gia.
Hiện có hai chương trình quốc gia về KHCN liên quan đặc biệt đến doanh nghiệp: Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, do một phó thủ tướng chỉ đạo, và chương trình nâng cao năng suất chất lượng của hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.
Liệu các chương trình này có khả thi không, thưa ông?
- Tôi tin là sẽ thực hiện thành công. Vì hai chương trình này được xây dựng cụ thể rõ ràng. Như mỗi chương trình đều có các chương trình thành phần và đã được giao cho các bộ ngành, các địa phương xây dựng. Mục tiêu đề ra là doanh nghiệp Việt Nam sẽ có tốc độ đổi mới công nghệ 20%/năm. Hay nói cách khác, sau 5 năm thì trình độ KH-CN của các doanh nghiệp Việt Nam được đổi mới toàn diện, nâng lên một bước cao hơn, qua đó chúng ta rút ngắn được khoảng cách lạc hậu công nghệ với các nước khác.
Nếu chúng ta không đổi mới công nghệ, không có sản phẩm mới mang tính cạnh tranh chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ không tăng trưởng được, nhất là trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn khi hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Xin cảm ơn bộ trưởng!
Thái Ngọc
No comments:
Post a Comment